Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXVI Thường Niên Năm A
Tin Mừng: Lc 9, 51-56
“Dân làng không đón tiếp Người”.
Đoạn Phúc Âm Luca 9, 51-56 hôm nay, cho chúng ta suy tư về hình ảnh một Đức Giêsu bị từ chối không được đón tiếp. Khi Đức Giêsu cùng với các môn để bắt đầu hành trình đi từ Galilê lên Giêrusalem, nơi Người chịu khổ nạn, chịu chết, phục sinh và rồi được rước lên trời.Trên hành trình lên Giêrusalem, Đức Giêsu đã sai một vài môn đệ làm sứ giả để chuẩn bị cho Ngài vào một làng của người Samaria, nhưng dân làng này đã từ chối tiếp Ngài (Lc 9, 52-53).
Có lẽ, do được theo chân Đức Giêsu trên hành trình rao giảng Nước Trời, được chứng kiến Lời quyền năng, các phép lạ Người làm, thấy Thầy mình được trở nên nổi tiếng, có uy quyền và được công nhận là Đấng Mêsia, nên khi thấy người Samari không đón tiếp Thầy, các ông trở nên bực bội mà xin Chúa. “Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng không?” Kiểu hành động của các môn đệ, chỉ là sự tự phát, bồng bột của cảm xúc.
Vì sao Đức Giêsu bị dân làng người Samari từ chối, không đón tiếp?
Nhìn vào bối cảnh lúc bấy giờ, những người Samari bị những người Do Thái coi như những kẻ ly giáo, họ xây dựng một ngôi đền thờ trên đỉnh núi Garidim để cạnh tranh với đền thờ Giêrusalem. Về phía người Do Thái, cách tốt và ngắn nhất để đi từ Galilê tới Giêrusalem là băng ngang qua Samaria, nhưng hầu hết người Do Thái đều tránh lối này.
Họ thường lên Giêrusalem bằng hai cách: Một là đi đường ven biển, hai là đi dọc theo sông Giođan đến Giêrikhô rồi lên Giêrusalem. Người Samaria tìm đủ mọi cách để ngăn cản không cho người Do Thái đi ngang qua lãnh thổ của họ. Chính vì lý do dân tộc và tôn giáo mà người Sammari và người Do Thái đối nghịch nhau một cách gay gắt và hoàn toàn không tồn tại sự liên hệ nào giữa họ.
Một ví dụ điển hình ở Tin Mừng Gioan, đó là: Khi Chúa Giêsu xin nước một người phụ nữ Samari và bà trả lời: “ông là người Do Thái mà lại xin nước của tôi một người phụ nữ Samari cho ông nước uống sao”. (Ga 4,9). Như vậy, ta có thể hiểu tại sao người Samari không đón tiếp Đức Giêsu, vì Người đang đi về hướng Giêrusalem.
Đức Giêsu không quay lưng lại mảnh đất đang bị sự phân biệt chủng tộc, tôn giáo, sự thù địch đó tàn phá. Và hơn thế nữa, Người bước tới để kết nối, để phá vỡ rào cản đó. Thánh sử Luca đã mô tả cho chúng ta về một Đức Giêsu trọn vẹn nhân từ, nhẫn nại và bác ái trong lời nói và hành động. Dụ ngôn người Samari tốt lành (Lc 10, 30-37). Người yêu thương, chạnh lòng thương với tất cả mọi người, kẻ què quặt, mù lòa..., kể cả những người bị cám dỗ đã lên tiếng nguyền rủa Người.
Người luôn dùng tình yêu và hòa bình để hàn gắn, xóa bỏ sự gian ác. Người cũng đã nhiều lần bị từ chối bởi nhiều người: Người Pharisêu, các kinh sư.. Thế nhưng, Người lại luôn bày tỏ và đáp lại họ bằng tình yêu và lòng xót thương của Thiên Chúa. Người giải quyết mọi vấn đề bằng tình yêu. Bởi vì Người đã nói: “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các người. Đường lối của Ta không phải là đường lối của các ngươi”( Is 55, 8-9). Chính Đức Giêsu đã nhấn mạnh tình yêu đó bằng sự tha thứ: “Yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi anh em”.
Sống trong mỗi thời đại, con người chúng ta cũng dễ bị rơi vào tình trạng như người dân Samari. Chúng ta sống trong những định nghĩa về chủng tộc, chính trị, tôn giáo, nhiều khi chúng ta đặt ra những rào cản, những bức tường vô hình ngăn cách tình anh em, bằng hữu mình, đôi khi chỉ bằng một câu nói. “Tôi và bạn không cùng tôn giáo, nên tốt nhất bạn đừng hỏi tôi gì cả”. Nếu chúng ta thay câu nói đó bằng một thái độ khác thì sao?
Hay đôi khi, trong cuộc sống chúng ta cũng sẽ gặp những người khó tính với mình, không có cái nhìn thiện cảm với mình, và đôi khi còn là gây khó dễ, khước từ mình. Đứng trước sự từ chối đó, nhiều khi bản thân mỗi người chúng ta cũng tỏ ra cách hành xử bồng bộc, tự phát giống như hai môn đệ, khi xẩy ra xung đột, cách thường giải quyết là bằng nắm đấm, bằng bạo lực, bằng hung khí… hay hơn thua là một lời nói.
Hôm nay, Đức Giêsu cũng mời gọi mỗi người chúng ta “calm down” để tìm kiếm và thực thi ý Chúa trong cuộc sống. Người cho chúng ta một lối nhìn, một cách giải quyết, ứng xử ôn hòa và bao dung, Ngài dạy chúng ta: “Đừng kháng cự lại người ác; trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa.” (Mt 5, 39). Hay “Người ta không đón tiếp các con thì hãy phủi bụi chân lại, qua làng khác mà rao giảng”.
Quả vậy, quyền năng của Thiên Chúa không bao giờ là đe dọa, không bao giờ là áp đặt, hay bóp chết tự do mà Ngài đã ban cho con người. Ngài cũng chẳng bao giờ dùng quyền năng để trừng phạt kẻ từ chối mình.
Trong thế giới hôm nay, chúng ta được mời gọi để trở nên những người môn đệ phản chiếu tình thương của Đức Kitô cho anh chị em, tha nhân của mình một cách trung thực. Hình ảnh đó chính là một vị Thiên Chúa, Đấng nhân từ và hiền hậu, khiêm nhường và hay thương xót, Đấng đến để phục vụ thay cho được phục vụ, hy sinh và sẵn sàng chết cho người mình yêu…!
Lạy Chúa! Thế giới hôm nay, hàng ngày vẫn còn xảy ra biết bao những bất công, bạo lực, xung đột, hận thù, ghen ghét, ghanh đua, và tẩy chay. Một xã hội bon chen, xô bồ và mất dần ý thức về tội. Xin Chúa dạy chúng con biết sống hiền lành, đơn sơ, và khiêm hạ. Để dù sống giữa một thế giới chạy đua mỗi ngày về mọi phương diện, chúng con vẫn là những hình ảnh sống động của Chúa. Cùng nhau xây dựng một thế giới gần gũi, thân thiết và tràn đầy tình yêu thương. Amen
St.Maria, CP.