Trong cuộc đời, cám dỗ lớn nhất của con người đó chính là đam mê tiền tài, và quyền lực. Ai cũng mong muốn rằng mình nắm được quyền hành trong tay, để được ăn trên ngồi chốc, để được mọi người tung hô, kính trọng... Có những sự đam mê chức vị, quyền bính đến mức nguy hiểm, đến mức vượt ra ngoài vòng kiểm soát, để rồi từ đó con người tìm mọi cách, bằng sự toan tính để mưu sinh, mưu lợi cho mình, ngay cả khi, bất chấp và làm cả điều thấp hèn, hiểm ác để đạt được mục đích cho mình.
Các môn đệ Chúa Giê-su cũng không nằm ngoài quy luật tự nhiên ấy. Cụ thể, là hình ảnh nổi bật của hai vị thánh tông đồ trong đoạn Tin Mừng hôm nay. Đó là thánh Giacôbê, và em của ngài là thánh Gioan. Hai Thánh nhân được kêu gọi làm tông đồ trong khi đang chài lưới bên bờ biển Galilê (Mc 1,19-20). Thánh Giacôbê được gọi là Giacôbê tiền, và ngài đã từng giữ chức vụ là một Giám mục ở Giêrusalem.
Trong cộng đoàn tông đồ, thánh Giacôbê luôn giữ một chỗ đứng quan trọng chỉ sau Phêrô. Bởi vì, ngài được kể vào số ba môn đệ thân tín, có mặt trong các biến cố phục sinh cho con gái Giarô (Mc 5,37), trong cuộc biến hình (Mc 9,2) và lúc hấp hối ở vườn Gethsemani (Mc 14,33).
Hiện lên cho chúng ta trước hết, đó chính là hình ảnh người mẹ của hai thánh nhân. Bà đến và xin Chúa Giêsu: “Xin Ngài hãy truyền cho hai con tôi đây được ngồi một đứa bên hữu, một đứa bên tả Ngài, trong Nước Ngài”. Đoạn này cũng được Thánh sử Marcô tường thuật lại (Mc 10, 35 – 40). Tuy nhiên, trình thuật của Marcô không có sự hiện diện của bà mẹ, lời yêu cầu được: “ngồi bên hữu, bên tả Chúa” là do chính 2 thánh Giacôbê và Gioan đưa ra với Chúa Giêsu.
Có thể thấy Thánh Marcô là người bộc trực, ngài đã thẳng thắn “lôi” 2 thánh nhân ra trước ánh sáng của sự tham vọng, chứ không để các ngài núp dưới bóng của người mẹ. Còn thánh Matthêu thì ngài nói cách tế nhị hơn, ngài cho rằng lời yêu cầu này do chính bà mẹ nói ra, còn thánh Giacôbê và Gioan không liên quan.
Đâu chỉ riêng gì hai thánh nhân, mà tất cả các tông đồ khác cũng vậy. Họ tỏ ra tức tối về chuyện xin xỏ quyền lực này ( Mt 20,24). Trước lúc Phục Sinh, các ngài đã mang trong mình những tư tưởng về quyền lực của thế gian, các ông tranh luận và hỏi Chúa Giê-su rằng: “Ai là người lớn nhất trong Nước Trời?”.
Thật vậy, từ ngày theo Chúa Giêsu, các môn đệ luôn mang trong mình tư tưởng quyền lực, mong đến ngày Thầy Giêsu được “hiện trị” để các ông được chia sẻ chức này tước nọ. Và rồi, thánh Mathew đã làm nổi bật ý nghĩa và giáo huấn của Chúa Giêsu: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em (Mt 20, 19). Giáo huấn đó chính Chúa Giêsu đã đi trước là làm gương “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người” (Mt 20, 27). Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng: “chức quyền để phục vụ chứ không phải để cai trị”. Vương Quốc của Chúa đó là vương quốc của những tâm hồn đơn sơ, khiêm tốn và hi sinh phục vụ.
Quả thật, đi theo Chúa Giêsu không phải để được địa vị, giàu sang, hay sự an nhàn, nhưng là để bước theo Chúa trên con đường hy sinh, và phục vụ trong khiêm tốn. Nhìn vào đời sống của tông đồ xưa, đặc biệt là thánh Giacôbê mà giáo hội mừng kính hôm nay. Qua ngài mà chúng ta nhận thấy được con đường của người môn đệ Chúa phải đi, phải sống như thế nào. Và con đường của một người làm lớn đúng nghĩa trong Nước Trời là gì “không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ”. “Ai muốn làm lớn, thì phải làm người phục vụ anh em mình”. Đó chính là con đường của thập giá “Hãy vác thánh giá hàng ngày mà theo”. Thánh giá đó chính là tính xác thịt yếu hèn, cái tôi của mỗi người chúng ta, những đam mê, ham muốn phù hoa thế trần. Chúng ta hãy ghi nhớ rằng: “Phù vân nối tiếp phù vân, tất cả chỉ là phù vân”.
Tiến vào con đường thập giá, chúng ta sẽ được sàng lọc để nên giống Chúa. Nhưng để được điều đó, chúng ta phải tập vật lộn với chính mình, vật lộn với những cám dỗ của thế gian và nhất là phải chấp nhận thiệt thòi. Bỏ cái mình thích để thích những gì Chúa thích, làm những gì Chúa làm. Đó là cầu nguyện, đó là ở bên Chúa trong những lúc thinh lặng thiêng liêng, đó là lúc chúng ta gặp gian nan, thử thách nhưng vẫn một lòng hướng về Chúa, trông cậy vào Người.
Chúng ta, ai cũng chỉ là một con người yếu đuối và ích kỷ, đức tin yếu kém và lòng mến lạnh nhạt. Nhưng nếu tin vào sức mạnh của ơn Chúa, chúng ta sẽ được Thần Khí của Đức Ki-tô biến đổi, sẽ có đủ sức để tiến bước.
Lạy Chúa, Xin Chúa cho chúng con biết khiêm nhường và tin tưởng phó thác nơi Chúa. Chúng con sẽ cố gắng hết sức, hết khả năng mỏng giòn của mình đề sống chứng nhân, phần còn lại xin Chúa giúp và hoàn tất cách tốt đẹp cho chúng con. Amen.
St. Maria DoNhung, CP.