Thứ Th 2,
21/08/2023
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó
Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XX Thường Niên Năm A
Tin Mừng: Mátthêu 19, 23-30
“Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Trời”.
Bạn đã từng nhìn thấy hay hình dung ra hình ảnh của một con lạc đà chui qua lỗ kim chưa?
Về phần tôi, tôi đã từng. Và cách duy nhất mà tôi có thể lý giải cho việc nó chui qua được, chỉ với một khả năng, đó là: Lỗ kim phải to hơn con lạc đà? Bạn suy nghĩ giống tôi chứ?
Nhưng nó thật buồn cười phải không? Quả thế, khi tôi hiểu ra rằng: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Trời".”chỉ là một cách nói, một hình ảnh ngoa dụ, cường điệu mà Chúa Giêsu dùng để diễn đạt việc người giàu có khó vào Nước Trời mà thôi?
Vì sao lại vậy? Thưa bởi vì:
Tiền là tiên là Phật
Là sức bật của lò xo
Là thước đo của lòng người
Là tiếng cười của tuổi trẻ
Là sức khỏe của tuổi già
Là cái đà của danh vọng
Là cái lọng để che thân
Là cán cân của công lý
Là triết lý của cuộc đời.
Theo lẽ tự nhiên, người đời thường coi của cải, tiền bạc là nơi nương tựa, là phương tiện để có được cuộc sống hạnh phúc, là thứ phòng thân. Càng nhiều tiền hạnh phúc sẽ càng được đảm bảo, muốn gì được nấy, tương lai sẽ an tâm hưởng thụ.
Giàu có nghĩa là bạn phải có nhiều tiền. Có tiền bạn sẽ có quyền. Có tiền bạn có thể biến mọi sự “đen” thành “trắng”. “Tiền là cán cân công lý”, cầm cân nảy mực. Nhất là trong thời đại 4.0 với một thực tại xã hội đang đề cao Chủ nghĩa cá nhân và Chủ nghĩa hưởng thụ.
Thật ra, tất cả những thứ ấy không phải là điều xấu, nhưng nó trở nên xấu khi con người biến những thứ ấy thành cứu cánh của đời mình và không còn xem trọng các giá trị của Nước Trời.
Chính Chúa Giêsu đã nhiều lần nhắc nhở các môn đệ, và cho chúng ta qua các dụ ngôn của Người. Như anh thanh niên giàu có đến tìm gặp Chúa Giêsu, nhưng vì có nhiều của cải nên anh đã không đáp lại lời mời gọi của Người. Anh chỉ muốn giữ lưu lại các tài sản, cho nên, anh đã rời bỏ con đường trọn lành (Mt 19,16-22).
Trong đời sống thực tế, đã có nhiều người sống với “xu thế” chạy theo của cải, tiền tài, vật chất. Vì thế, họ thường tìm kiếm nó bằng mọi giá, thập chí bán rẻ cả lương tâm, bán rẻ nhân phẩm. Đối với những Kitô hữu, đôi khi có được của cải sẽ khiến họ dễ an tâm, bằng lòng và bình thản, rồi dần rà làm họ khó lắng nghe được Lời Chúa mời gọi, và rồi dễ quên, dễ đánh mất Chúa. Thêm vào đó, sống trong tình trạng đầy đủ, sẽ khiến ta không còn cần đến ai giúp, cũng như không muốn giúp ai.
Có câu nói rằng: “Nếu không biết sử dụng đồng tiền đúng mục đích, nó sẽ là ông chủ xấu và biến chúng ta thành những chủ nô trong xã hội. Tiền có ý nghĩa to lớn chi phối cuộc sống, suy nghĩ của con người, nó có thể biến con người thành người có ích cho xã hội, nhưng cũng có thể biến con người thành nô lệ của đồng tiền”. Nếu chúng ta sử dụng của cải để chia sẻ và đem lại yêu thương cho người khác thì chúng ta đang sử dụng của cải cách khôn ngoan. Và ngược lại, nếu chúng ta để đồng tiền làm ông chủ, chi phối thì chúng ta có thể đoán được hậu quả rồi.
Tiếp đó, Chúa Giêsu nói rằng: “Đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể được”.Và Người hứa "tất cả những ai bỏ nhà cửa, anh chị em, cha mẹ, vợ con, ruộng nương vì danh Thầy, thì sẽ được gấp trăm và được sự sống đời đời (Mt 19, 30).
Đức Giêsu đã mạc khải cho chúng ta cách thức để có được sự sống đời đời, đó là “Yêu như Chúa yêu, yêu với một tình yêu vô điều kiện, không cần đáp trả” và “từ bỏ mọi sự để đi theo Người”. Vậy, thay vì chọn của cải là trung tâm, chúng ta được mời gọi lấy Chúa là đích điểm, là trung tâm của đời sống. Để từ đó, chúng ta biết cách sử dụng tiền bạc như những phương tiện, cách thức giúp chúng ta chiếm hữu lấy sự sống đời đời, xây dựng cộng đoàn và xã hội hôm nay. Amen.
Sunflower