Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Thứ Th 5,
23/11/2023
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
(24/11)


Từ trên cao, các thánh thuộc đủ mọi màu da, sắc tộc, ngôn ngữ, như những ngọn đèn trời soi chiếu, như những tấm gương linh động sẽ kêu gọi, sẽ thúc đẩy và cổ võ con người thời nay trở về nếp sống đạo đức, xứng đáng với danh nghĩa con cái Thiên Chúa.

Chính vì vậy, khi còn tại thế, trong cương vị là chủ chăn của Giáo Hội hoàn vũ, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã không ngừng trình bày cho từng lớp người và trong trường hợp có thể, cho cả từng quốc gia, từng vùng miền, một hay nhiều vị thánh sinh trưởng tại địa phương, quen thuộc với nền văn hóa và các phong tục địa phương để làm gương mẫu cho mọi người noi theo. Ngài trở thành vị giáo hoàng phong thánh và chân phước nhiều nhất trong lịch sử Giáo Hội: 1.340 chân phước và 483 thánh, trong số ấy có 117 thánh Tử đạo Việt Nam.

117 vị Tử đạo là một kho tàng châu báu vô giá của Giáo Hội Việt Nam. Câu chuyện của các ngài chứa đựng những gì là tinh hoa của Tin Mừng hơn ba thế kỷ đã được truyền bá trên khắp dải đất hình chữ S này: đức tin kiên trung, đức cậy vững vàng và đức mến tha thiết của tổ tiên Việt Nam. 117 vị Tử đạo là 117 đoạn lịch sử kiêu hùng riêng biệt, không ai giống ai về xuất thân, về bậc sống, về cách thức chịu bách hại… ngoại trừ một điểm: ai cũng chết oanh liệt, làm chứng cho đức tin.

Theo quốc tịch, 117 thánh Tử đạo Việt Nam bao gồm: 11 vị gốc Tây Ban Nha (6 giám mục và 5 linh mục dòng Đaminh), 10 vị gốc Pháp (2 giám mục và 8 linh mục thuộc Hội Thừa sai Paris), 96 vị người Việt (37 linh mục, 14 thầy giảng, 1 chủng sinh, 43 giáo dân nam và 1 phụ nữ là bà Anê Lê Thị Thành).

Về bậc sống và nghề nghiệp, các ngài là những người sống đời thánh hiến như: giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh, thầy giảng; là những người phục vụ trong triều đình như: quan thái bộc, quan án, binh sĩ; là những bậc cha mẹ trong gia đình; là cai tổng, lý trưởng, trùm họ, ngư phủ, y sĩ, thương gia, nông dân… đủ mọi tầng lớp trong đạo ngoài đời. 

Theo Việt sử, các vị đã bị bách hại trong những đời vua chúa sau đây: 2 vị dưới thời chúa Trịnh Doanh (1740 - 1767), 2 vị dưới thời chúa Trịnh Sâm (1767 - 1782), 2 vị do sắc lệnh của vua Cảnh Thịnh (1782 - 1802), 58 vị dưới thời vua Minh Mạng (1820 - 1841), 3 vị dưới thời vua Thiệu Trị (1841 - 1847), và 50 vị dưới thời vua Tự Đức (1847 - 1883).

Các ngài bị tra tấn và hành quyết dưới nhiều hình thức khác nhau: 75 vị bị trảm quyết (chém đầu), 22 vị chịu án xử giảo (thắt cổ), 1 vị chịu bá đao, 4 vị bị lăng trì, 6 vị bị thiêu sống và 9 vị chết rũ tù (bị tra tấn, đánh đập và bỏ đói cho chết).

Các vị tử đạo được Giáo Hội tôn vinh Chân phước qua bốn đợt: Ngày 27 tháng 5 năm 1900, Đức Giáo hoàng Lêô XIII tuyên phong 64 vị; Đức Giáo hoàng Piô X tuyên phong 8 vị ngày 20 tháng 5 năm 1906 và 20 vị ngày 2 tháng 5 năm 1909; ngày 29 tháng 4 năm 1951 Đức Giáo hoàng Piô XII tuyên phong 25 vị. Tất cả các ngài được thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II tuyên phong Hiển thánh vào ngày 19 tháng 6 năm 1988 tại quảng trường Đền thờ thánh Phêrô.

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Hội Thánh Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhậm lời các ngài chuyển cầu mà cho chúng con biết noi gương các ngài để lại: luôn can đảm làm chứng cho Chúa và trung kiên mãi đến cùng. Amen.

J.M. Bùi Tấn Tài, C.P.

popup

Số lượng:

Tổng tiền: