Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

Thứ Th 6,
26/05/2023
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 


Thánh sử Luca được cho là tác giả của sách Công Vụ Tông Đồ. Ngài trình thuật lại những hoạt động của Giáo Hội sơ khai, sau khi Chúa Giêsu về trời. Đoạn Kinh Thánh Cv 2:1-11 thuật lại việc Chúa Thánh Thần hiện đến, chính thức khai sinh Hội Thánh. Trước đó, sau khi được Chúa Giêsu sai đi và chứng kiến Ngài về trời, lòng trí các môn đệ được tràn đầy ân sủng. Họ đã cùng nhau cầu nguyện và rút thăm chọn ông Mathia kể thêm vào số 11 Tông Đồ.

Chín ngày kể từ sau khi Chúa Giêsu thăng thiên là ngày Lễ Ngũ Tuần. Lễ Vượt Qua, Lễ Ngũ Tuần và Lễ Lều là những ngày lễ lớn của người Do Thái. Trong ngày lễ này, họ có thói quen hành hương đến Giêrusalem để tưởng niệm việc Thiên Chúa lập Giao Ước với Dân của Người trên núi Sinai, sự bày tỏ uy quyền của Thiên Chúa khi giải thoát dân Israel khỏi Ai Cập. Từ những biến cố ấy, Dân Israel đã được Thiên Chúa tuyển chọn. Từ chỗ chưa phải là một dân, nay được biến đổi và Thánh hoá thành Dân Thiên Chúa. Thiên Chúa đã chọn ngày này để ban Thần Khí xuống trên Giáo Hội, để từ đây, dân mới - Giáo Hội của Thiên Chúa chính thức được khai sinh. Nơi đây, những người được tuyển chọn lãnh nhận những đặc sủng để làm chứng cho Đức Kitô Phục Sinh và quy phục quyền năng của Thiên Chúa.

Hình ảnh Hội Thánh được tác động bởi quyền năng Chúa Thánh Thần được kể lại như “tiếng động phát ra từ trời, tiếng gió mạnh đầy cả căn nhà nơi họ đang tụ tập, những hình lưỡi giống như lửa tản ra đậu xuống từng người một. Họ được đầy tràn ơn Thánh Thần và bắt đầu nói các thứ tiếng khác” (x. Ga 2:1-4). Hạn từ “gió” trong tiếng Do Thái (Ruah) và Hylạp (pneuma) đều có cách viết giống hạn từ “thần khí” (spirit). Một phép lạ cả thể đã xảy ra và chính lúc này đây, khi Thần Khí đến, tâm hồn nhân loại được tràn đầy, tươi mát, “mọi thực tại của Cựu Ước đã đạt tới tầm vóc viên mãn.”  Từ việc lo sợ và co cụm lại một nơi, nhờ Thần Khí, các ông đã mở cửa để rao giảng cho muôn dân.

Kinh nghiệm biến đổi tuyệt diệu cùng ơn nói và hiểu được nhiều thứ tiếng khác nhờ Thần Khí đã thu hút những người Do Thái từ khắp nơi đang trở về Giêrusalem đến với các ông. Hình ảnh “lưỡi lửa” như để nói đến tác động của Thần Khí nơi miệng lưỡi Hội Thánh. Nhờ ơn Thánh Thần, lời giảng của các Tông Đồ trở nên cuốn hút, sắc bén và dễ dàng đi sâu vào lòng người, giúp họ hiểu biết và yêu mến Chúa Giêsu Phục Sinh hơn.

Chuyện xưa nơi tháp Babel (x. St 11:1-9) vẫn là một kinh nghiệm đau thương cho con người khi bị chia rẽ vì ngôn ngữ trở nên xáo trộn và họ không thể hiểu được nhau. Nhưng nay, Thần Khí đã nối kết mọi người nên một, mọi người từ muôn dân nước có thể thông hiểu ngôn ngữ của nhau mà chẳng bị điều gì cản trở. Với các Tông Đồ, ơn thông hiểu và có thể nói được các thứ tiếng là một ân ban lớn lao của Thánh Thần trên các ngài. Nhưng phép lạ lớn lao hơn hết mà Thánh Thần đã thực hiện là cả những người ngoại quốc có mặt nơi ấy đều nghe và hiểu được những lời loan báo về những kỳ công của Thiên Chúa (c.11). Chính Thiên Chúa đã đặt nền tảng đầu tiên cho việc rao giảng Tin Mừng cho muôn loài thọ tạo, và Chúa Thánh Thần đã tác động đến lòng trí con người, để mọi người, nhờ ân sủng nơi Thánh Thần đều có được phúc nhận biết Thiên Chúa.

