Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần I Mùa Chay

Thứ Th 2,
19/02/2024
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó

Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần I Mùa Chay
Tin Mừng: Mc 6, 7-15


Kinh Lạy Cha mà Đức Giêsu dạy ta hôm nay là lời kinh nguyện ngắn nhưng tuyệt hảo và tóm lược toàn bộ Tin Mừng (x. GLHTCG số 2761). Thiên Chúa không muốn chúng ta xem Người như những thần tượng vô tri khác, vì vậy, nhờ mạc khải nơi Đức Kitô, ta nhận ra một vị Cha trên trời đầy tình yêu và sự trao ban nhưng không cho nghĩa tử của mình; một cách thức đơn giản, ngắn gọn nhưng rất hữu hiệu để cầu nguyện cùng Thiên Chúa, bằng cách thưa chuyện với Người với tâm thế là một người con đang thưa chuyện cùng cha mình. Rất dung dị nhưng lại hiệu quả.

“Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời.” Việc gọi “Cha” thể hiện mối tương quan mật thiết trong gia đình, thể hiện sự tin tưởng thân tình của người con nơi cha mình. Mắt người cha cũng sẽ luôn dõi theo con dù nó có cách xa mình đến mấy. Đây là hình ảnh của một Thiên Chúa Quan Phòng, một vị Thiên Chúa luôn ở bên chăm sóc và chở che con mình. Việc xưng mình là “chúng con” cũng có thể là lời cầu nguyện không chỉ riêng cho cá nhân nhưng cho cả những người xung quanh.

“Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.”. Người Kitô hữu ước mong sự thánh thiện của Thiên Chúa sẽ ngự trị trên toàn cõi đất khi cầu nguyện cho “Nước Thiên Chúa” trị đến, nhờ đó ta cũng được tinh tuyền thánh thiện nhờ tình thương của Người. Mọi sự theo “ý Trời” là một cách nói khác của việc tin tưởng vào Cha Trên Trời và xin cho Thánh Ý của Cha được thể hiện cả trên trời và dưới đất.

“Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”. Lương thực hằng ngày là một phần không thể thiếu trong cuộc sống con người. Lương thực hàng ngày đủ dùng đồng nghĩa với việc ta có một cuộc sống hạnh phúc, không phải lo lắng và suy nghĩ. Một lần nữa, từ “chúng con” cũng nói lên sự liên đới, hiệp thông giữa các thành viên trong gia đình, cộng đồng. Không chỉ bản thân mình no đủ, nhưng cũng xin cho mọi người đều được no đủ. Xa hơn nữa là sự chia sẻ trong tình bác ái huynh đệ (x. GLHTCG số 2830-2832). Nhưng không dừng lại ở “lương thực hàng ngày” theo nghĩa đen, dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần, ta còn được mời gọi hưởng dùng “Lương Thực Thần Linh” là chính Máu và Thịt của Chúa (x. GLHTCG số 2835). Đức Giêsu không dạy ta xin Cha những phép lạ hay của cải đầy dư, Người dạy ta xin Cha một cuộc sống bình an, đủ dùng mỗi ngày cả về thể chất và tinh thần. 

“Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con.” Thật vậy, Đức Giêsu là tấm gương sáng cho chúng ta khi Người xin Cha tha cho những người đã bách hại mình (Lc 23, 34). Ta gặp thấy tình yêu vô bờ của Thiên Chúa khi chính Người chủ động tha thứ cho chúng ta qua Bí Tích Hoà Giải. Khi thật sự chân nhận chính ta cũng là tội nhân, ta sẽ dễ dàng cảm thông và tha thứ cho người anh chị em của mình hơn. Nhờ đó, tương quan giữa Chúa và chúng ta, giữa chúng ta với nhau sẽ được hài hoà. Khi ấy, những sự tốt lành sẽ nảy nở và lan tràn khắp thế gian.

“Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.” Cám dỗ - tội lỗi – nợ nần làm cho con người mất đi sự hài hoà vốn có. Việc cầu xin Chúa “chớ để chúng con sa chước cám dỗ” và “cứu chúng con cho khỏi sự dữ” chính là việc cầu xin sự chúc lành từ Cha trên trời để con người tìm lại được sự hài hoà, tìm lại được sự cân bằng trong các mối tương quan của mình. Đồng thời, khi xin Cha cứu chúng ta khỏi mọi tội lỗi, sự dữ, cám dỗ, ta nhận ra được sự mỏng manh yếu đuối của kiếp người và biết tín thác hơn vào tình yêu của Cha.

Lời cầu nguyện Đức Giêsu đã dạy thật bình dị, gần gũi nhưng không phải ai cũng có thể sống được trọn vẹn lời kinh ấy. Có bao nhiêu người thật sự để cho ý Cha được thể hiện trong cuộc đời thay cho cái tôi của mình? Có bao nhiêu người có thể thoát được sự đói khát của cải, danh vọng, chấp nhận sống “đủ dùng” mà không phải là “dư đầy”? Việc tha nợ cho người khác cũng chẳng phải việc dễ dàng gì; và hơn nữa con người yếu đuối chúng ta, nếu không có ơn Chúa, sẽ chẳng thể đứng vững trước những chước cám dỗ, nhưng mấy ai chân nhận chân lý ấy?

Khi mạc khải cho chúng ta về Cha, Đức Giêsu kêu gọi chúng ta hãy hoàn toàn tin tưởng, phó thác nơi Cha giống như chính Người đã phó thác, không ngừng ngỏ lời với Thiên Chúa là Cha và xin được vâng theo ý Người chứ không phải ý riêng mình.  Bên cạnh đó, Đức Giêsu còn mời gọi chúng ta phải biết tha thứ và yêu thương những anh chị em mình trong tình huynh đệ. Chúng ta được liên kết với nhau bằng tình yêu thương đích thực từ Đấng là Nguồn mạch của tình yêu. Vậy ta có công bằng với anh chị em mình không, khi ra tay cắt đứt mối dây liên kết ấy vì thiếu sự vị tha, bác ái?

Lạy Cha, nhờ lời mạc khải của Con Cha, chúng con thật hạnh phúc khi được gọi Người là Cha. Cha biết rõ những nhu cầu của chúng con trong đời sống hàng ngày. Cha vẫn luôn quan phòng và lắng nghe mọi lời cầu nguyện, lời thì thầm của chúng con. Chúng con tạ ơn Cha!

Trong Mùa Chay Thánh này, xin Cha thêm sức cho chúng con trong cuộc chiến đấu thiêng liêng, giúp chúng con quyết tâm hoán cải và gia tăng đời sống cầu nguyện để chúng con được gần Cha hơn, biết cậy trông và phó thác cuộc đời mình trong tay Cha cũng như biết yêu thương, quảng đại với anh chị em của chúng con nhiều hơn nữa. Amen.

M.T.Đ

Tài liệu tham khảo:
1. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo, Hà Nội: Tôn Giáo, 2009.
2. https://tgpsaigon.net/bai-viet/thu-ba-tuan-1-mua-chay-mt-6-7-15-53724

popup

Số lượng:

Tổng tiền: