Thứ Th 2,
24/04/2023
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó
Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần III Mùa Phục Sinh
Mc 16, 15-20
Lên Đường
Đoạn Tin Mừng theo thánh Máccô hôm nay, là một phần trong phần phụ lục của sách Tin Mừng Máccô (Mc 16:9-20). Đoạn Tin Mừng nói về ba cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu sau khi Người phục sinh. Tiếp theo đó là lệnh truyền của Chúa Giêsu trước khi Người được đưa về trời, để ngự bên hữu Chúa Cha: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo”.
Không chỉ riêng ở Tin Mừng Máccô, nhưng cả bốn Tin Mừng, các thánh sử đều kết thúc bằng lời mời gọi “loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo.” Đây không chỉ là lời trăn trối cuối cùng, nhưng còn là lệnh truyền mà Chúa Giêsu không chỉ trao cho các tông đồ, mà cho cả Giáo hội nữa.
Vì thế, chúng ta hãy cùng nhau suy tư về lệnh truyền này.
Trước tiên, “hãy đi” là lời mời gọi quan trọng. Truyền giáo trước hết là “ra đi” khỏi chính con người của mình: chúng ta ai cũng có khuynh hướng ích kỷ, khép kín và coi mình là trung tâm. Ai không có lối suy nghĩ giống chúng ta thì bị phê bình chỉ trích. “Ra đi” là ra khỏi cái tôi của mình, tức là chấp nhận người khác cùng với ý kiến lập trường của họ, là quảng đại bao dung khi bị xúc phạm. Truyền giáo chính là thoát ra khỏi vỏ bọc ích kỷ, mở rộng con tim để hòa đồng với anh chị em mình, tôn trọng sự khác biệt và chấp nhận những hy sinh vì ích chung. Và chỉ để “Lời” ngự trị và ở lại trong lòng anh em.
Thứ hai, “loan báo Tin Mừng”. Tin Mừng đó chính là Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa. Đấng đã đến thế gian trao ban chính bản thân mình cho đoàn chiên được sống và sống dồi dào. Chúng ta được mời gọi mang Tin Mừng này đến cho hết mọi loài thụ tạo. Bởi vì, công trình cứu độ và Tin Mừng của Thiên Chúa là dành cho hết mọi loài. Như lời Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nhấn mạnh: Sứ vụ truyền giáo là “bổn phận của toàn thể Giáo hội”, vốn “tự bản chất là thừa sai” (Ad gentes, 2). Trích dẫn lời Đức Phaolô VI, ngài tiếp: “Giáo Hội hiện hữu để truyền giáo, để giảng thuyết và giáo huấn, để làm máng chuyển quà tặng của các ân sủng, để hoà giải các tội nhân với Thiên Chúa, để trường tồn hy lễ của Chúa Kitô trong Thánh Lễ, đó là việc tưởng niệm cuộc tử nạn và phục sinh vinh hiển của Người.”
Thứ ba, “cho mọi loài thọ tạo”. Thật sự, suốt cuộc đời trần thế, Chúa Giêsu luôn thao thức muốn qui tụ muôn loài để tất cả được hiệp thông với Thiên Chúa (Ep 1,10). Khát khao của Người là qui tụ mọi người nên một đoàn chiên duy nhất “Ta còn nhiều chiên khác, chưa thuộc đàn này, Ta còn phải đưa chúng về” (Ga 10,16). Người cầu nguyện: “Lạy Cha, xin cho mọi người hiệp nhất nên một” (Ga 17,21). Người dùng cả đời mình để nói cho chúng ta biết về Chúa Cha: “Thiên Chúa là Cha và Người yêu thương chúng ta” (Mt 6,9). Bằng chính đời sống, qua lời nói, việc làm, cách Chúa đối xử với từng người: người tội lỗi, người ốm đau bệnh tật, người nghèo khó, góa phụ, những bậc thông thái, giàu có. Người chạnh lòng thương vì thấy “đám đông này bơ vơ như đoàn chiên không người chăn dắt” (Mc 6, 34). Vì thế, ước mơ của Chúa Giêsu là muốn ôm cả trái đất với muôn dân tộc, ấp ủ họ trong tình yêu của Người.
Như vậy, “hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo” là một lệnh truyền mang tính thời sự và khẩn thiết, như lời Thánh Phaolô đã từng thốt lên: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin mừng”.
Nối gót bước chân các thánh tông đồ trên đường truyền giáo, Giáo hội đã có biết bao những vĩ nhân như Thánh Phanxicô Xavie - một nhà truyền giáo vĩ đại của Giáo Hội, một chiến sĩ can trường và trung thành của Đức Giêsu Kitô. Trong khoảng 11 năm truyền giáo, thánh nhân đã vượt qua ngàn dặm đường, đã đưa nhiều linh hồn về với Chúa qua bí tích Rửa Tội, và rất nhiều công việc khác ngài đã làm vì danh Đức Giêsu và Giáo Hội.
Và còn biết bao những chứng nhân anh hùng là các thánh tử đạo. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã từng nói: “Giáo hội Việt nam đã phát sinh những nhân chứng, đặc biệt là Các Vị Tử Đạo, lời tiền nhân nói không sai: Máu đào là hạt giống phát sinh Kitô hữu, vì do máu Các Đấng Tử Đạo của dân tộc và Giáo hội Việt nam mà đức tin trong thế hệ trước đã mọc lên, đức tin của thế hệ hiện tại được bảo toàn, và hy vọng đức tin của thế hệ mai sau được gìn giữ”.
Các ngài là những con người có trái tim hòa nhập với trái tim của Con Thiên Chúa làm người, đó là những con người biết coi thường mạng sống, coi thường những danh lợi trần gian, và khi đối diện với cái chết, các ngài không ngần ngại chọn lựa dứt khóat thuộc về Thiên Chúa hơn là chút vinh quang trần thế. Các ngài là những người bạn hữu của Chúa “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15, 15).
Vậy còn chúng ta thì sao? Lòng mến của chúng ta đã đủ mạnh để sẵn sàng can đảm lên đường làm chứng, đem Tin Mừng Phục Sinh đến với những người anh, chị, em ở xung quanh mình chưa?
Ngày hôm nay, chúng ta đang mang trong mình dấu ấn của Chúa Giêsu Phục Sinh. Vì thế, điều mà Chúa đã mời gọi lâu lắm rồi và cho đến nay Chúa vẫn mời gọi, trao phó cho bạn, cho tôi sứ mệnh loan báo Tin Mừng của người. Đây cũng chính là nền tảng sứ mạng Tông đồ của chúng ta khi được Chúa gọi vào làm “vườn nho của Người”. Là những người môn đệ của Đức Giêsu, chúng ta hãy lên đường như Đức Giê su để đến với muôn dân, đem Tin mừng đến cho mọi người bằng đời sống chứng tá. “Hãy đi khắp cả thiên hạ rao giảng tin mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15).
Lạy Chúa! Xin cho mỗi người chúng con cảm nghiệm được tình yêu của Chúa dành cho chúng con và mau mắn lên đường. Amen.
St. Maria NhungDo