Mầu Nhiệm Chúa Phục Sinh

Thứ CN,
31/03/2024
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó

Mầu Nhiệm Chúa Phục Sinh


Hôm nay con muốn chia sẻ với cộng đoàn về ý nghĩa mầu nhiệm Phục sinh của Chúa Giêsu Kitô đối với anh em Dòng Thương Khó Chúa Giêsu và con hy vọng rằng cộng đoàn có thể góp nhặt được một vài điều nào đó để qua bài suy niệm chúng ta cùng suy ngẫm về công trình tuyệt vời mà Thiên Chúa đã thực hiện cho chúng ta, đó là biến cố Tử Nạn và Phục sinh của Đức Giêsu Kitô – Chúa chúng ta.

Trước hết, anh em Dòng Thương Khó Chúa Giêsu luôn mang lấy một mối tình đậm sâu đối với thánh giá. Chúng con say mê và chiêm ngắm thánh giá mỗi ngày để từ đó chúng con mong muốn được kết hiệp với Thiên Chúa qua những đau khổ và khó khăn của ngày sống. Chúng con dùng lời cầu nguyện để nối kết với những đau khổ của nhân loại và xin cho Thánh ý của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi trần gian này. 

Tuy nhiên, đời sống tu trì của chúng con sẽ trở nên vô nghĩa nếu chúng con chỉ dừng lại ở việc cảm nghiệm những nỗi đau của thân xác rồi chúng con tỏ ra đồng cảm với nỗi xót xa với tha nhân; hay chúng con có thể nói những lời hay ý đẹp trong khi tâm hồn chúng con thì trỗng rỗng. Không! Vượt xa hơn nữa đó chính là niềm TIN – VUI – HY VỌNG vào sự Phục sinh của Đức Giêsu Kitô. Chính Đức Giêsu Kitô đã trải qua những đau khổ như chúng ta, Ngài đã bị treo trên thập giá, chịu chết trong thân xác và giờ đây Ngài đang thực sự đang sống trong vinh quang của Thiên Chúa. 

Như vây, đối với anh em Dòng Thương Khó Chúa Giêsu, mầu nhiệm Tử nạn của Đức Giêsu chính là sự sống và dòng chảy linh đạo của Hội Dòng, còn mầu nhiệm Phục sinh chính là niềm khát vọng mà mỗi tu sĩ luôn hướng về vì nơi mầu nhiệm Phục sinh người tu sĩ Thương Khó tìm thấy niềm hy vọng về một tương lai tròn đầy với Thiên Chúa. Hai mầu nhiệm này không thể tách rời ra nhưng cả hai đều diễn tả một thực tại đó là “THIÊN CHÚA YÊU THƯƠNG CON NGƯỜI ĐẾN TẬN CÙNG.”

Thưa cộng đoàn, mầu nhiệm Phục Sinh là mầu nhiệm quan trọng nhất trong đạo Công giáo chúng ta. Trong lịch sử đã có rất nhiều người phủ nhận biến cố Đức Giêsu sống lại vì họ cho rằng điều này là vô lý và không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, qua những bài giảng của thánh Phaolô và truyền thống cử hành Phụng vụ của Giáo Hội thì mầu nhiệm Phục Sinh chính là sự xác tín của các Kitô hữu qua mọi thời. Như thánh Phaolô đã viết, xác tín và rao giảng trong thư 1 Cr 15,3-8 “Tiên vàn mọi sự tội truyền cho anh em điều tôi đã lãnh nhận: Đó là Đức Kitô đã chết cho tội lỗi chúng ta đúng như lời Kinh Thánh; đã được mai táng; đã trỗi dậy ngày thứ ba đúng như lời Kinh Thánh; Người đã hiện ra với Kephas, nời với Nhóm Mười Một. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em khác một lúc, đại đa số cho tới nay vẫn còn sống, nhưng có một vài người đã an giấc. Sau đó, Người đã hiện ra với Giacobe, rồi với các tông đồ. Cuối cùng, Người đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non.”  Việc tuyên xưng Đức Giêsu đã sống lại trở thành một Tin Mừng tiên khởi mà các tông đồ đã ra đi rao giảng cho khắp các dân ngoại theo lệnh truyền của Đức Giêsu Phục sinh “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Lc 16,15). 

