Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XVII Thường Niên Năm B
Phúc Âm: Mt 13:36-43
“Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy” (Mt 13:40)
Khi bắt đầu viết bài suy niệm này, tôi nhận được tin một Sơ trong Hội dòng tôi qua đời do bệnh ung thư. Mặc dù đã phát hiện bệnh được mấy năm, nhưng sự ra đi của Sơ vẫn rất đột ngột đối với các chị em, vì dù bệnh tật như thế nhưng Sơ không bao giờ than phiền và luôn vui vẻ với tất cả. Sơ chia sẻ rằng Sơ sẽ chỉ vâng theo Thánh Ý Chúa muốn chứ không chạy chữa gì. Sơ chấp nhận bệnh tật, đau khổ đó như một thách thức để chạm tới Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh. Quả thật, Sơ đã chạm được tới Ngài, qua cái chết dù đau khổ nhưng lại rất thanh thoát và bình an. Sự dữ và đau khổ luôn chạm đến chúng ta hằng ngày, đôi lúc tưởng chừng như bị nuốt chửng bởi chúng. Đứng trước những tấn công của sự dữ, của những xấu xa, chúng ta tin rằng chỉ có Thiên Chúa mới có thể giúp ta đứng vững, vậy mà trong bài Tin Mừng hôm nay (Mt 13:36-43), trong khi giải thích dụ ngôn cỏ lùng và hạt giống tốt, Đức Giêsu lại mời gọi chúng ta hãy để lúa và cỏ lùng cùng mọc lên với nhau cho đến mùa gặt: “Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy” (Mt 13:40).
Lời dạy có vẻ ngược với thế gian của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay khiến ta nhớ tới câu chuyện “trả giá” với Chúa của tổ phụ Ápraham. Thành Xơđôm tội lỗi quá nặng nề, cùng sự nghiêm trọng của sự dữ và các hậu quả kinh khủng của nó đến độ Thiên Chúa đánh phải đánh phạt thành. Nhưng sau cùng, chỉ vì mười người công chính trong thành đó, mà Thiên Chúa đã nương tay mà thể hiện lòng thương xót của Ngài đối với dân, và cũng là minh chứng rõ ràng cho thấy Thiên Chúa luôn nhẫn nại và bao dung với người Ngài yêu. Đối với kẻ dữ - sự dữ là “Cỏ lùng” hôm nay, Thiên Chúa cũng đối xử tương tự như thế. Có lẽ vì Ngài vẫn luôn kiên nhẫn bền bỉ. Sự thật là, con người chúng ta luôn được mời gọi để chiến đấu, để càn quét, và huỷ diệt sự dữ và người xấu; đồng thời cũng bị thúc đẩy liên tiếp gây ra sự dữ. Như khi ta cố gắng tìm nhổ cỏ lùng, lại vô tình làm hư hại hay nhổ luôn cả lúa tốt. Đôi khi ta quên mất, ta phải để cho cỏ lùng và lúa tốt cùng lớn lên. Ta cần kiên nhẫn như Thiên Chúa đã kiên nhẫn và bao dung với cỏ lùng trong tâm hồn ta. Rồi sẽ đến lúc sự dữ sẽ bị huỷ diệt bởi sự tốt lành. Ta cần thinh lặng để kiên nhẫn chờ đợi thời điểm mà những cây xấu sẽ tự huỷ diệt và bị đốt đi.
Sách Giảng Viên đã có một ý niệm rất tuyệt vời “Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời” (Gv 13:1). Ta có một thời để chiến đấu, một thời để lặng thinh. Ta cần thinh lặng, cái thinh lặng của tình yêu để vượt qua những “thời khắc”, để hầu vươn tới được tình yêu của Thiên Chúa và Nước Hằng Sống của Ngài. Sự dữ luôn tìm cách chống phá ta bằng những hận thù, bạo loạn, bất hoà nhằm ngăn cản ta đến với Chúa. Ta cần có thành trì của sự thinh lặng kiên trì để chúng không chiếm hữu ta, để ta không thoả hiệp với chúng mà tăng thêm lỗi lầm trong sự tự mãn và phản loạn. Chính Đức Giêsu khi bị bắt bớ và vu khống cách bất công, Ngài vẫn luôn giữ thinh lặng, và sau cùng Ngài vẫn chiến thắng một cách trọn vẹn.
Thật khó để ta có thể giữ thinh lặng và kiên nhẫn trước sự dữ, hay để không gào thét lên trước cái không thể hiểu và phản loạn của mình, hay để nhổ tận gốc cỏ lùng lẫn tài tình trong lúa tốt. Nhưng nếu ta cứ chiều theo ước muốn đó của ta, ta sẽ dễ mất đi sự phó thác nơi Thiên Chúa mà vô tình nhổ đi cả lúa tốt của mình. Không có Thiên Chúa, chắc chắn chúng ta không thể nào đối kháng với sự dữ là những “cỏ lùng” xen lẫn trong ta. Không có Thiên Chúa, con người ta sẽ dễ dàng bị tiêu diệt. Không có Thiên Chúa, ta sẽ dễ dàng bị cỏ lùng lấn át mọc tươi tốt. Và nếu ta không đủ đức tin vững vàng trong sự thinh lặng tín thác, ta sẽ dễ quay lưng lại với Thiên Chúa. Tuy nhiên, với niềm hy vọng và nhờ vào sự thinh lặng, ta sẽ biết sống cái hiện tại, chấp nhận sự dữ, và kiên nhẫn chờ đợi giờ Chúa đến, để hợp nhất với Người và làm việc dưới quyền năng của Người.
Lạy Chúa, sự kiên nhẫn bền bỉ cùng với sự quan phòng của Ngài chính là mối liên kết trong mọi cuộc chiến thường hằng của chúng con. Xin Ngài luôn nâng đỡ chúng con, để chúng con ý thức được sự mỏng giòn của mình mà luôn bền bỉ và không đánh mất niềm hy vọng. Xin giúp chúng con đừng giờ quên rằng yêu thương, tin tưởng và phó thác trong thinh lặng là hành vi mạnh mẽ nhất và chắc chắn nhất trong những cuộc chiến chống lại sự dữ đó. Xin cho chúng con luôn cố gắng để “là” trước khi “làm”, để thinh lặng và lắng nghe rồi mới hành động như Ngài dạy hôm nay, để lớn lên cùng cỏ lùng rồi tới lúc chúng sẽ bị tiêu diệt. Bởi “ai có tai thì hãy nghe.” (Mt 13:43).
Emily CP