Thứ Th 2,
04/03/2024
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó
Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần III Mùa Chay
Tin Mừng: Mt 18,21-35
‘Đến lượt ngươi, ngươi lại không phải thương xót người đầy tớ đồng bạn
như chính ta đã thương xót ngươi sao ?’ (Mt 18,33)
Sự tha thứ và thương xót không phải là điều dễ dàng đối với con người, đặc biệt là khi lòng chúng ta còn mãi vướng bận một điều gì trong mối tương quan cần tha thứ đó. Trong bài Tin Mừng hôm nay (Mt 18,21-35), thánh Phêrô đã hỏi Thầy mình cần phải làm như thế nào khi mình bị xúc phạm. Câu trả lời của Đức Giêsu kèm theo một dụ ngôn mang thông điệp tha thứ và lòng thương xót đã làm nên một cuộc cách mạng vĩ đại trong giáo huấn của Ngài.
Trong truyền thống văn hoá Do Thái, người ta thường được dạy có thể tha đến ba lần khi bị xúc phạm - không có “quá tam ba bận”, nhưng Phêrô lại đưa ra con số bảy – con số tượng trưng cho sự hoàn hảo để hỏi Đức Giêsu về vấn đề đó. Đức Giêsu lại vượt hẳn mọi mức độ và dường như phá vỡ mọi quy tắc đương thời: tha không chỉ bảy lần nhưng là bảy mươi lần bảy, có phải là 490 lần không? Chắc chắn đó không phải là con số mà Đức Giêsu muốn nhắm đến: bởi đối với Ngài, không có giới hạn nào cho sự tha thứ cả, hoặc cũng không có con số cụ thể nào để mô tả sự tha thứ. Chúng ta phải tha thứ luôn luôn bao lâu tha nhân còn xúc phạm đến mình. Như thế, điều cốt lõi trong giáo huấn của Đức Giêsu chính là tình yêu thương vô vị lợi, và vì đó là tình yêu vô vị lợi mà chính ta cần phải biết và luôn có để tha thứ. Và từ đó chúng ta có thể ý thức được lý do để tha thứ cũng vượt trội hơn hẳn, không nằm nơi người có lỗi cũng chẳng nơi người bị xúc phạm nhưng là ở lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa.
Dụ ngôn chính là minh chứng rõ ràng cho tình yêu thương vô vị lợi đó của Ngài. Hai món nợ với độ chênh lệch quá lớn, hai thái độ hoàn toàn trái ngược nhau trong dụ ngôn làm nổi bật lên lòng nhân từ của Ngài cũng như sự vô lý, ích kỷ của lòng dạ con người – khi không cảm được sự nhân từ mà sẵn sàng tha thứ cho anh chị em mình. Tình thương hải hà của Thiên Chúa nếu không được cảm nhận với lòng biết ơn, chắc chắn chúng ta sẽ như kẻ nợ được chủ tha kia, không được thúc đẩy để tha thứ cho đồng loại.
Lời cảnh báo của ông chủ nợ, cũng chính là lời thức tỉnh của Thiên Chúa đối với chúng ta trong việc gắn kết và xây dựng tình hiệp nhất, yêu thương trong sự tha thứ: ‘Đến lượt ngươi, ngươi lại không phải thương xót người đầy tớ đồng bạn như chính ta đã thương xót ngươi sao?’ (Mt 18,33). Thật vậy, chúng ta luôn sống trong ‘nợ nần’, đặc biệt trong mối tương quan với Thiên Chúa, tội lỗi chúng ta xúc phạm đến Chúa luôn nhiều và chắc chắn không thể nào thanh toán nổi nếu như không có lòng thương xót vô bờ của Ngài; bởi Ngài luôn “chạnh lòng thương” (Mt 18,27) và tha thứ.
Ngược lại, trong mối tương quan với anh chị em, chúng ta lại quá khắt khe, ích kỷ dù món nợ đó chỉ là những lỗi lầm không đáng kể. Điều đó khiến cho chúng ta không thoát khỏi những xiềng xích đè nặng trong cuộc sống của mình, khi cứ lăn tăn mãi những giận hờn ích kỷ và tính toán với anh chị em. Và mỗi lần chúng ta làm như thế với tha nhân, thì chính Thiên Chúa cũng sẽ chẳng tha thứ cho chúng ta, vì “Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.” (Mt 18,35)
Lạy Chúa, Ngài vẫn luôn dạy chúng con tha thứ cho anh chị em mình, dẫu biết rằng tha thứ sẽ khiến tâm hồn chúng con bình an, thư thái và tự do để có thể thăng tiến trong đời sống tâm linh của mình, nhưng chính vì sự ích kỷ, tham lam của tính con người yếu hèn mà chúng con lại luôn mang bất hoà cho anh chị em. Ngài là mẫu gương quảng đại và lòng thương xót lớn lao, luôn “động lòng thương” và tha thứ cho chúng con, dù chúng con tội lỗi ngập tràn và xúc phạm đến Ngài. Với tinh thần từ mẫu gương Ngài đó, mùa Chay chính là dịp thuận tiện cho chúng con để có thể tập sống và nhìn mọi thứ bằng con mắt của Chúa để có thể từ bỏ lòng dạ hẹp hòi ích kỷ với anh chị em con và cả với Chúa, hàn gắn lại những mối tương quan đổ vỡ bởi lòng dạ đó của chúng con. Xin cho chúng con “sẽ là những khuôn mặt của lòng thương xót và lòng trắc ẩn của Thiên Chúa giữa tha nhân. Chúng con sẽ để hành động của mình nói lên tình yêu của Ngài.” (Mẹ Elizabeth Prout - Đấng sáng lập Hội dòng Nữ tu Thánh Giá và Thương Khó Chúa Giêsu)
Sr. ET.