Mầu Nhiệm Chúa Phục Sinh Trong Linh Đạo Dòng Thương Khó Chúa Giêsu

Thứ Th 2,
10/04/2023
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó

Mầu Nhiệm Chúa Phục Sinh Trong Linh Đạo Dòng Thương Khó Chúa Giêsu


Mỗi năm một lần, Giáo hội Kitô giáo mừng lễ Phục sinh. Nói đến phục sinh hay sống lại, thì phải nói đến sự chết. Bởi lẽ không ai chỉ ngủ say rồi thức giấc mà được gọi là sống lại. Đức Giê-su đã chết trên cây thập giá. Cả bốn tác giả Tin Mừng đều xác nhận điều đó. Ngoài các tác giả Tin Mừng, lịch sử còn biết đến chứng từ của một sử gia ngoài Ki-tô giáo, đó là ông Josèph (sinh năm 37 và qua đời khoảng năm 100). Ông đã viết về nhân vật Giê-su, về việc có đông tín đồ đi theo Người. Ông cũng viết về hiện tượng Người đã chết mà sau đó các tín đồ vẫn rao truyền Người đã sống lại.

Quả vậy, khi nói về biến cố Chúa Phục Sinh, chúng ta không chỉ dừng lại ở hạn từ “phục sinh”, nhưng đó là một mầu nhiệm đức tin của Ki-tô giáo. Bởi “mầu nhiệm đức tin” này là một biến cố “vô tiền khoáng hậu”, một biến cố làm “náo động cả đất trời”, vượt quá trí hiểu biết của con người.  “Mầu nhiệm đức tin” này đã trở thành cứu cánh và bảo chứng về sự sống mai hậu cho mỗi Ki-tô hữu. “Mầu nhiệm đức tin” này là sự viên mãn, tròn đầy được Thiên Chúa tiên liệu sau khi tổ tiên của con người sa ngã trong Vườn Địa Đàng, được trải dài và tiệm tiến qua hàng ngàn năm lịch sử. “Mầu nhiệm đức tin” này cũng là một biến cố lịch sử có thật, về một “con người” thật, tên là Giê-su, thuộc đất nước Ít-ra-en, đã chết trên cây thập giá, đã mai táng trong mộ đá và đã sống lại sau ba ngày. Ngang qua đây, ta thấy rằng “mầu nhiệm đức tin” này đã trở thành trọng tâm của đời sống và phụng vụ Ki-tô giáo, và Thánh Lễ Phục Sinh trở thành “mẹ” của các Thánh Lễ.

Nhân đây, khi suy ngắm về “mầu nhiệm đức tin” này – mầu nhiệm Chúa Phục Sinh, chúng ta cùng nhìn vào Linh đạo của Dòng Thương Khó Chúa Giêsu. Thánh Phaolô Thánh giá, Đấng sáng lập Hội Dòng nói rằng: “Linh đạo của hội dòng là chiêm niệm cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu và làm cho cuộc Thương Khó ấy trở nên sống động trong Hội Thánh.” Qua đó, chúng ta thấy rằng tu sĩ Dòng Thương Khó được mời gọi “chiêm ngắm” cuộc Tử Nạn của Chúa Giê-su một cách đặc biệt nhất: để cảm nghiệm được sự trao ban “tự hủy”, sự hy sinh cách nhưng không, và một tình yêu vô vị lợi của Chúa Giê-su, chứ không chỉ dừng lại ở rầu rĩ, khóc than hay đau đớn. 

Bên cạnh đó, tu sĩ Dòng Thương Khó Chúa Giê-su được mời gọi “sống và làm cho cuộc Thương Khó ấy trở nên sống động trong Hội Thánh”, nghĩa là tu sĩ ấy lấy cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su làm nền tảng cho đời sống của mình, để từ đó bén rễ sâu vào linh đạo hội dòng, làm đâm chồi nảy lộc, sinh nhiều hoa lợi bằng đời sống chứng tá về “Chúa Phục Sinh”. Thật vậy, khi rao giảng về Thập giá, về cuộc Khổ Nạn của Chúa Giê-su là chúng ta rao giảng về sự sống lại, sự phục sinh của Ngài. Nếu không, thì lời rao giảng của chúng ta trở nên trống rỗng, và đức tin của chúng ta trở nên vô nghĩa, bởi như lời thánh Phaolô Tông đồ xác tín rằng: “Nếu Đức Kitô đã không chỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng… nếu Đức Kitô đã không chỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền”. (1Cr 15,14.17)