Mỗi năm khi chúng ta cử hành tưởng niệm Mầu nhiệm Tử nạn và Phục Sinh của Đức Giêsu là mỗi lần chúng ta cùng nhau xác tín lại niềm tin của chúng ta trước Thiên Chúa là Đấng sáng tạo duy nhất. Niềm tin vào Đức Giêsu Phục Sinh chính là con đường duy nhất để giúp chúng ta can đảm đối diện với những khó khăn của hiện tại và sẵn sàng bước đến tương lai trong Niềm Vui và Hy Vọng. 

Thưa Cộng đoàn, mầu nhiệm Phục Sinh chính là câu trả lời cho những hoài nghi về việc phục sinh thân xác mà các triết gia Hy Lạp về sự phục sinh cánh chúng. Cái chết về thể lý không phải là hoàn toàn kết thúc nhưng chúng ta còn mong chờ một cuộc phục sinh trọn vẹn hồn và xác ngày sau với Thiên Chúa trên Thiên Quốc bởi vì chính Đức Giêsu đã chết và đã thực sự sống lại, đang ngự bên hữu Thiên Chúa Cha. 

Mầu nhiệm Phục sinh chính là câu trả lời có thể phủ lấp những đau khổ trong kiếp người. Công ăn việc làm, bệnh tật thuốc thang hay những đổ vỡ trong tương quan trong đời sống (gia đình, cộng đoàn) làm cho tâm hồn của chúng ta trở nên lạnh lẽo như tảng đá che mộ của Chúa. Đôi khi tâm hồn chúng ta cũng trở nên trống rỗng và khô héo như việc bà Maria Madagla mò mẫm trong đêm tối ra mộ tìm Chúa vì Ngài đã chết; hay có khi là cảm giác sợ hãi và hụt hẫng của các tông đồ khi xưa nấp mình trong căn phòng nhỏ. Đôi khi chúng con cảm thấy đời tu thật lạc lõng và chơi vơi hay đâu đó có những đau khổ và tổn thương chính trong đời sống gia đình. Tất cả đó là những thực tại của cuộc sống nhưng khi chúng ta đối diện với Thiên Chúa và được biến đổi bởi sự Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô thì chính Đức Giêsu lại trở nên nguồn mạch sống duy nhất và chính Ngài sẽ lấp đầy những khắc khoải đau khổ trong tâm hồn.

Mầu nhiệm Phục sinh chính là câu trả lời chắc chắn cho niềm tin của chúng ta về lời hứa cứu độ của Thiên Chúa. Đức Giêsu đã thực sự sống lại và dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa Cha; Ngài đã giao hòa chúng ta với Chúa Cha bằng giá máu của Ngài để cho chúng ta được trở lại làm con Thiên Chúa. Qua Mầu nhiệm Phục Sinh, Thiên Chúa tiếp tục mặc khải cho chúng ta biết về tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người, tình yêu trọn vẹn và muôn thủa của một vị Thiên Chúa đã trot yêu một loài thụ tạo là con người. Còn điều gì chắc chắn hơn về tín điều sự sống lại mai hậu trong hạnh phúc và vinh quang như là sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô? 

Thưa cộng đoàn, Thiên Chúa luôn mời gọi mỗi người chúng ta hãy đến với Thiên Chúa qua các bí tích, hãy để cho Thiên Chúa được bước vào cuộc đời mình và cho Thiên Chúa một cơ hội được làm bạn với mình, và cuối cùng Thiên Chúa muốn mời gọi mỗi người chúng ta trở nên bạn hữu của Thiên Chúa, nghĩa là chúng ta có thể hiểu và cảm nhận được Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến dường nào để từ đó chúng ta có thể trở nên người con của Thiên Chúa và là chứng nhân cho mọi người. Amen! 

Giuse Nguyễn Duy Danh, C.P

popup

Số lượng:

Tổng tiền: