Thứ Th 7,
09/11/2024
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó
Vị Cha Già Đáng Kính
Đứng trên sân thượng, tôi hòa mình vào thiên nhiên để cảm nhận không khí trong lành trong từng nhịp thở. Mặt trời ngủ nướng tạo điều kiện cho sương mù bao phủ các tòa nhà cao tầng. Con sông uốn lượn thướt tha cõng trên lưng những chiếc thuyền hàng chờ nhập cảng. Tờ lịch trên tường đã điểm sang tháng 11, Giáo Hội dành để kính nhớ các tín hữu đã qua đời. Tôi hoài niệm lại từng người đã đi qua trong cuộc đời, mỗi người như một hạt ngọc để tôi có thể xâu thành một chuỗi kỷ niệm vô giá. Nhưng có một người đã mang đến cho tôi nhều ấn tượng đặc biệt đó là vị Cha già đáng kính.
Cha Giuse đảm nhiệm giáo xứ chúng tôi trong bối cảnh bao năm dài vắng bóng mục tử. Một giáo xứ nhỏ nằm ở vùng quê nghèo thuộc khu vực Tây Nguyên. Nơi đây khí hậu chia thành 2 mùa nắng mưa khắc nghiệt, kéo theo đời sống của người dân vô cùng vất vả khi phải "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời". Cha đã tìm ân nhân để giúp bà con có cơm ăn, áo mặc. Những ngày đầu về đây tôi thấy Cha hay đăm chiêu lắm. Khi ánh chiều tà buông xuống, Cha đều rảo quanh Nhà Thờ, nhìn cây, nhìn cỏ, nhìn mây, nhìn núi…Ngôi Nhà Thờ của giáo xứ đã xuống cấp từ lâu, những cây cột gỗ cũng đã mục, mái tôn rỉ xét,vết nứt trên bức tường rêu phong. Ai cũng biết nhà thờ này có thể sập xuống bất cứ lúc nào, nhưng vẫn phải liều mạng sự dụng vì không còn cách nào khác Cha khắc phục mối ưu tư đó bằng cách xây dựng một ngôi nhà nguyện nhỏ để cộng đoàn được an toàn cử hành phụng vụ. Cha còn xây thêm dãy nhà học giáo lý và nhà xứ, cha còn dự định xây nhà thờ khi xin đủ chi phí. Mái tóc của Cha giờ đây được thêu dệt bằng hai màu đen trắng, tạo nên bức tranh của sự hy sinh. Cuộc sống của Cha bây giờ đã hòa nguyện vào cuộc sống của đoàn chiên. Bếp lửa đức tin yếu ớt đã được cha nhen nhóm bùng cháy, tỏa hơi ấm sau những mùa đông dài lạnh giá. Bà con cứ thế mà tham dự thánh lễ ngày một đông, dù đã trải qua một ngày làm việc vất vả.
Từ ngày có Cha Xứ, thiếu nhi chúng tôi như có thêm người ông trong gia đình vậy. Vì thế, chúng tôi đều gọi Ngài với danh xưng rất thân thương là Ông cố. Ngài luôn dành sự đặt biệt quan tâm cho thiếu nhi, sau giờ tan lễ ngài luôn đứng sẵn cầm những gói kẹo để phát cho chúng tôi. Các ban ngành của thiếu nhi cũng được Ông cố thành lập. Ông cố cũng đã chọn một trong số chúng tôi tham gia vào giúp lễ. Trở thành một Lễ Sinh luôn là một niềm ao ước đối với tôi, vì thế tôi luôn muốn chu toàn trách nhiệm cách chỉnh chu. Niềm hạnh phúc dâng trào mỗi khi tôi được đi cùng Ông cố tiến lên cung thánh. Có lần dọn lễ, tôi cầm chiếc áo lễ của Cha lên mặc thử rồi soi trước gương trông mình như thế nào. Ngoại hình 1m90 của Cha so với đứa con nít 10 tuổi chẳng khác gì Đa-vít đang choàng trên mình chiếc áo của Gô-li-át. Ông cố bất ngờ xuất hiện, bắt quả tang hành động của tôi, cha liền hỏi: “Con muốn đi tu hả?” Tôi sượng người vì xấu hổ, lắc đầu đáp: “Dạ không!”. Đó là câu trả lời thật lòng của một cậu nhóc ham chơi, vô lo, vô nghĩ. Nhưng từ khi nhận được câu hỏi của Ông cố thì ý tưởng đó mới được tuôn chảy vào trong tâm thức.
Điều tôi còn ấn tượng sâu sắc là cách dạy dỗ của Ông cố. Có lần giúp lễ tôi được Ông cố khen giữa nhà thờ, vì trời lạnh mà tôi vẫn mở quạt. Cha so sánh tà áo trắng của tôi phất phơ tung bay như những thiên thần trước nhan thánh Chúa. Điều đó khiến tôi thấy hãnh diện lắm, suốt cả tối hôm đó và vài tuần sau nữa tôi đều có cảm giác này mỗi khi nhớ lại lời khen đó. Có lần, bọn giúp lễ nữ đi mách vói Ông cố chuyện tôi cùng bọn giúp lễ nam uống rượu lễ. Mùi vị nồng ấm, cồn cào rượu lễ luôn là sự cám dỗ quyến rũ đối với bọn giúp lễ nam, nên chúng tôi đã sập bẫy. Tôi rung cầm cập trong “phiên tòa xét xử” này, nhưng bất ngờ “vị chủ tọa” chỉ nở một nụ cười hiền hòa mà không luận tội chúng tôi. Bọn con gái thấy ấm ức vì chúng tôi không bị hành xử thích đáng. Nhưng đối với tôi nụ cười đó gây sát thương cực lớn, khiến chúng tôi thấy hối lỗi và không còn dám tái phạm nữa.