Như lời Chúa Giêsu đã hứa, Thánh Thần của Thiên Chúa, qua mọi thời vẫn luôn hoạt động và là Đấng Bảo Trợ của chúng ta. Khi đã được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần, các Tông Đồ đã mở toang các cửa đang đóng kín, cũng như mở toang trái tim họ để đón nhận Thần Khí với tràn đầy niềm vui, bình an và sức mạnh cùng những đặc sủng mà các ngài đã nhận được. Từ đó, đã có biết bao ân huệ và hoa trái của Thánh Thần đã được ban cho các tín hữu. Thiết nghĩ, khi đã thật sự được đầy tràn Thánh Thần, mỗi người chúng ta cũng không thể ngồi yên với tâm hồn đóng kín cùng những cái tôi cá nhân ích kỷ.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết: “Những người rao giảng Tin Mừng đầy Thánh Thần có nghĩa là những nhà truyền giáo mở lòng ra với tác động của Chúa Thánh Thần mà không sợ hãi. Trong Ngày Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã làm cho các Tông Ðồ ra khỏi chính mình và biến các ngài thành những người loan báo những việc cao cả của Thiên Chúa, mà mỗi thính giả bắt đầu hiểu theo ngôn ngữ riêng của mình. Chúa Thánh Thần cũng đổ vào chúng ta sức mạnh để loan báo sự mới mẻ của Tin Mừng với sự mạnh bạo lớn tiếng, ở mọi nơi và mọi lúc, ngay cả những lúc phải lội ngược dòng. […] Chúa Giêsu muốn chúng ta trở thành những nhà truyền giáo loan báo Tin Mừng không chỉ bằng lời nói, nhưng trên hết, bằng một cuộc sống được sự hiện diện của Thiên Chúa biến đổi” (x. Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, số 259).

Đức Phanxicô còn nhấn mạnh: Chúa Thánh Thần là linh hồn của việc truyền giáo. Khi chúng ta nói rằng một điều gì có một “tinh thần”, thì thường ám chỉ một số động lực bên trong tạo ra một sự thúc đẩy, động cơ, khích lệ cùng làm cho các hành động cá nhân và cộng đồng có ý nghĩa. Một việc truyền giáo đầy Thánh Thần khác xa với một mớ những công tác bị coi như những nhiệm vụ nặng nề mà chúng ta chỉ đơn thuần phải làm, hoặc việc gì bị coi như mâu thuẫn với những xu hướng và ước muốn của chúng ta. Tôi rất ước ao tìm được những lời để cổ võ một mùa rao giảng Tin Mừng nhiệt thành, vui mừng, quảng đại, táo bạo, tràn đầy tình yêu cho đến cùng và một đời sống truyền cảm! Nhưng tôi biết rằng không có động lực nào có thể đủ nếu không có ngọn lửa của Chúa Thánh Thần đốt cháy trong lòng chúng ta. Cuối cùng, truyền giáo với tinh thần là truyền giáo với Chúa Thánh Thần, vì Ngài là linh hồn của việc truyền giáo của Hội Thánh” (x. Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, số 261). 

Trong ngày lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức, mỗi người Kitô hữu được lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần một cách dồi dào và phong phú. Không dừng lại ở đó, chúng ta còn được kêu gọi hãy làm cho những hoa trái ấy sinh sôi, nảy nở đến những người khác để mọi người đều cùng chung hưởng hạnh phúc từ Thiên Chúa. Nhưng liệu rằng, tiếng khóc của những người nghèo, những người đau khổ, bị bỏ rơi và những tiếng rên siết một trái đất đang bị tổn thương đến mức quằn quại vì đau đớn có khiến trái tim ta rung động? Ta có dám mang những hoa trái Thánh Thần mà ta lãnh nhẫn được để xoa dịu vết thương của những con người ấy không?

Lời nguyện: Lạy Chúa! Cảm tạ Chúa đã cho chúng con được nhận lãnh được niềm vui, bình an và biết bao ân sủng nơi Chúa Thánh Thần. Xin Chúa Thánh Thần ban thêm sức mạnh và lòng can đảm để chúng con dám từ bỏ con người cũ, để được biến đổi hoàn toàn trong Thần khí, để dám đứng lên loan báo về tình yêu tuyệt diệu của Thiên Chúa và làm chứng cho Đức Kitô Phục Sinh. Xin cho tinh thần của Ngày Lễ Ngũ Tuần luôn bùng cháy, để Hội Thánh Chúa luôn đồng tâm nhất trí, hết lòng thờ phượng Chúa và phục vụ tha nhân. Amen.

M.T.Đ

Tài Liệu Tham Khảo
1.    Kinh Thánh Lời Chúa Cho Mọi Người (Cựu Ước và Tân Ước), Nxb. Tôn Giáo, 2012, tr. 1872.
2.    https://www.tonggiaophanhanoi.org/suy-niem-chua-nhat-le-chua-thanh-than-hien-xuong/
3.    Lm. Giuse Tuân Vũ Chí Thành, SJ. Sự Biến Đổi Nhờ Ơn Thánh Thần. https://sjjs.edu.vn/su-bien-doi-nho-on-thanh-than-cv-21-11-le-chua-thanh-than-hien-xuong-nam-c/ 
 

popup

Số lượng:

Tổng tiền: