Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần III Mùa Phục Sinh
Thánh Nữ Catarina Siena
Lễ Nhớ
Nhà văn nổi tiếng Arnold Benneett từng nói rằng: “Cách duy nhất để viết một cuốn sách hay là viết nó bằng con mắt của một đứa trẻ lần đầu tiên nhìn thấy mọi thứ.” Tin mừng hôm nay nói với chúng ta về sự khôn ngoan của sự đơn sơ khiêm hạ. Thánh Matthêu (11:25-30) thuật lại lời ngợi khen và tạ ơn của Chúa Giê su dâng lên Chúa Cha vì mầu nhiệm nước Trời được mặc khải nơi những người bé mọn. Những tâm hồn đơn sơ bé nhỏ được Thiên Chúa chọn để “không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho”.
“Kẻ bé mọn” ấy là trường hợp của thánh nữ Catherine mà Giáo hội kính nhớ hôm nay. Chị đã không được học hành đến nơi đến chốn (chỉ đủ biết đọc biết viết). Tuy thế, chị rõ ràng là một người có trí thông minh tầm cỡ một triết gia và thần học gia.
Chị đã nối kết với hàng ngũ các đấng bậc trong giáo hội và các nhà lãnh đạo chính trị, đồng thời đóng vai trò trung gian hòa giải giữa quyền bính trong đạo cũng như ngoài đời trong bối cảnh rối ren nhất của lịch sử Giáo Hội, các Đức Giáo Hoàng chuyển đến thành Avignon ở miền Nam nước Pháp. Còn Rôma, trung tâm Kitô Giáo, lại bị để hoang tàn. Các tác phẩm thư từ, sách vở và kinh nguyện mà thánh Catarina Siena để lại cho thấy ngài xứng đáng với danh hiệu Tiến Sĩ Hội Thánh.
Ngay từ những năm đầu đời, thánh nữ đã thể hiện là một người có đời sống thiêng liêng sâu sắc, một nhà thần bí, có mối liên hệ rất mật thiết với Chúa. Thánh nhân coi mình là khí cụ của Chúa để phục vụ Giáo hội và là công cụ để Chúa mang lại sự hòa giải và hàn gắn chia rẽ giữa các phe phái.
Có thể nói cả cuộc đời của thánh Catarina là đem Ánh sáng của Đức Kitô Giêsu và Tin Mừng của Ngài vào trong đời sống Giáo hội. Đó cũng là sứ mạng của các Kitô hữu, là góp phần mình nhằm xây dựng một cộng đoàn hiệp nhất trong đức tin và đức ái, ngõ hầu Giáo hội trở thành một nguồn mạch chữa lành những hận thù và chia rẽ vẫn đang hiện diện giữa thế giới hôm nay.
Bình Thường Thôi