Thứ Th 2,
06/11/2023
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó
Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXXI Thường Niên Năm A
Lc 14, 15-24
Hôm nay, thánh sử Luca đưa chúng ta bước vào một tiệc cưới lớn với rất nhiều người được mời. Trong tiệc cưới ấy, ông chủ đã sai đầy tớ đi mời khách 3 lần với ba thái độ đáp trả khác nhau.
Loạt khách mời đầu tiên có thể nói là “khách mời danh dự” vì họ đươc ông chủ nghĩ đến trước tiên và dành sẵn chỗ cho họ trong đám tiệc. Thế nhưng, vì vật chất, đất đai, việc làm ăn, hạnh phúc trần gian mà họ từ chối đáp lại lời mời của ông chủ, tìm mọi cớ để thoái thác một cách vụng về, chẳng thèm che giấu.
Loạt khách mời thứ hai là những người nghèo khổ, tàn tật, đui mù, què quặt, những người ở dưới đáy xã hội. Chính vì họ chẳng có gì trong tay nên không gì có thể níu kéo khiến họ chùn bước. Họ mau mắn đáp lời và nhanh chóng tham dự bữa tiệc vì họ chẳng có gì để đắn đo, suy nghĩ. Bữa tiệc đối với họ như một món quà từ trên trời rơi xuống.
Loạt khách mời thứ ba là những người trong “đường làng, đường xóm” (x. Lc 14, 23), những nơi dễ bị quên lãng, và dường như khó tiếp cận với những gì đang diễn ra nơi phố thị. Lần này, ông chủ “ép người ta vào đầy nhà” (x. Lc 14, 23) vì ông không muốn một ai bị bỏ rơi hay bị quên sót.
Khi lập giao ước với dân Do Thái, Thiên Chúa - Ông Chủ tối cao - đã dành sẵn cho họ một chỗ trong bàn tiệc ấy. Người cũng sai chính Con Một của Người đến để mời gọi họ. Nhưng cũng như những vị khách “quý tộc” hôm nay, dân Israel xưa đã dùng đủ mọi lý do để khước từ. Do đó, những người đáng lẽ là “khách mời danh dự” lại làm cho ông chủ phẫn nộ tuyên bố “những khách đã được mời trước kia, không ai sẽ được dự tiệc của tôi.” (Lc 14, 24).
Thiên Chúa luôn yêu thương và đối xử với chúng ta theo lượng từ bi hải hà của Người. Vì vậy, Người đã chẳng giới hạn tình thương của Người cho một đối tượng, một quốc gia đặc biệt nào mà rộng trải tình yêu của Người trên tất cả chúng ta. Người không muốn chúng ta hư mất nên đã mời gọi chúng ta không mệt mỏi và kiên nhẫn chờ đợi ta đáp lời. Nhưng trên thực tế, không phải ai cũng mau mắn đáp lại lời mời gọi ấy.
Sống trong một thế giới hiện đại, giàu có với đầy những tiện nghi bao quanh, con người dường như đang che tai, bịt mắt và quay lưng lại với Thiên Chúa. Lời mời gọi của “cơm, áo, gạo, tiền” mạnh hơn lời thì thầm của Người. Với lý do “có thực mới vưc được đạo”, người ta biện minh cho những lần từ chối tham dự Thánh Lễ, thậm chí bỏ lễ Chúa Nhật. Rồi vì lý do “you only live once” (ta chỉ sống một lần) mà nhiều người cho mình cái quyền yêu cuồng sống vội, bất chấp vi phạm nghiêm trọng những phạm trù đạo đức, luân lý đã có từ ngàn đời. Đến khi Chúa mời gọi “Bàn tiệc đã sẵn, hãy đến mà chung hưởng tiệc Nước Trời với ta”, đáp lại sẽ là lời từ chối “vì đang bận kiếm tiền, bận đi du lịch, bận hẹn hò,… nên không có thời gian”. Hay quá đáng hơn nữa, đôi khi họ trực tiếp phớt lờ lời mời gọi của Người, vờ như không nghe và không thèm đáp lại. Thật vậy, “nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả” (Mt 13, 22). Đừng vội chê trách những người đã từ chối dự tiệc, vì biết đâu tôi và bạn, cũng có người đang nằm trong số những người ấy!
Người nghèo khó, tàn tật, yếu thế luôn là đối tượng của Lòng Thương Xót (x. Hc 7, 32). Khi nói đến nghèo khó, ta thường nghĩ ngay đến những người thiếu thốn của cải vật chất, khiếm khuyết về thể chất hay bị gạt ra tầng đáy của xã hội. Theo lẽ thường ai cũng nghĩ họ thật bất hạnh, nhưng với Thiên Chúa, nghèo khó lại là một mối phúc (x. Lc 6, 20) và Nước Thiên Chúa thuộc về người nghèo. Thiên Chúa không quên tiếng kêu của người nghèo (x. TV 9, 13). Bởi vậy, khi khiêm nhường nhận ra mình là người nghèo khó, tội lỗi trước mặt Chúa, ta sẽ xác tín hơn về niềm hy vọng vào Người.
Đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa với thái độ của một “người nghèo” là thái độ mà Thiên Chúa yêu thích. Khi mọi của cải, vật chất của trần gian không còn che tai, bịt mắt ta được nữa, khi mọi tham vọng không còn có thể giam hãm ta nữa, bỗng nhiên ta sẽ nghe được lời mời gọi rất nhẹ nhàng, êm ái từ Thiên Chúa. Khi ấy, lời xin vâng của ta sẽ trở thành một “tấm thiệp cưới” để ta bước vào bàn tiệc Thiên quốc đời đời. Vì vậy, không lạ chi khi Đức Thánh Cha Phanxicô đã lấy chủ đề cho sứ điệp của ngài nhân ngày Thế giới người nghèo được cử hành lần thứ 3 (17/11/2019) là “Hy vọng của người nghèo sẽ không bị thất vọng” (TV 9, 18). Hay có thể nói: hy vọng của những người nghèo khổ, bệnh tật, yếu thế sẽ không bị thất vọng vì niềm hy vọng duy nhất và vĩnh cửu là Đức Giêsu Kitô đã đến và cư ngụ giữa chúng ta. Vậy ta chọn dùng thái độ nào để đáp trả lời mời gọi ấy?
Chủ nhà đã sai đầy tớ “mau ra đi” vì giờ bắt đầu bữa tiệc đã đến rồi. Nước Thiên Chúa đã gần kề, tiệc cưới sắp bắt đầu và tình yêu thương vô biên của Người không cho phép bàn tiệc ấy còn trống chỗ. Bữa tiệc ấy đang diễn ra không chỉ ở đời sau mà ngay ở đời này, trong Bàn Tiệc Thánh Thể mỗi ngày. Ta hãy đáp trả lời mời gọi của Người bằng một lòng khao khát tinh tuyền nhất, cùng với thái độ khiêm nhường của một người nghèo khó, chẳng còn gì ngoài Chúa. Lời mời gọi của Chúa là một ân huệ lớn lao mà Chúa đã tặng ban cho ta. Nếu không biết quý trọng ân huệ ấy, chúng ta cũng sẽ bị loại ra ngoài bàn tiệc Nước Trời.1
M.T.Đ