Tình Yêu Của Thánh Phêrô Và Chúa Giêsu Trong Các Tin Mừng

Thứ Th 5,
29/06/2023
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó

Tình Yêu Của Thánh Phêrô Và Chúa Giêsu 
Trong Các Tin Mừng 


Phêrô xuất hiện trong Tin Mừng Gioan 37 lần,  và số lần Phêrô xuất hiện trong chương cuối (chương 21) của Tin Mừng này chiếm 1/3 (13 lần). Vậy, Chúa Giêsu đã yêu Phêrô thế nào? Có lần nào trong Tin Mừng Gioan, Phêrô được chỉ đích danh là người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến hay là một người bạn, người anh em Chúa Giêsu thương mến như Lazarô hay người môn đệ bí ẩn Chúa thương không? Đặc biệt, với vết nhơ chối Chúa (Ga 18,17.25-27) liệu Phêrô có còn xứng đáng để Chúa yêu? Tuy nhiên, để khám phá tình yêu của Chúa Giêsu dành cho Phêrô, chúng ta cùng tìm hiểu Phêrô đã yêu Chúa Giêsu như thế nào. 

Các sách Tin Mừng khắc họa một Phêrô yêu Chúa rất mạnh mẽ, nồng nhiệt, bộc trực và chân thành. Điều này thể hiện qua những tuyên bố hùng hồn và những hành động trung thành không bỏ rơi Chúa Giêsu của Phêrô trong các Tin Mừng Nhất Lãm. Khi nghe Chúa Giêsu nói đến cuộc khổ nạn và các môn đệ sẽ bỏ Người, Phêrô dõng dạc tuyên bố đầy xác tín: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy” (Mt 26,35; Mc 14,30), “Lạy Chúa, với Chúa, con sẵn sàng vào tù, và chết cũng cam” (Lc 22,34) và “Con sẽ thí mạng vì Thầy” (Ga 13,37). Đây quả là một lời tuyên bố hùng hồn từ trái tim đầy nhiệt huyết, trung thành của Phêrô nhưng cũng có phần ngông cuồng, bồng bột.

Đặc biệt, khi Chúa Giêsu bị bắt trong Vườn Cây Dầu, tất cả các môn đệ đều sợ hãi chạy trốn (Mt 26,56; Mc14,50), chỉ một người ở lại vì Ngài, đó là Phêrô. Không chỉ ở lại, Phêrô còn tuốt gươm và chiến đấu (Mt 26,51; Mc 14,47; Lc 22,49-51; Ga 18,10). Trong lúc gay go nhất, Phêrô đã cho thấy tình yêu của ông dành cho Chúa không chỉ là môi miệng, nhưng là hành động cụ thể và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Chúa.  Ông thật sự yêu Chúa bằng tình yêu chân thật và nồng nhiệt. Hơn nữa, Khi Chúa Giêsu bị bắt và giải đi. Trong đêm hoảng loạn kinh khiếp đó, có còn môn đệ nào theo Người? Tin Mừng Nhất Lãm chỉ nhắc tới Phêrô theo Chúa vào tận bên trong dinh thượng tế (Mt 26,58; Mc 14,54; Lc 22,54) còn Tin Mừng Gioan thì có đề cập tới một môn đệ khác không được nêu tên (Ga 18,15). Như vậy, dù có sợ hãi, dù có đứng từ xa xa nhìn Chúa bị bắt, bị điệu đi, nhưng ông vẫn không trốn chạy, vẫn quyết tâm theo Chúa. 

Ấy thế, người ta thường nhớ đến sự kiện, tại dinh thượng tế Phêrô đã chối Chúa Giêsu ba lần, mà mấy ai nghĩ rằng Phêrô mang theo sự yếu đuối khốn cùng của bản thân nhưng vẫn quyết tình theo Chúa, không thể để Ngài ở lại một mình. Trên hết tất cả ông thật sự thương Chúa. Ông có một trái tim yêu Chúa mạnh mẽ, nhưng cũng đầy yếu đuối và chao nghiêng. Nên trước yếu đuối ấy và nhớ lại lời của Chúa Giêsu, sau khi chối Chúa, Phêrô đã òa khóc thảm thiết (Mt 26,75; Mc 14,72; Lc 22,62).