Hơn nữa, trong Hiến pháp Dòng Thương Khó Chúa Giêsu, số 3 nhấn mạnh rằng: “Chúng ta ý thức sự Thương Khó Chúa Giê-su vẫn còn đang tiếp diễn trên trần gian này cho đến khi Ngài lại đến trong vinh quang; nên chúng ta chia sẻ cả niềm vui lẫn nỗi buồn của những người đương thời với mình trong hành trình tiến về với Thiên Chúa Cha… Sứ vụ của chúng ta nhằm loan báo Tin Mừng cho tha nhân bằng ngôn từ của Thập giá. Nhờ thế, mọi người có thể dần dần nhận biết Đức Ki-tô và quyền năng Phục Sinh của Ngài. Để họ thông phần vào những đau khổ của Ngài, trở nên giống Ngài trong cái chết, hầu có thể hợp nhất với Ngài trong vinh quang”. 

Điều này minh định cho chúng ta thấy về sự song hành và gắn kết với nhau giữa sự “Thương Khó” và “Phục Sinh”, cuộc “Thương Khó của Chúa Giê-su” vẫn còn tiếp diễn và nơi đó sự “Phục Sinh” vẫn đang xảy ra; hay nói cách khác, ở đâu có “Thương Khó” ở đó có “Phục Sinh”. Đơn cử khi một người khi một người tội lỗi mang trong mình những khổ tâm, đau đớn, buồn phiền thì họ đang mang lấy “Thập giá”, “Thương Khó”; nhưng khi họ hoán cải trở về với Chúa thì chính họ đang sống trong sự “Phục Sinh”, bước vào một đời sống mới. Bên cạnh đó, khi nói về “Thương Khó” – “Phục Sinh”, xét theo hạn từ xem ra là đối nghịch và mâu thuẫn, nhưng lại có sự thống nhất và kiện toàn; mà chúng ta hay thường ví von “sau cơn mưa thì trời lại sáng” hay bên nhà đạo thì nói “qua đau khổ sẽ đến vinh quang”. Đỉnh cao của sự hiệp nhất, gắn kết và kiện toàn này chính là nơi Đức Giê-su Ki-tô. Sự Thương Khó và Phục Sinh của Ngài đã biến đổi thế giới, đã xóa tan hận thù, chia rẽ, đẩy lui bóng tối sự dữ và hiệp nhất muôn người nên một. Bởi chính Ngài là Đầu và tất cả chúng ta là chi thể trong cùng một thân thể. 

Tắt một lời, sống mầu nhiệm Thương Khó – Phục Sinh, là chúng ta đang sống “mầu nhiệm đức tin” giữa cuộc đời thật: nơi mỗi người, nơi cộng đoàn, nơi gia đình, nơi học đường, nơi môi trường làm việc, nơi xã hội cũng như giáo hội. Bởi “mầu nhiệm đức tin” này đang xảy ra và tiếp diễn mỗi ngày trong cuộc sống chúng ta ngang qua những biến cố vui buồn, thành bại, sống chết, được mất… Bởi thế, bằng cách sống linh đạo Hội Dòng, mỗi tu sĩ Thương Khó được kết hiệp mật thiết hơn vào mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu Ki-tô trong từng khoảnh khắc. Hơn nữa, khi sống Linh đạo Thương Khó, ta không dừng lại ở việc “chiêm ngắm” hay “rao giảng” nhưng xa hơn nữa đó là sống niềm hy vọng, hy vọng sau cuộc “thương khó” và “tử nạn” chúng ta sẽ được “phục sinh” vinh hiển trong Chúa Ki-tô. Bởi vì “Đức Kitô là niềm hy vọng của chúng ta” (Cl 1,27). Từ niềm xác tín đó, chúng ta có thể nói rằng mầu nhiệm “Thương Khó – Phục Sinh” là nguồn mạch ân sủng và ơn cứu độ, sẵn sàng để chúng ta “trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng” của chúng ta (1Pr 3,15).

Phêrô Nguyễn Quốc Thắng C.P
 

popup

Số lượng:

Tổng tiền: