Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu: Quá Khứ - Hiện Tại – Tương Lai

Thứ Th 3,
25/04/2023
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó

Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu
Quá Khứ - Hiện Tại – Tương Lai


Giáo Hội chúng ta vẫn đang sống trong niềm vui Phục Sinh của Chúa Giêsu. Thế nhưng, sự Phục Sinh ấy nào đâu chỉ là một khoảnh khắc, đó là cả một quá trình, nhất là hành trình Thương Khó của Chúa Giêsu lên đồi Gôlgôtha để chịu chết. Trong hân hoan, chúng ta cũng nên nhìn lại Cuộc Thương Khó của Chúa theo chiều dọc lịch sử của thời gian để cảm tạ và tri ân Chúa. Vì Cuộc Thương Khó ấy đâu chỉ đã xảy ra là chấm hết, nó đã, đang và vẫn sẽ tiếp diễn trong suốt chiều dài lịch sử của con người trên hành trình lữ hành.

Khi nhắc về Cuộc Thương Khó của Chúa, chúng ta không chỉ dừng lại ở những “sự khốn khó” mà Chúa Giêsu phải chịu. Mầu nhiệm Thương Khó nằm trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa để cứu độ con người. Trong Kinh Thánh chúng ta thường hay gán cho quá trình ấy từ khi Chúa Giêsu lên Giêrusalem trong tiếng tung hô của mọi người và sau đó chính là hành trình thương khó của Ngài để chu toàn thánh ý Chúa cha cho đến lúc phục sinh.

Xét trên bình diện lịch sử, chúng ta có thể nói rằng, cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu mà chúng ta tưởng niệm mỗi năm đã diễn ra trong quá khứ, cách đây hơn hai ngàn năm. Ngoài những nỗi đau về tinh thần và sự sỉ nhục Chúa Giêsu phải chịu, Ngài còn phải chịu biết bao cực hình về thể xác. Như trong sách “Ngắm mười lăm sự Thương Khó Đức Chúa Giêsu”, Ngài phải chịu cảnh bị hành hạ lội dưới sống giá rét, bị đánh, vả ngang mặt trước Thượng Hội Đồng bởi quân lính tới “bốn trăm lần”. Trong chặng ngắm thứ sáu có chép lại rằng: “Bấy giờ nó lột áo ra, liền trói chân tay vào cột đá, lấy ngành gai dây da cùng lòi tói sắt, đánh cả và mình Đức Chúa Giêsu, dư năm nghìn đòn, cho nên nát hết thịt ra xem thấy xương chẳng còn nơi đâu lành, mặt mũi chẳng còn hình tượng người ta nữa,” và chặng thứ bảy: “Khi quân dữ đã đánh Đức Chúa Giêsu đoạn, thì Người mặc áo vào, mà áo ấy dính máu nơi dấu đòn đánh, thì quân dữ lại giật áo đi, cho nên máu nơi dấu đòn đánh lại chảy ra theo. Nó liền khiến Đức Chúa Giêsu mặc một áo đỏ, đoạn lấy những gai khoanh tròn làm nén đóng vào đầu Đức Chúa Giêsu, bảy mươi hai cái gai thì lọt vào óc, máu chảy xuống đầy mặt dòng dòng.” Cuối cùng, chúng bắt Ngài vác thập giá lên Núi Sọ và đóng đính Ngài vào đó như một tên tù tội. Chỉ lướt qua như vậy, chúng ta cũng đã thấy được sự ghê rợn của những cực hình Chúa Giêsu đã chịu. Chỉ vì tình yêu, Con Thiên Chúa vô tội đã tình nguyện đón nhận mọi nỗi đau thương chỉ để cho con người được sống, giao hòa với Thiên Chúa và khỏi chết vì tội lỗi.

Thế nhưng, Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu vẫn đang tiếp diễn trong hiện tại, điều đó vẫn đang xảy ra nơi tha nhân của chúng ta ở khắp nơi trên thế giới và ngay cả xung quanh chúng ta. Chúa Giêsu nói rằng: “Những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta" (Mt 25, 37). Chúa đã nên đồng hình đồng dạng với con người và cùng đang chịu đau khổ với họ. Chúng ta có thể thấy Cuộc Thương Khó ấy nơi những con người đang chịu cảnh tang thương chết chóc vì chiến tranh (Ukraina), vì đói kém và phân biệt chủng tộc, vì bị đối xử bất công và bóc lột sức lao động. Còn rất nhiều đau khổ mà con người đang phải chịu để cho cuộc Thương Khó của Chúa vẫn đang xảy ra. Mới nhất là thảm kịch Covid-19 đã cướp đi bao sinh mạng và làm đảo lộn cuộc sống của con người. Vì vậy, trong tình cảnh đó, chúng ta được mời gọi nên như một Simôn người Kirênê vác đỡ thánh giá Chúa bằng cách giúp đỡ tha nhân, chí ít là những người xung quanh mình để cộng tác vào Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu và xoa xịu bớt nỗi đau của Ngài.

Không những hôm nay nhưng cuộc Thương Khó của Chúa sẽ còn tiếp tục diễn ra trong tương lai, nơi những mảnh đời còn đang mất định hướng, nơi những thảm kịch có thể xảy ra vì cuộc chạy đua trang thiết bị hủy diệt của con người và nơi chính mỗi con người khi sự vô tâm ngày càng lên ngôi. Thời đại công nghệ đã lên tầm cao mới, nó dần thay đổi, thống trị và điều khiển con người trong khi con người lại dần trở nên như những con rôbốt không có quả tim. Rồi thế giới con người sẽ về đâu khi những tai ương cả thiên tai và nhân tai ngày càng khủng khiếp, sự chênh lệch giàu nghèo và những bất công sẽ càng nhiều. Chúa sẽ lại cùng đau với con người, Cuộc Thương Khó vì vậy mà chẳng thể chấm dứt khi con người cứ đặt lợi ích cá nhân lên trước đồng loại. Trong viễn cảnh ấy, là người kitô hữu, lẽ nào chúng ta lại dửng dưng đứng nhìn Chúa đau khổ qua cuộc đời của anh em mình? Chúng ta sẽ chẳng thể ngăn chặn hết những bi kịch có thể xảy ra nhưng như Mẹ Teresa Calcuta từng nói: “Chúng ta cảm thấy điều chúng ta đang làm chỉ là một giọt nước trong đại dương. Nhưng đại dương sẽ ít hơn chỉ bởi thiếu đi giọt nước ấy.” Vì vậy, trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa, chúng ta được tạo ra cũng là để nối dài cánh tay tình yêu của Ngài mà nắm lấy và nâng đỡ tha nhân khi họ cần đến.

Đặc biệt, cách riêng với những ai đang sống theo linh đạo của Hội Dòng Thương Khó Chúa Giêsu (The Passionist Congregation), nơi các tu sĩ và các giáo dân nguyện Chiêm Ngắm, Suy Niệm và làm Sống Động mầu nhiệm Thương Khó của Chúa Giêsu nơi chính mình và tha nhân. Chính họ đang là những người liên hệ gần nhất, có nghĩa vụ và trách nhiệm làm cho Cuộc Thương Khó ấy sống động và lan toả trong thế giới hôm nay qua đời sống của họ. Một cuộc Thương Khó để chia sẻ với nỗi đau của Chúa nơi tha nhân cũng đồng thời là một Cuộc Thương Khó hi vọng cho sự Phục Sinh trong ngày sau khi chúng ta cũng dìu nhau bước qua khổ đau trên con đường theo Chúa. Để được như vậy, chính mỗi cá nhân mang trong mình Linh Đạo Hội Dòng Thương Khó cần khắc sâu lời của Cha Thánh Phaolô Thánh Giá: “Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu là công trình vĩ đại và tuyệt vời nhất của tình yêu Thiên Chúa” để ý thức về phận vụ của mình hầu lấy đó làm kim chỉ nam cho đời sống chứng tá của tình yêu Thiên Chúa cho loài người qua Cuộc Thương Khó ấy.

Bằng cách chiêm ngắm và suy gẫm về Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, chúng ta cảm nếm và đón nhận tình yêu thương vô bờ bến đến quên mình của Thiên Chúa. Như vậy, cách đáp trả duy nhất đối với tình yêu ấy là đón nhận và sống vì tình yêu bằng cách thông chia Cuộc Thương Khó của Chúa nơi chính Ngài và nơi tha nhân. Khi sẵn sàng đón nhận những nghịch cảnh nơi chính bản thân và chia sẻ đau khổ với người khác, chúng ta sẽ được lớn lên và tiến gần hơn đến với Thiên Chúa là Đấng đã chịu mọi đau khổ chỉ vì tình yêu, kể cả cái chết để cho con người được sống. Đó cũng chính là bảo chứng cho chúng ta về tấm vé hạnh phúc mai sau nơi Thiên Đàng khi chúng ta vẫn luôn đi cùng hành trình thương khó của Chúa nơi trần gian trong sự phó thác và tin tưởng nơi Chúa.

Thiên Chúa vẫn luôn đồng hành với con người, nhất là trong những lúc đau khổ cho tới khi con người được nghỉ yên trong Ngài. Cuộc Thương Khó Chúa vẫn luôn hiển hiện và mời gọi chúng ta cộng tác để tình yêu của Chúa được lan tỏa trong cuộc đời này. Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương và như lời khẩn khoản trên thập giá “TA KHÁT” (Ga 19, 28), Ngài biểu lộ cơn khát tình yêu và khát các linh hồn vì sợ chúng hư mất. Đáp lại lời mời gọi ấy, chúng ta được thúc đẩy để làm dịu cơn khát của Chúa bằng cách sống Mầu Nhiệm Thương Khó và làm cho mầu nhiệm ấy sống động đến khắp cùng cõi đất để hầu cho mai sau mọi người chúng ta sẽ được phục sinh và hưởng hạnh phúc trọn vẹn với Thiên Chúa là Đấng đầy tình yêu trong nước Ngài. 

Antôn Trần


 

popup

Số lượng:

Tổng tiền: