Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần III Mùa Chay Năm C
Lễ Truyền Tin
Tin Mừng: Lc 1,26-38

Hôm nay Giáo Hội Hoàn vũ hân hoan mừng kính ngày Đức Maria được Sứ Thần loan báo về Đấng Cứu Thế sẽ ngự đến trong cung lòng Mẹ. Sau một chút ngỡ ngàng vì mọi việc xảy đến với Mẹ quá đột ngột, Mẹ đã đáp lại bằng lời “Xin Vâng” cùng với cả trái tim và cuộc đời Mẹ. Nhờ sự cộng tác của người trinh nữ bé nhỏ ấy, Ngôi Hai Thiên Chúa đã được nhập thể trong lòng trinh nữ và từ ấy, cả thế giới được biến đổi nhờ tình yêu vô biên của Thiên Chúa.
Thiên Chúa chúng ta là một Thiên Chúa luôn yêu thương ta trước. Người là Đấng toàn năng, có thể làm được mọi sự, nhưng Người luôn mời gọi và mong đợi sự cộng tác của con người vào công trình Cứu Độ của Người. Người đã sai sứ thần Gabriel đến với một trinh nữ đơn sơ tên Maria. Maria là một thiếu nữ bé nhỏ, khiêm tốn nơi làng quê nghèo Nadaret. Thiếu nữ ấy luôn ý thức được sự nhỏ bé của mình nên luôn khiêm nhường, nhận mình là phận “nữ tỳ của Chúa”. Nhưng người trinh nữ nhỏ bé ấy lại đặc biệt hơn cả vì là “Đấng Đầy Ân Sủng”, một tước hiệu cao quý Thiên Chúa đã ban cho Maria vì được “Thiên Chúa ở cùng”. Khác với Eva xưa đã làm cho cửa địa đàng đóng lại, sự khiêm hạ, nhỏ bé trong lời “xin vâng” của Mẹ đã làm cửa địa đàng một lần nữa được mở ra. Cuộc đời của Mẹ là một chuỗi những lời “xin vâng” với Thiên Chúa.
Mẹ thưa “xin vâng” để mở lòng ra đón nhận Đấng Cứu thế vào cung lòng của mình, để sẵn sàng thực thi những điều Chúa muốn nơi Mẹ. Cho đến khi phải chứng kiến cái chết đau đớn của con mình, Mẹ vẫn thưa “xin vâng” để đứng dưới chân thập giá mà dâng hiến con yêu của Mẹ cứu chuộc cả nhân loại. Vì sao Mẹ có thể can đảm đáp lời “xin vâng” khi dường như vẫn còn chưa hiểu hết lời loan báo của sứ thần? Đó là vì tình yêu và lòng tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa. Mẹ tin rằng Thiên Chúa là Đấng Xót Thương, và nếu đó là việc của Thiên Chúa, chắc chắn Chúa sẽ không để những điều xấu xa làm hại Mẹ. Chính tình yêu và niềm tin ấy đã thôi thúc Mẹ thưa lên tiếng “xin vâng” vĩ đại.
Trong thế giới ngày nay, khi nhiều người đang cố gắng trục lợi từ nhau, thử nhiều cách để lừa lọc nhau, sự tin tưởng lẫn nhau quá mỏng manh, thì lời “xin vâng” như Mẹ có lẽ bị người đời xem là mù quáng. Ở cái thời buổi mà người ta tin là chẳng còn tình yêu vô điều kiện, là “không ai cho không ai điều gì cả”, thì lời xin vâng ấy có vẻ như đang bị chôn rất sâu dưới những lớp gạch đá của sự nghi ngờ.
Chính vì vậy, Tin Mừng vẫn đang mời gọi ta hãy bắt chước Mẹ Maria, dùng lời “xin vâng” của chính mình như một chiếc cuốc, chiếc đục, đào bới hết những gì đang che lấp niềm tin thuần tuý, đơn sơ của con người để tìm lại lời “xin vâng” nguyên thuỷ, một lời xin vâng vô điều kiện với Thiên Chúa.
Ngày nay, qua những dấu chỉ của thời đại, Thiên Chúa cũng đang sai sứ thần đến với mỗi người chúng ta, mời gọi chúng ta cộng tác trong công trình cứu độ của Người, cộng tác với người trong việc biến đổi thế giới này. Thiên nhiên đang lên tiếng vì sự phá hoại, sự ô nhiễm mà con người gây ra; quá nhiều người đang khóc than vì chiến tranh, dịch bệnh, nghèo đói; nhiều phụ nữ, trẻ em, người già bị lạm dụng ở nhiều mặt, bị gạt ra bên lề của xã hội; …. Thế giới ngày nay dường như đang đau đớn, giãy giụa, than khóc vì phải oằn mình gánh lấy lòng tham và sự ích kỷ của con người.
Những lời than khóc ấy có làm trái tim của mỗi người chúng ta thức tỉnh, có làm cho chúng ta can đảm thưa “xin vâng” với Chúa để góp phần xoa dịu và giúp thế giới này được biến đổi? Mẹ đã thưa “xin vâng” cho cuộc Nhập Thể của Con Thiên Chúa, vậy chúng ta có dám thưa “xin vâng” để xây một con đường thẳng ngay cho Đấng Cứu Thế lại đến trong vinh quang của người không?
Lạy Chúa, cũng như Mẹ Maria, dường như con cũng bối rối, ngỡ ngàng khi được Chúa ngỏ lời, nhưng con cũng khao khát được làm một hạt cát, một viên đá trải đường để Chúa ngự đến. Xin Chúa thêm sức cho con để con được can đảm và xác tín thưa “xin vâng” với Chúa. Có thể sự yếu đuối đôi khi làm lời xin vâng của con lỗi nhịp đôi chút, nhưng con tin Chúa sẽ luôn kiên nhẫn và từ tâm với những người khát khao tìm kiếm Người và Thánh Ý của Người. Amen.
M.T.Đ