Thứ Th 6,
10/11/2023
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó
Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXXI Thường Niên Năm A
Tin Mừng: Luca 16,9-15
“Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được” (Luca 16, 13).
Khi suy niệm bài Lời Chúa hôm nay, trước tiên chúng ta cùng nhau đồng ý, Chúa Giêsu không lên án việc sở hữu hay sử dụng tiền bạc, cũng như của cải vật chất. Thực tế cho thấy, làm sao chúng ta sống một cách bình an, hạnh phúc nếu chúng ta không có tiền để chi trả các sinh hoạt? Một bạn trẻ muốn thực hiện ước mơ của mình, nhưng sẽ ra sao nếu bạn cứ lay lất từng ngày sống vì không có tiền? Một người tín hữu sẽ đến nhà thờ cầu nguyện thế nào nếu đã rất nhiều ngày không có tiền để mua thức ăn cho chính mình và con cái?
Nhưng cùng nhau đọc kĩ những lời trong Kinh Thánh, cụ thể trong lá thư gửi cho ông Timothy – một vị Giám mục trẻ của Giáo Hội sơ khai, Thánh Phaolô đã nhận xét: “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé” (1Tm 6,10). Như vậy, “ham mê tiền bạc” và “tiền bạc” không có nghĩa giống nhau.
Bản chất của tiền bạc không xấu và Chúa Giêsu cũng không lên án tiền bạc, nhưng Ngài lên án việc nhiều người trong chúng ta biến tiền bạc thành một thần tượng, một vị thần mà chúng ta tôn thờ, dành toàn bộ thời gian và công sức để theo đuổi nó, khao khát nó đến nỗi việc theo đuổi nó trở thành thứ yếu. Để rồi, tất cả những thứ khác trong cuộc sống của chúng ta: gia đình, bạn bè, sự chính trực, đức tin, tình yêu, lòng thương xót thậm chí cả chính Chúa không còn là quan trọng.
Vì thế, Chúa Giêsu đã chỉ ra, Thiên Chúa và tiền bạc không thể cùng tồn tại trong chúng ta như hai giá trị tương đồng, ở trạng thái cân bằng hoàn hảo. Vì vậy, Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta không thể vừa phụng sự Thiên Chúa, lại vừa thờ phượng tiền bạc.
Đặc biệt, trong thế giới của chúng ta, khi chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa tiêu dùng đang trở thành những thần tượng cực kỳ hấp dẫn và quyến rũ mạnh mẽ, nhất là giới trẻ. Vì thế, chúng ta luôn được nhắc nhở để liên tục tự vấn bản thân: chúng ta coi việc đạt được của cải là mục tiêu hay nó chỉ là phương tiện để đạt được những giá trị cao hơn, nhân văn, nhân bản hơn?
Ước mong, mỗi người Kitô hữu chúng ta luôn ý thức tầm quan trọng của đời sống đức tin, cùng như xin Chúa ban ơn để giải phóng chúng ta khỏi lòng tham và sự gắn bó với của cải vật chất. Từ đó, chúng ta có thể quảng đại sử dụng những món quà và nguồn lực mà Chúa ban cho những mục đích vì Chúa và vì tha nhân.
Sỹ Đoàn, C.P.