Thứ Th 5,
09/11/2023
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó
Mừng Kính Thánh Lêô Cả: Giáo Hoàng - Tiến Sĩ Hội Thánh
(10/11)
Đức Giáo hoàng Lêô là một cư dân xứ Toscano chào đời khoảng năm 400. Năm 430, ngài được truyền chức phó tế, phục vụ cộng đoàn Giáo phận Rôma, và cũng tại đây, sau này ngài đảm nhận những chức vụ quan trọng hơn. Năm 440, Đức Giáo hoàng Sixtô III băng hà, và Lêô được chọn để kế nhiệm, coi sóc cộng đoàn dân Chúa và bắt đầu sứ mạng mới vào ngày 29 tháng 09 năm 440. Ngài đảm trách nhiệm vụ trọng đại này hơn hai mươi mốt năm và trở thành một trong những vị giáo hoàng quan trọng nhất của lịch sử Giáo Hội.
Giáo hoàng Lêô sống trong một giai đoạn rất khó khăn: vì quân man di liên tục xâm lăng lãnh địa, hoàng triều phía Tây suy yếu dần, khủng hoảng xã hội liên miên, kéo dài, buộc vị giám mục Rôma phải đảm trách vai trò quan trọng cả những vấn đề dân sự và chính trị.
Năm 452, khi Đức Giáo hoàng cùng với một vị đại sứ Rôma gặp gỡ Attila, thủ lãnh xứ Huns ở Mantua để thuyết phục ông ta ngưng chiến. Ba năm sau, quân Vandal của lãnh chúa Genseric tiến tới và đánh chiếm thành Rôma trong khoảng hai tuần lễ. Đức Giáo hoàng đã mạnh dạn đích thân đến gặp kẻ xâm lăng, lên tiếng yêu cầu chúng dừng lại. Ngài đã bảo vệ thành Rôma không bị thiêu huỷ, Đền thờ thánh Phêrô, Đền thờ thánh Phaolô, Đền thờ thánh Gioan, cùng đám đông dân chúng đang trú ẩn trong đó đều được an toàn.
Chúng ta biết đến các việc làm của giáo hoàng Lêô thông qua những bài giảng bằng tiếng Latinh và khoảng 155 lá thư ngài để lại. Trong những bài viết này, chúng ta có thể nhận ra hình ảnh một vị giáo hoàng vĩ đại, đã hết lòng phục vụ chân lý trong tình yêu mến, chuyên chăm thực hành Lời Chúa, vừa là một mục tử vừa là nhà thần học. Đức giáo hoàng Lêô Cả hằng lo nghĩ cho các tín hữu và dân thành Rôma, thao thức về sự hiệp thông cũng như nhu cầu của các cộng đoàn Giáo Hội. Ngài là nhà quán quân và là người củng cố vị thế trổi vượt của toà Rôma so với các toà thượng phụ khác, điều đó, cho thấy bản thân ngài là vị kế nhiệm đích thực của Tông đồ Phêrô: nhiều vị giám mục tại Công đồng Calxêđônia, phần lớn đến từ Đông phương, đều nhận thấy rõ như vậy.
Từ hành động can thiệp vào Công đồng Calxêđônia của Đức Giáo hoàng Lêô, cùng nhiều việc khác nữa ngài đã thực hiện suốt cuộc tranh luận Kitô học trong những năm đó, chúng ta thấy rõ: Đức Giáo hoàng Lêô đã nhận thức trách nhiệm lớn lao của ngài trước nhu cầu cấp bách của Giáo Hội, trong cương vị là người kế nhiệm thánh Phêrô Tông đồ.
Hiểu rõ giai đoạn lịch sử mình đang sống, cũng như hiểu được những thay đổi diễn ra từ một thành Rôma ngoại giáo cho tới thành Rôma Kitô giáo giữa một thời kỳ có rất nhiều khủng hoảng, đức giáo hoàng Lêô Cả đã biết cách gần gũi với dân chúng và với anh chị em tín hữu, qua lời giảng cũng như qua hành động mục vụ. Ngài đã khơi lên lòng bác ái giữa một cộng đoàn Rôma đang phải chịu đói kém, nhiều người tị nạn, bất công và nghèo khổ. Ngài đã loại bỏ những hành vi mê tín dị đoan của dân ngoại và chống lại hành động của nhóm Manikê. Ngài đã kết hợp Phụng vụ với đời sống thường nhật của các Kitô hữu. Đặc biệt, Đức Lêô Cả đã dạy các tín hữu rằng Phụng vụ Kitô giáo không phải là chuyện tưởng nhớ về quá khứ, nhưng là hiện tại hoá những thực tại mà mắt thường không thể thấy và vẫn đang hoạt động trong cuộc đời mỗi người chúng ta.
Ngài qua đời vào ngày 10 tháng 11 năm 461 và được chôn cất ở gần mộ thánh Phêrô. Đức Giáo hoàng Bênêđictô XIV tuyên phong tước hiệu “Tiến sĩ Hội Thánh” cho ngài. Ngày nay, thánh tích của ngài được cất giữ trong một bàn thờ ở Vương cung Thánh đường Vatican.
Nhờ sức mạnh của niềm tin vào Đức Giêsu Kitô mà thánh Giáo hoàng Lêô Cả trở nên một sứ giả của hoà bình và yêu thương. Vì vậy, chúng ta hãy học nơi thánh Giáo hoàng Lêô Cả niềm tin vào Đức Kitô, Đấng vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật, và hãy củng cố đức tin của chúng ta mỗi ngày một hơn qua những hành động kiến tạo hoà bình và yêu thương hết thảy mọi người. Amen.
J.M. Bùi Tấn Tài, C.P.