Thứ Th 2,
10/04/2023
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó
Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần Bát Nhật Phục Sinh
(Ga 20, 11-18)
Tiếng Gọi Bên Ngôi Mộ Trống
Hoà cùng Giáo Hội, chúng ta đang cùng sống trong niềm vui của tuần Bát Nhật Phục Sinh. Lễ Phục Sinh được coi là nguồn ánh sáng soi tỏ mọi sự, là trung tâm và chóp đỉnh của Năm Phụng Vụ (số 1168). Mở đầu cho biến cố ấy, hôm nay chúng ta cùng theo chân bà Thánh Maria Macđala đến viếng mộ Chúa.
Thánh sử Gioan tường thuật rằng: “Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Macđala đi đến mộ”. Ngay ở đoạn đầu Tin Mừng, chúng ta bắt gặp một Macđala với khuôn mặt u buồn, tuyệt vọng, tâm hồn bà tràn đầy sự lo âu. Bà bước ra mộ trong bóng tối khi trời mới tờ mờ sáng. Bà đứng gần mộ Chúa mà khóc (Ga 20, 11). Có thể nói, đó chính là cái bóng tối dư âm của nỗi buồn, sự tuyệt vọng và tang thương trên đỉnh đồi Gôngôtha. Maria Macđala là ai vậy?
Đọc các trình thuật Tin Mừng chúng ta được biết, Maria Macđala là một người phụ nữ đặc biệt và nổi bật, Ngoài Đức Mẹ ra thì bà là người được nêu đích danh trong các trình thuật Tin Mừng. Đặc biệt là trong biến cố Phục sinh (Mt 28,1; Mc 16,1; Lc 24,10), là người đã đứng dưới chân thập giá cùng với Đức Mẹ Maria khi Người chút hơi thở cuối cùng (Ga, 19,25), là người phụ nữ được Chúa trừ khỏi bảy quỷ (Lc 8, 1-3). Chính những biến cố trong cuộc đời đã làm bà cảm nghiệm được tình yêu của Chúa. Tình yêu đó trở thành dấu chỉ và là tiếng gọi mãnh liệt thôi thúc bà âm thầm bước theo Đức Giêsu, gắn bó với Người ngay cả trong những lúc gặp thử thách, đặc biệt là trong hai biến cố lịch sử của cuộc đời Đức Giêsu: Khổ nạn và Phục sinh.
Được tình yêu Chúa đụng chạm nên bà yêu và dành cho Chúa một tình yêu, một lòng mến đặc biệt, bà có mặt trên mọi nẻo đường Chúa đi.
Rồi Tin Mừng kể tiếp: “Nhìn vào trong mồ, bà thấy hai thiên thần mặc áo trắng đang ngồi nơi đã đặt xác Chúa Giêsu” (Ga 20, 11) nhưng không thấy xác Chúa đâu. Không thấy xác Chúa đối với bà, cả thế giới lúc này không còn ý nghĩa gì nữa. Tâm hồn ấy đang chan chứa một màu đen, một nỗi buồn da diết. Vậy mà giờ, bà lại không còn thấy xác của Thầy yêu dấu đâu nữa. Tâm hồn bà đã bị bao trùm bởi một màu đen của sự buồn tủi, thê lương giờ lại càng thê thảm hơn nữa. Chính trong sự hoảng loạn bối rối đó, mà tinh thần bà giờ đây không còn tỉnh táo để nhận ra Chúa Giêsu nữa, nên ngay khi Người đến bên bà, thì bà lại tưởng là người làm vườn. Bà xin ông cho bà biết nơi ông đã đặt xác Chúa ở đâu để bà đến lấy xác Chúa về. Bà mong muốn tìm được xác của Thầy mình.
Bởi vì xuất phát từ chính khát vọng sâu xa của Maria Macđala, mà giờ đây bà được trở thành người diễm phúc đầu tiên thấy Đấng Phục Sinh. Phần thưởng của Đức Giêsu dành cho bà thật lớn lao biết dường nào Ngài đã gọi đích danh tên bà một cách thân mật, ngọt ngào: “Maria”.
Gọi tên là cách gọi thân mật mà Chúa Giêsu đã dùng để gọi các môn đệ. Tân ước thì dành danh hiệu môn đệ cho những ai đã nhận biết Đức Giêsu như là Thầy của họ. Cũng vậy, trong các sách Tin Mừng, nhóm Mười Hai được tuyển chọn trước tiên (Mt 10,1; 12,1…), rồi đi xa hơn phạm vi thân mật này, là những ai theo Đức Giêsu (Mt 8,21). Như vậy, bà đã được Đức Giêsu dành một vị trí đặc biệt trong hàng ngũ “các tông đồ”. Theo thần học gia Augustine, Chính Thống Giáo, thế kỷ IV đã gọi Ngài là : “Tông đồ đối với các Tông đồ”.
Bất chợt bà quay lại và thưa rằng “Rabuni” nghĩa là “Thưa Thầy” bà chợt nhận ra Thầy Giêsu yêu dấu của lòng mình. Cách gọi và cách đáp lại đó thể hiện sự thân quen, gần gũi của hai người đã biết nhau từ trước. Chúa biết Macđala, và bà cũng biết Chúa. Chính vì thế, nên khi giọng nói thân thương, quen thuộc ấy phát ra từ miệng Thầy nên bà nhận ra Người.
