Thứ Th 2,
18/03/2024
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó
Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần V Mùa Chay
Tin Mừng: Mt 1,16.18-21.24a
‘‘Khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời Thiên thần Chúa truyền”.
Ngày 19/3 hàng năm, toàn thể Giáo hội Công Giáo Việt Nam và hoàn vũ long trọng mừng lễ kính Thánh Cả Giuse, bạn trăm năm Đức Maria. Ngài được Đức Giáo Hoàng Pio IX công bố sắc lệnh Quemadmodum Deus (08.12.1870) nhận làm quan thầy của cả Hội Thánh.
Hôm nay, trong tâm tình yêu mến và tôn kính Thánh cả Giuse, chúng ta cùng nhau dành một chút thời gian để suy gẫm về cuộc đời và các nhân đức của Ngài.
JOSEPH tên của Ngài dựa trên sáu mẫu tự của tiếng La tinh, với ý nghĩa của sáu nhân đức tuyệt vời nơi thánh cả Giuse: Justitia - công chính, Obœdientia - vâng lời, Sapientia - khôn ngoan, Experientia - kinh nghiệm, Patientia - kiên nhẫn, Humilitas - khiêm nhu.
Hôm nay, Tin Mừng làm nổi bật cho chúng ta biết về đời sống thinh lặng của thánh cả Giuse. Ngài thinh lặng để lắng nghe và thực thi theo ý muốn của Thiên Chúa.
Mặc dù trong các sách Tân Ước, chúng ta không thấy ghi lại lời nói nào của thánh Giuse, ngoại trừ hành động, và những việc thánh cả đã thi hành theo thánh ý Thiên Chúa ngang qua lời sứ thần trong giấc mơ. Lần thứ nhất, là khi sứ thần truyền tin (Mt 1,20-21). Đứng trước sự việc Đức Maria mang thai Chúa Giêsu không phải bởi mình, nhưng Ngài đã vâng lệnh Thiên Chúa mà đón nhận để các ngài có một tư cách pháp lý theo luật Do Thái: “là con cháu vua David đúng như lời Thiên Chúa đã hứa từ thời Cựu Ước”. Lần thứ hai, thánh Giuse nhận lệnh truyền của Thiên Chúa qua lời thiên sứ để đưa Mẹ Maria và Chúa Giêsu rời xứ Judea sang Ai Cập nhằm tránh cuộc thảm sát của vua Herode Đại đế (Mt 2,13-15). Và truyền tin lần thứ 3 là việc sứ thần báo tin để thánh Giuse đưa gia đình trở về quê hương sau khi Hêrôđê chết (Mt 2,19-23).
Nếu không có sự thinh lặng để lắng nghe, để hiểu và thực thi cách vâng phục nơi thánh cả Giuse. Có lẽ, chúng ta đã đoán được cuộc sống của Đức Maria và Chúa Giêsu sẽ như thế nào?
Quả vậy, cuộc đời của thánh Giuse chỉ được nhắc đến bằng việc lặp đi lặp lại bằng hành động ‘‘Khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời Thiên thần Chúa truyền”. Điều đó có gì đặc biệt, và vì sao sứ thần chỉ hiện đến với Ngài trong giấc mơ?
Điều này khẳng định rằng, thánh Giuse là một người sống tuyệt đối trong sự thinh lặng và khiêm hạ. Ngài khiêm hạ đến độ giữ im lặng ngay cả trong giấc mơ, ngài không nói một lời, dù chỉ là “vâng” hay “dạ”.
Ngài im lặng để nhận biết về tình trạng khó nghèo, bất xứng của mình trước Thiên Chúa, ngài im lặng để lắng nghe một cách cẩn trọng và tôn kính nhất với Lời của Chúa. Im lặng để hiểu, để nhận ra thánh ý, để đón nhận mà không mảy may phản đối hay thắc mắc. Và rồi im lặng để thực thi. Sự thinh lặng ấy đã luôn theo ngài trong suốt hành trình ngài ở bên Đức Mẹ, và Hài Nhi Giêsu để bảo vệ, để chở che, để lắng nghe và chờ đợi thánh ý Chúa được thành sự.
Chính sự thinh lặng khiêm hạ ấy, mà kế hoạch yêu thương và cứu độ nhân loại của Thiên Chúa đã được thực hiện. Và cũng nhờ sự thinh lặng đó, mà ngày hôm nay Thiên Chúa đã ban cho ngài những danh xưng trổi vượt. Qua lời chuyển cầu của thánh cả mà Giáo Hội Hoàn Vũ đã nhận được biết bao ơn lành. Danh ngài cũng được tất cả các nhánh của Kitô giáo, bao gồm Công giáo Rôma, Chính Thống giáo Đông phương, Anh giáo đều tôn kính làm vị thánh bổn mạng. Ngài được chọn làm thánh bổn mạng của nhiều quốc gia, nhiều vùng lãnh thổ, và các dòng tu. Đặc biệt là đối với thánh nữ Têrêsa Avilla, tiến sĩ Hội Thánh. Thế kỷ XVI, vào khoảng năm 1528, trong khi cải tổ dòng Cát Minh, đã kêu gọi các đan sĩ hãy nhiệt tình tôn kính thánh Giuse. Thánh nữ đã dâng kính thánh Giuse hầu hết các đan viện do chính thánh nữ sáng lập. Ngoài sự kêu gọi, qua việc giảng dạy bằng lời, thánh Têrêsa còn viết sách cổ võ sự sùng kính thánh Giuse.
Ở Pháp, ngày 19 tháng 3 năm 1661, vua Louis XIV đã tận hiến nước Pháp cho thánh Giuse, chỉ mười ngày sau khi ông lên ngôi vua. Năm 1704, Giám mục Bossuet đã đọc một bài diễn văn tán dương thánh Giuse, gây ảnh hưởng lớn đến nỗi Giáo hoàng Urbanô VIII đã nâng lễ thánh Giuse lên bậc lễ buộc tại nước Pháp.
Năm 1955, Giáo hoàng Piô XII đã lập nên lễ thánh Giuse và đặt ngày kính nhớ vào mồng 1 tháng 5, ngày mà nhiều nước chọn cử hành lễ lao động hay còn gọi là Lễ Thánh Giuse thợ.
Vào thế kỷ XV, nhà thần học Jean Gerson đọc một bài diễn văn hùng hồn tại Đại Công đồng Constancia (1416) về quyền chức của thánh cả Giuse và đề nghị lập lễ kính để xin ơn bình an cho Giáo hội Công giáo đang trong cơn khủng hoảng. Khắp nơi, nhiều nhà thờ được xây để kính thánh cả: Như nhà thờ chính tòa Hà Nội.
Khi chọn thánh cả Giuse làm Quan Thầy bảo vệ, Giáo Hội quả quyết rằng: “Ngoài Đức Mẹ ra, thì trên trời dưới đất nầy không tìm được một vị thánh nào có thần thế để bênh vực Giáo Hội cho bằng Thánh cả Giuse.” (ĐGH Piô IX, 08.12.1870).
Nguyện xin Thánh cả Giuse chuyển cầu, để mỗi người chúng con được noi gương Ngài, biết tập sống thinh lặng, yêu mến sự thinh lặng và giữ mình được thinh lặng để tìm kiếm và gặp được Lời của Chúa trong thế giới đầy biến động hôm nay. Amen.
St. M NhungDo
Tài liệu tham khảo: https://vi.wikipedia.org/wiki/Thanh_Giuse.
https://tinmungmoingay.com/suy-niem-tin-mung-19-03-thanh-giuse-ban-duc-trinh-nu-mt 116-18-21-24a/