Thứ Th 2,
18/12/2023
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó
Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần III Mùa Vọng Năm B
Tin Mừng: Lc 1,5-25
Cảm giác phải đợi chờ một điều gì đó thật khó để diễn tả. Có người đợi chờ trong niềm háo hức, hạnh phúc, có người đợi chờ trong sự đau khổ và nặng nề. Tin Mừng hôm nay dẫn chúng ta trở về bối cảnh sứ thần Gabriel truyền tin cho ông Dacaria và bà Elizabeth về sự ra đời của Gioan Tẩy Giả - một vị đại ngôn sứ được chuẩn bị sẵn sàng cho sứ vụ dọn đường cho Con Thiên Chúa xuống trần. Qua trình thuật Kinh Thánh này, ta nhận ra sự trông đợi bền đỗ của ông bà nơi Thiên Chúa, dẫu cho ông bà đã cao niên và việc có con gần như không thể xảy đến.
Ông Dacaria và bà Elizabeth là những người công chính, sống đúng theo mọi giới răn và mệnh lệnh của Chúa, không ai chê trách được gì (x. Lc 1,6). Nơi họ có mang hình ảnh của Abraham và Sara, hình ảnh cha mẹ của Samuel, … trong Cựu Ước, khi họ đã cao niên mà vẫn son sẻ. “Cây độc không trái, gái độc không con” là những lời lẽ ác ý mà người ta dành cho họ, và cuộc sống của họ phải gánh thêm một cái ách mang tên “hiếm muộn”. Nhưng điểm chung nơi họ là sự cầu nguyện liên lỉ và tín thác vào tình thương của Chúa, cho dẫu phải đợi chờ trong vô vọng, đau khổ. Người đã thương chọn ông bà trở nên cha mẹ của vị ngôn sứ vĩ đại nhất – Gioan Tẩy Giả. Vị ngôn sứ ấy được đầy tràn Thánh Thần và lãnh nhận sứ vụ cao cả là đi trước dọn đường cho Ngôi Hai giáng lâm (x. Lc 1,13-17). Tâm tình chờ đợi ấy, đặt trong bối cảnh Mùa Vọng này, giúp chúng ta nhận ra nhiều điều.
“Này ông Dacaria, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin.” (Lc 1,13). Thiên Chúa không ban món quà ấy khi ông Dacaria và bà Elizabeth còn trẻ, còn nhiều hoài bão và hy vọng, nhưng lại tỏ cho họ thấy hoa trái của lòng trung tín khi họ tuổi đã xế chiều, tưởng chừng như không thể thoát khỏi số phận. Ông Dacaria và bà Elizabeth tuy có chút gì đó thất vọng, nhưng chưa từng bỏ cuộc. Cao niên nghĩa là họ đã đi hết hơn nửa cuộc đời, sắp chạm tới đích điểm của đời mình, nhưng họ vẫn trung tín cầu nguyện và chờ đợi lời hồi đáp từ Thiên Chúa bằng cả trái tim mình.
Đôi khi chúng ta “chờ đợi Chúa đến” bằng môi miệng, nhưng con tim, trí óc và bàn tay ta lại làm những điều ngược lại. Thay vì lấp đầy những hố sâu của sự tự cao tự đại, ta lại tìm cách đào hố cho người khác sa chân; thay vì dành một con đường đi thẳng đến Nước Trời, ta lại cố gắng vẽ vời nhiều “điểm đến” với tiền bạc, danh vọng, cái tôi ích kỷ, … nên con đường ngày càng quanh co, không thể thấy được đích đến. Khi ấy, ta muốn đến với Chúa hay Chúa muốn đến với ta cũng chẳng được, vì ta chọn cách tránh xa Chúa, chẳng muốn đợi chờ và từ chối thức tỉnh.
“Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy? Vì tôi đã già, và nhà tôi cũng đã lớn tuổi.” (Lc 5,18). Có những lúc ta cũng trở nên một Dacaria thứ hai, khi vẫn hy vọng, vẫn trông đợi, thế nhưng dường như tâm thức đợi chờ ấy lại bị bào mòn bởi thời gian, thế tục và nỗi sợ hãi; khi Chúa thật sự đến thì nỗi sợ đã che lấp trái tim và trí óc khiến ta nghi ngờ. Ấy là khi ta vẫn tham dự Thánh Lễ và các nghi thức phụng tự, nhưng lại xem Lời Chúa như một câu chuyện cổ tích, với những điềm lạ, dấu thiêng của trí tưởng tượng chứ không phải bằng đức tin thuần khiết. Đó cũng là khi ta được kêu gọi mỗi ngày “Hãy dọn đường cho Chúa, Chúa đang đến”, nhưng ta lại cho rằng “biết là phải chờ đợi, nhưng làm sao Chúa đến ngay được, Chúa ở quá cao!”.
Mùa Vọng là mùa “Trông Chờ Chúa Đến”, là mùa của hy vọng và sự hoán cải, đổi mới cũng như thức tỉnh chính bản thân mình. Mùa Vọng cũng là mùa để ta chuẩn bị một tâm hồn đủ thanh sạch, đủ mạnh mẽ để đón nhận một niềm vui cao cả và lớn lao – Ngôi Hai giáng trần. Cũng như ông Dacaria và bà Elizabeth, chỉ khi nào ta thật sự nhìn nhận những yếu đuối và bất toàn của bản thân, khi nào ta thật sự tín thác tất cả nơi Chúa và tỉnh thức, trung tín chờ đợi ngày con Chúa đến, khi ấy ta mới nhận ra được sự ngọt ngào của hoa trái Người ban. Ta chỉ thật sự được biến đổi khi trái tim ta nhận ra “Chúa đã làm cho tôi như thế đó, khi Người đoái thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời.” (Lc 5,25).
Vậy bạn chọn chờ đợi trong tâm thức nào? Chờ đợi trong đau khổ, nghi ngờ, chối bỏ, hay chờ đợi trong niềm vui, hạnh phúc và tỉnh thức khi biết rằng một món quà lớn lao từ Cha trên trời sắp được gửi đến cho nhân loại?
Nguyện xin bình an và ân sủng của Chúa luôn ở cùng chúng ta luôn mãi.
Sr. M.T.Đ