Từ tâm trạng buồn rầu, đau khổ, thất vọng giờ đây bỗng chốc tan biến và thay vào đó là niềm vui tột độ, vỡ oà vì được nhìn thấy người mình yêu dấu. Càng vui hơn vì giờ đây Chúa của bà, người Thầy yêu dấu của bà không phải là cái xác chết nằm bất động, nhưng là một hình hài trọn vẹn, sáng láng của Đấng Phục Sinh.
Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta cũng đã nhiều lần để cho bóng tối của nỗi buồn, sự cô đơn, tuyệt vọng bao trùm lên con người mình khiến mình mất đi hi vọng, nghị lực sống, và mục đích sống của đời người. Đôi khi điều đó làm lu mờ đi tiếng nói của Chúa trong tâm hồn ta, làm ta không nhận ra Người ngay cả lúc Người hiện diện ở ngay bên, hay qua sự nâng đỡ của những người xung quanh.
Cả bạn nữa, nếu bạn cũng đang trong bóng tối đêm đen của cuộc đời, buồn rầu, thất vọng, nếu xung quanh bạn cũng đang bao trùm bởi ngôi mộ trống của nỗi cô đơn thì bạn hãy vui lên, hãy kiên nhẫn, vững tin và chờ đợi Chúa sẽ đến bên bạn và sẽ cất tiếng gọi chính tên bạn: “Này con, có Ta ở đây đừng sợ”. Bời vì, Ngài biết bạn là ai, bạn cần gì và Ngài sẽ làm cho nỗi buồn của bạn biến thành niềm vui. Vì chính Ngài là niềm vui của bạn.
Còn nếu như bạn đang được sống trong niềm vui, trong niềm cảm nếm tràn trề tình yêu của Đấng Phục Sinh, thì bạn cũng đừng ngủ quên ở trong đó; hãy thức dậy và đi ra, hãy mở lòng mình và gặp gỡ, chia san Ngài cho mọi người xung quanh. Hãy nói cho những người bạn gặp rằng: “Tôi đã gặp và cảm nhận được tình yêu của Đấng Phục Sinh – Người là Đấng của lòng tôi yêu mến”. Như lời Đức Thánh Cha Phanxicô: “Hãy trở thành một Maria Macđala – Tông đồ của tình yêu”.
Kinh nghiệm gặp gỡ Chúa chính là kinh nghiệm cốt lõi trong cuộc đời của mỗi người Kitô hữu. Chúng ta không thể nói về Chúa cho người khác nếu như chúng ta không thực sự gặp gỡ với Chúa. Chúng ta cũng không thể chia sẻ điều mà chúng ta không được Chúa đụng chạm, cảm nghiệm, hay không hề xác tín.
Xã hội hôm nay, có biết bao người đang nói về Chúa, nhưng thử hỏi có được bao nhiêu người có được kinh nghiệm gặp Chúa, có được bao nhiêu người để cho Chúa chạm đến trái tim?
Qua biến cố Tử nạn và Phục sinh của Chúa Giêsu, ai cũng nghĩ rằng Người sẽ hiện ra trước hết với những môn đệ yêu dấu của Ngài. Nhưng không, vinh phúc đó lại dành cho một người phụ nữ. Người phụ nữ ấy chính là bà một Maria đã từng nhiều lần lầm lỗi, nhiều lần phạm tội và được Chúa tha thứ. Chính khi bà được Đức Giêsu tha thứ thì bà đã trở lại và yêu mến Chúa thật nhiều. Nhìn vào cuộc đời của thánh nữ Maria Macđala ta thấy được con đường theo Chúa của bà là một huyền nhiệm của ơn gọi.
Sứ điệp Tin Mừng Phục Sinh là một sứ điệp thông ban cuộc sống mới cho chúng ta. Cuộc sống được bước ra khỏi bóng tối của thế gian và những sự ràng buộc của nó, ra khỏi mùa đông lạnh lẽo đầy sự chết chóc của ngôi mộ quyền bính của thần chết mà bước vào ánh sáng của mặt trời công chính, bước vào sự ấm áp của Đấng Phục sinh. Chúa Kitô Phục sinh về cùng Cha. Cha của Ngài cũng là Cha của chúng ta. Ngài về để mở đường đón chúng ta cùng về bên Cha.
Không chỉ riêng Maria Macđala, nhưng mỗi người Kitô hữu đều được tặng ban món quà này khi lãnh nhận Bí tích Thanh Tẩy, chúng ta được đổi tên thành Kitô hữu và được gọi vào hàng con cái Thiên Chúa, được thông phần vào sự sống của Đức Kitô Phục sinh. Được gọi tên, được đổi mới, và được nâng lên hàng con cái dấu yêu của Thiên Chúa, được thông phần vào sức sống Phục Sinh trong nhiệm thể Ðức Kitô.
Lạy Chúa, giữa thế giới đầy bận rộn và náo nhiệt này, xin cho chúng con biết lắng tai nghe tiếng Chúa. Xin hãy mở rộng đôi tay, đôi tai còn khép kín của chúng con, để chúng con biết mau mắn nghe và đáp lại tiếng Chúa mời gọi. Và cũng xin trợ giúp để chúng con được trở nên những cánh tay nối dài của tình yêu, niềm vui Phục sinh của Chúa đến với những người anh em, đến với nhân loại đang còn sống trong bóng tối của tội lỗi trong xã hội hôm nay. Amen.
Maria