Tháng 10 năm đó, Cha xứ thông báo sẽ đi tĩnh tâm ở tòa giám mục. Trước khi đi, Cha ra hiệu cho thiếu nhi chúng tôi xếp hàng để lãnh kẹo. Chúng tôi xách giỏ đồ tiễn Cha ra tận xe với bao điều dặn dò. Chỉ hai ngày sau, chúng tôi nhận được tin Cha cố qua đời do nhồi máu cơ tim. Tin tức này làm xôn xao, náo động hết một vùng quê nghèo. Tôi vẫn chưa suy nghĩ được gì, chân lang thang đến nhà thờ, mong ước rằng mình chỉ đang lạc vào cơn ác mộng. Gió lạnh về chiều thổi những lá khô kêu xào xạc như muốn ghì chặt những bước chân, khiến tôi bước đi nặng trĩu. Cha cố đang gác lại mọi dự định dang dở mà "nhắm mắt xuôi tay". Cái nhà thờ vắng vẻ mọi khi, hôm nay đã đông đúc người và bày biện bàn ghế mọi ngóc ngách. Lúc này tôi mới tin những tin dữ kia là sự thật, Ông cố đã xa chúng tôi. Người lớn cho biết xe đang chở Cha từ Sài Gòn chạy về, khoảng 8 giờ đêm mới tới giáo xứ. Tôi cũng lên xe đi ra ngã ba giao lộ cách nhà thờ khoảng 20km để đón cha về. Tôi phải rón rén trèo lên trong chiếc thùng xe tải vì tôi sợ người lớn phát hiện ra con nít, sẽ đuổi tôi xuống.
Những ngày Cha cố về lại, giáo xứ nhỏ của chúng tôi tấp nập đón khách xa gần đến thăm viếng. Cứ lúc nào vắng bóng người, nhóm giúp lễ của chúng tôi lại quy tụ để đọc kinh cho Ông cố. Ngày hôm đó, tôi là người đứng gần linh cửu của ngài, thì thân xác của Cha đã gặp hiện tượng “xuất huyết tử thi”. Máu từ miệng và mũi của Cha đã trào ra ngoài ướt hết chiếc áo lễ màu trắng. Giây phút đó nước mắt của tôi cũng đầm đìa vì tôi thấy thương cha quá mức. Người ta thấy vậy liền đóng nắp quan tài lại. Đứng cạnh tôi lúc đó là chị trưởng giúp lễ, sau này cũng đã trở thành một nữ tu. Vì thế, mãi sau này tôi vẫn suy nghĩ không biết đó có phải là ý muốn mà cha cố muốn gửi gắm đến tôi hay không. Những ngày dài sau đó, tôi cũng gặp Cha trong giấc mơ rất nhiều. Thú thật, lúc nhỏ tôi rất sợ ma, nhưng được gặp Cha cố trong giấc mơ luôn mang lại cho tôi cảm giác rất ấm áp.
Lễ tang của Cha đông đảo người tham dự, những bài thánh ca chủ đề buồn được cất lên khiến cộng đoàn thêm phần thương nhớ. Thiếu nhi đứng đầu đoàn rước để tiễn đưa cha về nơi an nghỉ cuối cùng. Cách nhà thờ khoảng hai cây số, những nhành hoa, nắm đất được thả xuống huyệt, những nén hương nghi ngút nói lên lời tiễn biệt đối với một người quá cố. Mộ của Cha lưng quay về phía thôn làng đầu hướng về những ngọn núi trùng điệp, thể hiện sự bình thản không vướng bận. Đám tang của Cha cố qua đi, ngôi nhà thờ trở nên vắng vẻ và tĩnh lặng. Những thảm cỏ trước kia Cha cố đã trồng bây giờ vẫn xanh mơn mởn như những tấm thảm trải rộng khắp khuôn viên nhà thờ. Những cánh hoa vẫn dịu dàng khoe mình trong ánh nắng chiều tà nhưng vẫn mang vẻ buồn trầm lắng khó tả. Thiếu nhi trở lại những sinh hoạt bình thường nhưng trong lòng vẫn nặng trĩu vì sự thiếu vắng một bóng hình.
Qua đời giống như việc chuyển từ ngày sang đêm. Người ta hoảng sợ vì màn đêm mang đến cảm giác tối tăm, cô đơn, mờ mịt,... Cũng vậy, con người sợ hãi trước cái chết vì phải lìa xa một nơi thân thuộc và nhiều câu hỏi được đặt ra cho những gì sẽ tiếp diễn đằng sau cái chết. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã chiến thắng sự chết để chúng ta được chung hưởng niềm vui vĩnh cửu trên thiên đàng. Như mặt đất phải bước vào ban đêm hiu quạnh thì mới có thể chào đón ánh bình minh rạng rỡ. Với đức tin Kitô giáo, chúng ta tin rằng phải trải qua sự mất mát của cái chết là chia khóa để mở cánh cửa Phục Sinh.
Giờ này con tin chắc rằng Cha cố Giuse đang ở Thiên Đàng vui hưởng hạnh phúc bất diệt. Con hiện tại đã rời vùng quê nghèo, xa ngôi thánh đường nhỏ tung bay xây dựng ước mơ hoài bão. Dù thời gian có qua đi nhưng ký ức vẫn không phai nhòa, mỗi năm đến tháng cầu cho các tín hữu đã qua đời, con đều nhớ đến Cha. Con xin thắp nén hương lòng dâng lên người Cha già đáng kính với niềm tri ân và ngưỡng mộ. Xin Cha chuyển cầu cùng Chúa cho con luôn sống kiên trì trong ơn gọi dâng hiến, để trở thành một vị linh mục tốt lành như Cha.
Giuse Xóm Nhỏ