Tiếp đến, biến cố Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ở biển hồ Tibêria. Sau khi nghe người môn đệ Chúa yêu nói: “Chúa đó” (Ga 2,17), Phêrô vội vàng khoác áo vào và nhảy xuống biển. Ông nhảy xuống biển, vội bơi vào bờ có lẽ vì thuyền đầy cá (Ga 21,6) nên đi chậm mà ông sợ Chúa đi mất. Hình ảnh này cho thấy Phêrô háo hức gặp Chúa Giêsu đến nỗi dường như quên đi kí ức chối Chúa trước đây, quên đi những mệt nhọc của việc đánh bắt cá suốt đêm (Ga 21,3) và cả cái lạnh của biển hồ sáng sớm. Thật sự, việc nhảy khỏi thuyền đã cho thấy tình yêu Phêrô dành cho Chúa thật nồng nhiệt thế nào.  Thật sự, chỉ những ai ở trong một tình yêu ấm áp, nồng nhiệt thì người ta quên đi mọi thứ và chỉ mong được gặp nhau.

Đáp lại sự nhiệt thành, háo hức và ham hở của Phêrô, ở trên bờ Chúa Giêsu phục sinh đã chuẩn bị bữa ăn sáng. Ở đó, có đống lửa để sưởi ấm và để nướng cá và bánh (Ga 21,9). Khi các ông lên bờ, Ngài đã cầm lánh bánh và cá mà đưa cho các ông ăn (Ga 21,13). Hình ảnh Chúa Giêsu phục sinh quy tụ các môn đệ lại xung quanh Người ngồi quây quần bên đống lửa, cùng nướng bánh, nướng cá và cùng ăn uống, trò chuyện với nhau, điều đó cho thấy Chúa Giêsu không chỉ tha thứ cho các ông tội bỏ Ngài, nhất là tội chối Chúa trong dinh thượng tế của Phêrô, nhưng Ngài còn cho thấy tình yêu trước sau như một của Ngài dành cho các ông, nhất là Phêrô. 

Như vậy, Chúa Giêsu yêu Phêrô không phải bằng lời nói nhưng qua hành động. Sau khi phục sinh, không một lần nào Ngài nhắc tới những gì Phêrô đã làm trong lúc Chúa bị bắt, bị sỉ nhục, bị đánh đòn và bị treo đến chết trên Thập giá. Ngài đã lấy chính tình yêu thương vô vị lợi của mình để cảm hóa, biến đổi con tim còn hèn yếu của ông. Ngài tìm đến ông, gặp gỡ, sưởi ấm, trò chuyện và thiết lập lại tương quan thân thiết, gần gũi như trước kia. Không chỉ vậy, sau ba lần Người cho ông cơ hội để nói lời yêu thương, để tuyên xưng lại niềm tin, Phêrô còn là người đầu tiên được Chúa trao sứ mạng. Đó chính là cai quản Hội thánh của Người: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy” (Ga 21,15-17).

Chính tình yêu của Chúa, một tình yêu tha thứ, tín nhiệm đã làm Phêrô cuối cùng phải thốt lên như trút hết ruột gan: “Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự mà, Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21,17). 

Như vậy, Chúa đã yêu Phêrô bằng một cách riêng mà dường như mấy ai có thể hiểu (một người ba lần chối Chúa vậy mà Chúa lại tín nhiệm trao trách nhiệm chăm sóc Giáo Hội). Đó là một sự ưu ái, một tình yêu tín nhiệm mà Chúa Giêsu đặc biệt dành cho vị tông đồ trưởng. Chúa Giêsu đã dành một tình yêu ưu ái không qua ngôn từ, nhưng qua những hành động và quyết định của Ngài mà không phải ai cũng được Chúa ưu ái như vậy như Phêrô có được.

Sỹ Đoàn, C.P.


 

popup

Số lượng:

Tổng tiền: