Một Rabbi nổi tiếng muốn tìm hiểu tâm tư con người nên làm một thí nghiệm như sau. Ông gọi ba người tình cờ đi ngang qua và đặt cho họ một câu hỏi: “Giả như bạn lượm được một túi đầy vàng thì bạn sẽ làm sao?”
Người thứ nhất đáp:”Tôi sẽ trả lại cho người đánh rơi nó”. Vị Rabbi nhận định: “Đồ ngốc!”
Người thứ hai đáp: “Tôi sẽ giữ lấy mà xài. Dại gì mà không xài của quý từ trời rơi xuống”. Rabbi kết: “Đồ khùng!”.
Người thứ ba: “Tôi cũng chẳng biết tôi sẽ làm sao nữa, bởi vì nếu khi đó tôi không chống lại nổi cám dỗ của ma quỷ trong tôi thì sao? Tuy nhiên nếu khi đó có ơn Chúa khuyến khích thì tôi sẽ trả lại túi vàng cho người đánh mất”. Rabbi khen: “Tuyệt lắm. Bạn mới thật là người khôn ngoan”.
Đứng trước thế lực siêu nhiên, vô hình là ma quỷ cùng với sự cám dỗ và sự dữ của nó, con người từ xưa vẫn luôn là những thế lực mong manh, yếu đuối và chịu ảnh hưởng vô cùng nặng nề. Họ luôn là người bị hành hạ, giày vò, và sự quấy rối không ngừng nghỉ, bởi Ma Quỷ sẽ không ngừng tấn công một ai đó nếu không đạt được mục đích của chúng. Dọc theo dòng lịch sử từ thời Cựu Ước cho đến Tân Ước, đã minh chứng cho chúng ta thấy, ngay cả trong thời đại ngày nay của chúng ta.
Quyền lực của sự dữ là ma quỷ, hiện hành và điều khiển con người qua vô vàn những hình thức khác nhau: Quỷ hành, Quỷ nhập, Quỷ ám ..., hay trong chính thời đại của chúng ta đó chính là những đam mê của cải trần gian, đam mê tính xác thịt, hưởng thụ và thỏa mãn cái tôi. Những hình thức đấu tranh, bạo lực, tự tử... và vô số những hình thức gây ra sự hủy diệt và chết chóc đều ẩn thân trong đó là sự hiện hữu của ma quỷ.
Như người thứ ba trong câu chuyện trên đã trả lời một Rabbi: “nếu khi đó có ơn Chúa khuyến khích thì tôi sẽ trả lại túi vàng cho người đánh mất”. Quả vậy, là con người trần gian với tính xác thịt mỏng giòn, chúng ta phải cần đến ơn Chúa, phải cần đến sự trợ lực của Chúa thì chúng ta mới chiến đấu, mới chiến thắng được với Ma Quỷ.
Hôm nay, Tin Mừng theo thánh Mát-Thêu cũng tường thuật về phép lạ Chúa Giêsu chữa cho một người câm bị quỷ ám. Câu chuyện được kể lại một cách ngắn gọn và ít chi tiết, chỉ vỏn vọn trong 2 câu, và kết quả: “Khi quỷ bị trục, thì người câm nói được” (Mt 9, 32). Chúng ta không biết Chúa Giêsu đã làm gì, nói gì, nhưng chúng ta biết quyền năng của Người được bộc lộ khi người câm cất tiếng nói.
Theo tiếng Hi-lạp thì câm là hệ quả của việc bị quỉ ám. Điều này có nghĩa là chính Ma Quỉ làm bị câm, không nói được, nhưng đã được Đức Giêsu giải thoát. Nếu theo quan niệm xưa của người Do Thái, thì người bị câm còn là do hậu quả của tội lỗi. Như vậy, khi được Chúa Giêsu giải thoát, đồng nghĩa với việc anh được giải thoát khỏi tội lỗi và được trả tự do. Người câm nói được còn là dấu hiệu cho thấy Nước Trời đã gần, Đấng Thiên Sai đã đến. Chính Chúa Giêsu đã làm ứng nghiệm lời tiên tri Isaia tiên báo: “Vui lên nào… bấy giờ mắt người mù xem thấy, tai người điếc nghe được… miệng lưỡi người câm sẽ reo hò (Is 35,5-6).
Có thể nói, tất cả cuộc sống của Chúa Giêsu đều dành trọn cho đám đông, cho những con dân cùng khổ. Một Thiên Chúa luôn chạnh lòng xót thương. Đôi chân Người đi khắp các làng mạc và hội đường. Đôi môi Người không ngớt mang đến tin vui cho những người mong đợi. Đôi tay Người chạm đến những bệnh tật đau yếu của con người (Mt 9, 35).
Chúa Giêsu không chỉ đau xót về bệnh tật nơi thân xác của con người, Người quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu tâm linh của họ. Con người đánh mất ý nghĩa cuộc sống, sẽ thấy bơ vơ, cô độc, tuyệt vọng. Con người loại trừ Thiên Chúa, sẽ rơi vào sa đọa, chán chường. Nên Người đến như mục tử chăm sóc mọi mặt cho đoàn chiên, vì Người thấy họ như “đàn chiên không người chăn dắt”. Không có mục tử: đàn chiên sẽ vất vưởng, lạc lối, tán loạn không tìm ra hướng đi, đường đi; chúng sẽ lầm than, không tìm ra nguồn nước uống và lương thực đích thực, không tìm ra nơi chốn vĩnh cửu để nghỉ ngơi, và kết cục không sớm thì muộn cũng sẽ bị bách hại bởi sói dữ, bị lôi kéo bởi những kẻ lừa đảo, chuyên dụ dỗ bởi thần tượng, ngẫu tượng.
“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít..” (Mt 9, 38). Đồng lúa đó chính là thế gian. Đồng lúa đó là của Thiên Chúa. Và Người mời gọi các môn đệ của mình cầu nguyện xin với Thiên Chúa: “hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”.
Ngày nay “Đám đông lầm than vất vưởng” đó là những người trẻ, những người đang mất hướng đi, mất niềm tin, mục đích của đời mình. Và cả chính chúng ta nữa, ở mức độ cá nhân cũng như cộng đoàn, chúng ta cũng sẽ trở thành lầm than vất vưởng, mỗi khi chúng ta không để cho Đức Giêsu là mục tử chăn dắt, hướng dẫn, nuôi dưỡng chúng ta bằng Lời của Ngài, bằng Mình và Máu thánh của Ngài. Chúng ta sẽ đánh mất bình an và ơn trợ giúp của Người.
Thế giới hơn 7 tỉ người là cánh đồng lúa rộng lớn gấp nhiều lần thế giới ngày xưa đó. Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta với sự khẩn thiết hơn nữa: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”. Người mong chúng ta là bàn tay nối dài của Chúa để ôm ấp mọi người; Chúa mong chúng ta là những mạng lưới, là chiếc loa phóng to thêm lời yêu thương của Chúa cho nhiều người được biết, được nghe, Chúa mong con tim của chúng con đong đầy tình yêu Chúa để chuyển đến cho bao trái tim đang cằn khô tình yêu trong thế giới này.
Trong cuộc sống của mỗi chúng ta, có lẽ bạn và tôi cũng đã nhiều khi chọn sự câm lặng, câm lặng về mặt thể lý, câm lặng về tâm hồn. Câm lặng trước những đau khổ, khó khăn của tha nhân, câm lặng trước những bất công, câm lặng trước những các hành vi sai lạc của người bên cạnh, chúng ta chọn im lặng để được bình yên hơn là lên tiếng cho điều tốt đẹp. Vì chúng ta sợ hãi, và bị bóng tối chi phối.
Xin Chúa cho chúng ta được ơn can đảm, để theo lời mời gọi của Chúa Giêsu, chúng ta biết cất lên tiếng nói của tình yêu, của sự chân thật, bày tỏ sự đồng cảm với những nỗi đau, và loan báo niềm vui Tin Mừng của Chúa Giêsu đến cho mọi người. Amen.
St. Maria DoNhung. CP.