Thứ Th 7,
10/02/2024
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó
Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần V Thường Niên B
Tin Mừng: Mc 8,1-10
Từ khi còn rất nhỏ, trước mỗi bữa cơm hay trước khi ăn cái gì hay uống nước tôi được dạy tạ ơn Chúa qua hành động làm dấu Thánh Giá. Thậm chí, có những hôm, nếu tôi không chịu làm dấu Thánh Giá và đọc kinh trước khi dùng cơm, bố mẹ tôi không cho ăn cơm.
Suy nghĩ của bố mẹ tôi vô cùng đơn giản rằng: những gì chúng tôi có và ăn là từ ân sủng của Thiên Chúa, chứ không phải chỉ dựa vào công sức làm lụng của bố mẹ. Lí do đó, bố mẹ tôi cũng muốn anh em chúng tôi ý thức về những gì chúng tôi có, chúng tôi ăn trong mỗi bữa cơm. Và trước mỗi bữa cơm, chúng tôi cố gắng chờ đợi đông đủ nhất thành viên và luôn bắt đầu với việc làm dấu và kinh nguyện để tạ ơn Chúa.
Ấy thế, lớn lên, rời gia đình, nhiều lúc ăn cơm, uống nước tôi chẳng nhớ để tạ ơn Chúa nữa. Tôi cắm mặt vào những gì có trước mắt và làm thõa mãn cái bụng đói. Nếu có nhớ tới Chúa thì cũng làm dấu qua loa rồi ăn.
Bài Tin Mừng hôm nay, qua hành động của Chúa Giêsu khi Ngài: “cầm lấy bảy chiếc bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ phân phát” (Mc 8,6) gợi cho tôi nhiều suy nghĩ.
Để bắt đầu bữa ăn cho đông đảo dân chúng đang đi theo Chúa Giêsu và các môn đệ để nghe giảng đạo, Chúa Giêsu đã dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì những của ăn Ngài có. Đó là bảy chiếc bánh và mấy con cá.
Chúng ta cùng suy ngẫm và cầu nguyện với hành động “Tạ Ơn” của Chúa Giêsu. Chưa bàn tới ý nghĩa thần học của hành động tạ ơn này, chúng ta chỉ dừng lại ở khía cạnh lòng biết ơn với Thiên Chúa đối với lương thực chúng ta có hằng ngày.
Đã bao lâu rồi bạn chưa tạ ơn Chúa trước mỗi bữa cơm? Thực sự, không làm dấu Thánh Giá, không đọc kinh trước mỗi bữa cơm chẳng đưa chúng ta xuống hỏa ngục, chẳng biến chúng ta thành những Kitô hữu không tôt lành. Ấy thế, chúng ta luôn được mời gọi, khuyến kích dừng vài giây trước bữa ăn để làm dấu Thánh Giá, nhớ tới Chúa, dâng lời nguyện ngắn để tạ ơn Chúa và cũng nhớ tới những người không có của ăn.
Điều này vừa không chỉ cho thấy sự ý thức bản thân mình với những ân sủng mà Thiên Chúa ban trong cuộc đời này. Đây là một thái độ biết ơn, trân quý tới tình yêu của Thiên Chúa và sự quan phòng của Ngài qua những của ăn mà chúng ta có. Hơn nữa, hành động tạ ơn này còn giúp chúng ta đi ở trong tương quan với Chúa cách gắn bó hơn. Không chỉ là tới nhà thờ, không chỉ là khi cầu nguyện, nhưng bất cứ lúc nào, hành động nào diễn ra trong cuộc đời mình, khi chúng ta nhớ tới Chúa, cầu nguyện với Chúa, tạ ơn Chúa, là lúc đó chúng ta đang ở trong tương quan với Chúa một cách cụ thể và ý thức nhất.
Vì thế, học nơi Chúa Giêsu, chúng ta hãy cùng với Chúa Giêsu dâng lời tạ ơn Thiên Chúa trước mỗi bữa cơm. Điều này không làm chúng ta trở nên thánh thiện hơn, nhưng chắc chắn hành động này sẽ làm chúng ta ở trong tương quan với Chúa cách mật thiệt hơn. Amen.
Sỹ Đoàn, C.P.