Thứ Th 3,
17/01/2023
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó
Tin Mừng: Mc 2,18-22
Rượu mới, bầu cũng phải mới. (c.22)
Vấn đề đặt ra trong câu chuyện hôm nay là: ăn chay. Đây là một thực hành truyền thống của người Do Thái, nhất là với người Do Thái đạo đức.
Nhưng vấn đề này được đặt ra để dẫn đến một thông điệp: sống tinh thần mới trong Chúa Giêsu.
Nền tảng của sự thánh thiện trong Chúa Giêsu không phải là việc ăn chay. Ăn chay là một trong những hình thức của lòng đạo đức. Nghĩa là, còn những yếu tố khác để làm nên lòng đạo đức. Nhưng những yếu tố đó cũng là những hình thức. Còn nền tảng của lòng đạo đức và đời sống thiêng liêng là sống tinh thần mới trong Chúa Giêsu. Để sống tinh thần đó, con người phải cởi mở với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, chấp nhận từ bỏ những “cái cũ” để đón nhận những “cái mới” phù hợp với tinh thần của Chúa Giêsu.
Việc ăn chay là một việc “cũ” còn cái “mới” là ăn chay không còn là “hình thức” nhưng trở thành một “lối sống”. Nghĩa là, ăn chay không chỉ giới hạn trong chuyện ăn uống, nhưng còn “ăn chay” trong cả cung cách sống: “chay” giận hờn, “chay” chửi mắng, “chay” chè chén say sưa, “chay” ham mê sắc dục, “chay” đua đòi hoang phí, “chay” lừa dối mưu toan.
Và để có thể nhận thực hành “chay”, con người cần có ơn sám hối. Thế nên, điều cần thiết là: xin cho mình được ơn sám hối. Sám hối không chỉ vì tội lỗi, nhưng sám hối còn là một khởi đầu mới cho một đời sống mới. Bởi vậy, để có thể làm mới bản thân thì chúng ta thật sự cần xin ơn sám hối thường xuyên, chứ không chỉ đến khi nào nhận thấy mình tội lỗi hay chỉ sám hối vào mùa chay tịnh. Sám hối mở ra một cách hiểu tích cực hơn theo tinh thần của Chúa Giêsu.
Lạy Chúa, xin cho ban cho chúng con ơn biết sám hối, để chúng con biến đổi đời sống mình nên tốt hơn. Amen.
Lm. Giuse Trần Vũ Thiên Long