Tin Mừng: Lc 18, 9-14
Mọi Thứ Không Như Vẻ Bề Ngoài Của Chúng
Ngày nay, lâu lâu chúng ta lại nghe một người bị bắt vì phạm tội nghiêm trọng, nhưng khi phỏng vấn những người hàng xóm, thầy cô, người quen của người đó, họ lại có những biểu cảm hết sức sửng sốt, bất ngờ và khẳng định: “Anh ấy/ chị ấy/ người ấy là người tốt, người hiền lành sao có thể làm những điều đó”.
Thật trớ trêu phải không !? Thật! Đúng thật! Mọi thứ không như vẻ bề ngoài của chúng.
Hôm nay, chúng ta nghe Chúa Giêsu kể dụ ngôn về hai người lên Đền Thờ cầu nguyện. Qua câu chuyện của Chúa, chúng ta thấy cách mọi thứ xuất hiện không thực sự như cách mọi thứ đang diễn ra. Chúa Giêsu đã vẽ ra một sự tương phản giữa hai người. Một người có vẻ tốt lành, thánh thiện, còn người kia thì không. Một người dường như đang trò chuyện rất thân mật với Chúa, còn người kia thì không.
Cụ thể: Người biệt phái được miêu tả với khuôn mẫu: đứng thẳng, cầu nguyện rất nhập tâm với Chúa. Ông sống không tham lam, không bất công, không ngoại tình, còn ăn chay mỗi tuần hai lần, và dâng cúng cho Đền Thờ (Lc 18, 11-12). Có thể nói người biệt phái được khắc họa rất đáng ngưỡng mộ, như gương mẫu của người môn đệ bước theo Đức Kitô. Còn người thu thuế xuất hiện với hình ảnh: đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà nguyện rằng: ‘Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội’(18, 13). Người thu thuế chỉ dám đứng xa xa, thu mình che đi tội lỗi, sự dơ bẩn về những gì mình đã làm lỗi trước mặt Chúa và tha nhân vì thế ông chỉ biết cúi gầm mặt, đấm ngực xin Thiên Chúa xót thương.
Rõ ràng, hai con người với hai hoàn cảnh và thái độ sống khác nhau và nếu chỉ nhìn vào những gì biểu lộ ra bên ngoài, với sự phán đoán và quan sát chủ quan của mình, chúng ta có thể khẳng định ai đang sống tốt, ai đang sống lỗi. Nhưng, đúng thật, mọi thứ không như vẻ bề ngoài của chúng.
Bởi vì, người biệt phái vào Đền Thờ không phải để gặp Chúa nhưng là để khoe mẽ thành quả, là để so sánh sự công chính tự nhận của mình và xem thường người khác, mà đúng là xem thường người thu thuế. Tin chắc rằng, Chúa cũng rất vui khi nhìn thấy những công việc tốt đẹp của người biệt phái, nhưng Chúa cũng rất buồn vì trái tim và tình yêu của người biệt phái không dành cho Chúa, nhưng dành cho sự ái kỉ của bản thân, cho miệng đời, cho sự hơn thua.
Người thu thuế thì sao? Chắc chắn Chúa không khuyến khích hay làm ngơ trước thái độ hay quan điểm cứ làm điều xấu thoải mái, công khai rồi chạy đến với Chúa ăn năn, khóc lóc, xin tha thứ. Chúa không hề muốn điều đó. Chúa không bao giờ muốn con cái mình cứ dễ dãi sa vào tội lỗi rồi lấy nước mắt để khỏa lấp đi những vết thương đang rĩ máu trong tương quan với Chúa. Vì thế, những gì người thu thuế đã làm, Chúa cũng rất buồn. Nhưng Ngài cũng rất hạnh phúc và tỏ lòng yêu mến một cách rất hào sảng đến độ Ngài thốt lên: “Người thu thuế ra về được khỏi tội” (Lc 18,14).
Điều gì khiến Chúa hào sảng đến như vậy? Vì, mọi thứ không như vẻ bề ngoài của chúng. Một biệt phái tôn kính Chúa bằng môi bằng miệng, còn lòng họ thì lại xa Chúa. Nên họ có thờ phượng Chúa thì cũng vô ích (Mc 7,6-7). Còn người thu thuế thì “ai nấy cũng sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối” (Lc 15,7).
Có thể nói, người biệt phái đến với Chúa với tư cách là một kẻ công chính nhưng khi rời khỏi Đền Thờ anh chỉ nhận được sự tán thưởng của người đời, hay nhiều hơn một tràng pháo tay không hơn không kém. Còn người thu thuế đến với Chúa với tư cách là một kẻ nổi loạn, một kẻ tội lỗi, nhưng khi rời đi anh trở thành một thành viên của gia đình Chúa. Anh có được trái tim dịu hiền, lòng xót thương và sự tha thứ của Chúa.
Như vậy, Thiên Chúa không đòi hỏi chúng ta phải thực sự hoàn hảo, phải thực sự tốt lành thánh thiện trước khi đến với Ngài. Ngài biết chúng ta là những người có khuyết điểm và Ngài sẵn sàng chấp nhận con người thật của chúng ta và khi chúng ta mở lòng với Ngài, Ngài sẽ dẫn dắt chúng ta theo hướng chữa lành. Nhưng, Ngài cũng không muốn chúng ta thỏa hiệp với tội lỗi, dễ dàng lao mình vào những cám dỗ khiến chúng ta chỉ có thể đứng xa xa mà chẳng thể tới gần Ngài để chạm vào tình yêu và lòng thương xót của Ngài. Hơn hết, Ngài ước mong mỗi chúng ta có một tâm hồn biết hoán cải để làm mới và ở lại trong tương quan với Chúa và một thái độ sống khiêm nhường trước Chúa và tha nhân để nhận ra sự bất toàn và tội lỗi nơi mình mà hướng đến ân sủng của Thiên Chúa và trong tương quan với tha nhân.
Jos. Sỹ Đoàn C.P.