Suy Niệm Lời Chúa Đêm Vọng Phục Sinh

Thứ Th 7,
08/04/2023
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó

Lễ Vọng Phục Sinh

(St 1, 1 – 2, 2; Xh 14, 15 – 15, 1; Is 55, 1-11; Mt 28,1-10)


Chúng ta quy tụ đêm nay để cùng nhau canh thức Vượt Qua, đêm nay là mẹ của các Đêm Canh Thức. Phụng vụ Lời Chúa đêm nay thật đặc biệt vì diễn tả lại lịch sử cứu độ: khởi đi từ công trình sáng tạo, qua biến cố vượt biển đỏ, nhắc lại giao ước với Thiên Chúa, và đưa đến đỉnh cao là sự Thương Khó và Phục Sinh của Chúa Giêsu.

Từ trong bài đọc, tác giả sách Sáng Thế trình thuật lại công trình tạo dựng. Một công trình mà Thiên Chúa thấy rất tốt đẹp không chỉ có con người mà toàn bộ vạn vật. Qua đó, Thiên Chúa mời gọi mọi loài có sự hòa hợp với nhau, tương quan mật thiết với nhau. Đó là sự tốt đẹp từ khởi nguyên vạn vật.

Thế nhưng, con người đã lựa chọn đi ngược lại tương quan để bước vào những sự rạng nứt. Sự rạn nứt đó đưa con người vào trong sự an nhàn tạm bợ nơi đất khách quê người, như dân Ítraen xưa ở Ai Cập. Để rồi, sung sướng qua đi, kiếp nô lệ ập đến, dân chúng kêu than lên Chúa, và Chúa đã lắng nghe và ra tay hành động 

Người giải thoát họ ra khỏi kiếp sống nô lệ và đưa vào đất hứa. Thiên Chúa tỏ cho muôn dân thấy quyền năng của Người qua biến cố Vượt Biển Đỏ. Đó cũng chính là dấu chỉ cho bí tích Rửa Tội của người Ki-tô hữu, chính khi con người được tái sinh trong Nước và Thần Khí thì cũng là lúc bước vào một đời sống mới.

Đời sống đó được củng cố qua giao ước vĩnh cửu mà Thiên Chúa đã kí kết với dân Người. Một Thiên Chúa rất cao sang, và cũng rất con người, sẵn sàng cúi xuống, đặt mình ngang hàng với con người để lập giao ước. Giao ước đó là “Chúa là Thiên Chúa duy nhất của con người, và con người là dân riêng của Thiên Chúa”. Giao ước đó phục hồi lại tình trạng khởi nguyên, khi Thiên Chúa ở cùng con người, và con người ở trong tình yêu của Thiên Chúa.

Đã bao lần chúng ta trả lời câu hỏi của thánh Phalô Tông đồ trong bài đọc gởi tín hữu Rôma hôm nay? Chúng ta có thật sự nhận biết rằng mình đã được Rửa tội, được thuộc về Chúa Giêsu Kitô không?

Nếu có thì sao chúng ta lại vẫn giữ đời sống cũ mà không bước vào đời sống mới? Sao chúng ta ý thức Chúa Giêsu đã phục sinh mà vẫn sống trong sự than khóc, u sầu? Chúa đã chết, đã chịu đóng đinh vào thập giá, thế mà chúng ta lại muốn đóng đinh Chúa một lần nữa, muốn đóng đinh luôn cả những người anh chị em chung quanh chúng ta nữa. 

Chúa đã chết một lần là đã đủ rồi. Và chính cái chết đó đã tiêu diệt sự chết và mở lối vào chốn Phục Sinh. Chúa không cần chết nữa.

Sống trong tâm tình canh thức hôm nay, chúng ta chờ đợi điều gì? Chúng ta chờ đón Chúa Phục Sinh rồi lại trở về với đời sống thường ngày của chúng ta chăng?

Chắc chắn là hơn thế nữa, chúng ta canh thức để được nghe Lời Chúa nhắn gởi hôm nay: “Chị em đừng sợ! Hãy về báo cho anh em của thầy …” Chúng ta được Chúa gọi là chị em, anh em với Chúa, những người được diễm phúc nghe Tin Mừng Phục Sinh.

Ước mong sao, mỗi người anh chị em chúng ta, ý thức mình đã được Rửa tội và nghe được tiếng Chúa nhắn gởi đêm nay, để luôn đem Tin Mừng Phục Sinh đến cho những người chưa được nghe.  Amen.

Tslm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, C.P.
popup

Số lượng:

Tổng tiền: