Thứ Th 2,
17/04/2023
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó
“Tôi Sống Nhưng Không Còn Phải Là Tôi”
(Gl 2:20)

Tôi đã từng rất nhiều lần được nghe đoạn trích thư của thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2:20). Nhưng khi đặt trong bối cảnh Đại Lễ Phục Sinh, bỗng nhiên tôi được đánh động rất nhiều. Vì sao thánh Phaolô sau khi gặp Đức Kitô Phục Sinh lại có thể biến đổi toàn diện, trở thành một con người hoàn toàn mới? Và tôi nhận ra, sự Phục Sinh của Chúa là để chiến thắng tử thần, và để mở đường cho sự phục sinh của ta là sự biến đổi toàn diện trong tâm hồn, đức tin, thân xác và các mối tương quan khi có Chúa Phục Sinh hiện diện nơi mình.
Trên đường Emmaus, tâm hồn của 2 người môn đệ đã được bừng cháy. Ngọn lửa thất vọng, đau buồn trong tâm hồn họ đã trở thành ngọn lửa Phục Sinh bùng cháy mãnh liệt, khi tất cả những lời giảng dạy của Đức Kitô được ánh sáng Phục Sinh soi chiếu. Ngọn lửa ấy đã đốt cháy tâm hồn, khiến họ vội vã quay trở lại Giêrusalem, loan báo tin ấy đến cho mọi người (Lc 24:13-35). Đức Kitô Phục Sinh đã chiếm hữu và ngự trị trong trái tim các môn đệ và những kẻ tin vào Người.
Khi các môn đệ bỏ chạy tán loạn, Thầy Giêsu đã phải chịu tất cả những tủi nhục, đau đớn trong sự cô đơn đến cùng cực. Đức Tin của các môn đệ dường như trở về con số không vì sự sợ hãi, lo lắng. Nhưng sau khi gặp thấy Đức Kitô Phục Sinh, tâm hồn của họ lại được phục sinh với Người. Vì vậy niềm tin và hành động của họ cũng được hồi sinh. Nhờ được “mắt thấy, tai nghe”, đức tin của các ngài trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Đức tin nơi các ngài lan toả mạnh mẽ đến nỗi, chỉ trong bài giảng đầu tiên của thánh Pherô về Đức Kitô Phục Sinh, đã có biết bao nhiêu tín hữu được biến đổi, được quay trở về (Cv 10:34-43). Những con người đã từng nghi ngờ, kém tin, nay lại là những vị chứng nhân anh dũng của Đức Giêsu Kitô.
Trong Cựu Ước, khi con người sa ngã, tương quan giữa ta và Thiên Chúa bị gãy đổ, kéo theo hàng loạt các tương quan khác cũng vỡ vụn. Nhưng bằng Thánh Giá, bằng Máu và Thịt của mình, Đức Giêsu Kitô đã hàn gắn những đổ vỡ, đã chữa lành những vết đứt gãy trong mối tương quan ấy khiến con người được giao hoà với Thiên Chúa, với nhau và với chính bản thân mình (1 Cr 15:20-22). “Các tín hữu luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2:42).
Từ niềm tin ấy, ta nhìn lại sự phục sinh về thân xác của mình. Thân xác của con người được dự phần vào phẩm giá là “hình ảnh của Thiên Chúa” (GLHTCG 364). Niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh giúp ta xác tín rằng mai sau con người sẽ được Thiên Chúa cho sống lại thật cả về linh hồn lẫn thân xác. Ta tin nhận điều ấy vì lời chứng đáng tin cậy của các tông đồ, những người đã cùng ăn uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại (Cv 10:34-43), và nhờ vào chính sự hiện diện của Người trong đời sống của ta.
Thế nhưng, chẳng phải đợi đến khi bước vào cõi vĩnh hằng ta mới có thể chân nhận ra Mầu Nhiệm ấy. Sau khi gặp Đức Kitô Phục Sinh, các môn đệ đã thay đổi hoàn toàn đời sống của mình. Từ những con người hay ganh tỵ, chấp nhặt và so bì với nhau, nay họ đồng tâm nhất trí, đặt mọi sự làm của chung (Cv 4:32-35). Từ những con người nhút nhát, hèn yếu đến mức sẵn sàng chối thầy liên tiếp 3 lần (Mt 26:70-75), bỏ chạy tán loạn khi thầy mình bị bắt (Mt 26:56), nay họ trở nên những môn đệ trung kiên, coi thường sự sống chết ở đời này. Tâm hồn các ngài đã bị thiêu đốt bởi ngọn lửa Phục Sinh. Họ nhận ra rằng thế gian này chỉ là phù vân, và gia nghiệp đời đời của họ là chính Chúa.
Niềm tin của các ngài cũng thể hiện niềm tin của chúng ta hôm nay, có lúc nghi ngờ, nhưng lại có lúc mạnh mẽ tuyên xưng. Đối mặt với một xã hội phát triển nhanh chóng, phủ nhận sự hiện diện của Thiên Chúa, dường như đời sống tâm linh của chúng ta đang chết dần chết mòn trong tuyệt vọng. Và như thế, ta để lỡ những lần viếng thăm của Người. Người vẫn đến và gõ cửa tâm hồn chúng ta mỗi ngày, trong những giờ cầu nguyện, trong các Bí Tích và nhất là trong Thánh Lễ. Nhưng ta quá bận rộn, ồn ào đến nỗi phớt lờ vị khách cao trọng ấy.
Tôi đã từng chứng kiến sự biến đổi tuyệt diệu. Đó là sự biến đổi - sự “phục sinh” của những bước chân đến với toà giải tội. Khi những hối nhân xếp hàng chờ đến lượt mình, tôi nhận thấy sự nặng nề, lúng túng, ngần ngại nơi bước chân của họ, và của chính mình. Có một cuộc chiến thường diễn ra trong đầu tôi khi đến với toà cáo giải: liệu mình có xứng đáng để được tha thứ không? Mình có nên quay về, xét mình thêm nữa và quay lại vào một lúc khác không? Đó là những câu hỏi thường ngăn cản bước chân của hối nhân đến với Chúa để xin ơn tha thứ.
Nhưng sau khi lãnh nhận Bí Tích Hoà Giải, bước chân của các hối nhân như có thêm đôi cánh, nhẹ nhàng và dường như họ có thể bay lên với tâm hồn hạnh phúc. Đó là niềm hạnh phúc bởi sự phục sinh của tâm hồn, thân xác, đức tin và các tương quan được làm mới lại. Thật vậy, mỗi lần chúng ta phạm tội nhưng thành tâm hoán cải, trở về, đó là lúc đời sống, tâm hồn chúng ta được phục sinh trong Chúa.
Bỗng nhiên tôi cảm thấy chúng ta thật may mắn! Các môn đệ xưa được phúc nhìn thấy Chúa Phục Sinh nhãn tiền, còn chúng ta được phúc vì “không thấy mà tin” (Ga 20:29). Niềm hy vọng sẽ không bao giờ tắt khi niềm tin Phục Sinh vẫn cháy sáng. Cuộc Vượt Qua và sự Phục Sinh vinh hiển của Đức Giêsu Kitô chính là cửa ngõ duy nhất để chúng ta được phục hồi và được tiến vào cuộc sống mới trong ân sủng của Thiên Chúa. Nơi Người, chúng ta được nếm “những sức mạnh của thế giới tương lai” (Dt 6:5) và đời sống của ta được lôi cuốn vào trong lòng đời sống thần linh (GLHTCG 655). Xin cho mỗi người chúng ta luôn có Đức Kitô Phục Sinh ở cùng, can đảm để Ngài biến đổi ta, để câu xác quyết của thánh Phaolo trở thành sự xác tín của chúng ta: “Tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi.”
M.T.Đ
17/04/2023