Thứ Th 2,
19/06/2023
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó
Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Sau Chúa Nhật XI Thường Niên
Tin Mừng: Mt 5,38-42
“Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác.”
Nếu chúng ta hiểu nghĩa đen của bản văn này, xem ra lời khuyên của Chúa Giêsu thiếu thuyết phục vì các hành vi “đừng chống cự”, “đưa cả má bên trái ra”, “để cho lấy áo ngoài”, “bắt đi một dặm thì đi hai dặm”, “xin thì cho”, “vay mượn thì đừng ngoảnh mặt” là các hành vi tiêu cực, có tính cam chịu nhiều hơn tính anh hùng. Các hành vi không có chút phản kháng nào. Chỉ có Chúa Giêsu mới khuyên thính giả của mình làm như thế.
Bởi vì, chính Ngài đã làm như thế trong cuộc thương khó: “Họ khạc nhổ vào mặt và đấm đánh Người. Có kẻ lại tát Người” (Mt 26,67). Chúa Giêsu đã không phản kháng mà im lặng.
Phản kháng hay nặng hơn là trả thù, không phải là cách ứng xử của phẩm giá con người mà là ứng xử của bản năng, nghĩa là, hành động không có kiểm soát, không tự kiềm chế được bản thân. Sự im lặng không đồng nghĩa với nhu nhược. Sự thụ động trong việc phản kháng là sự tôn trọng phẩm giá của người xâm hại đến ta, điều này rất khác với thái độ nhu nhược, bởi vì thường nhu nhược đi đôi với nỗi sợ hãi. Im lặng trong bình an không phải là nhu nhược mà là người trưởng thành, đủ bản lĩnh và mạnh mẽ.
Chúa Giêsu dạy ta cấm báo oán nhưng không cấm chúng ta chống lại bất công, bài trừ sự dữ. Báo oán cũng là một hình thức bất công. Sự công bằng không nằm ở chỗ “ăn miếng trả miếng”, mà ở chỗ đâu là sự tôn trọng dành cho bản thân mình và tôn trọng phẩm giá của kẻ tấn công. Nếu một tâm hồn bình an bằng bạo lực và báo thù thì đó là loại bình an giả tạo và sai lầm. Đúng hơn, đó không phải là bình an mà đó là dấu hiệu của sự chai lì về mặt lương tâm khi lấy bạo lực và báo thù làm niềm vui thỏa.
Trong khi một tâm hồn bình an thì đòi một sự tôn trọng bản thân mình một cách quảng đại, thay vì để cho những cảm xúc tiêu cực được nuôi dưỡng và lên đến đỉnh điểm bằng những kế hoạch báo thù. Sự báo thù không phải là kết quả của việc chúng ta không tha cho kẻ làm hại mà là chúng ta không tha cho bản thân của chúng ta.
Bởi thế, điều Chúa Giêsu dạy không phải là những cử chỉ bề ngoài cho bằng xuất phát từ nội tâm. Hãy để cho tâm hồn của chúng ta được yên, thay vì cứ làm phiền và lấy đi bình an của tâm hồn, vốn đáng được có. Như thế, chúng ta đang tự bất công với chính mình. Còn về kẻ làm hại thì hãy để cho Thiên Chúa dạy dỗ người ấy theo sự khôn ngoan của Ngài.
Xin Chúa cho chúng ta đủ kiên trì để tập ở một mình, nhờ đó chúng ta bớt nóng giận, có thời gian kịp suy nghĩ trước khi nói hay trước khi hành động để tránh làm tổn thương đến tha nhân và cả bản thân mình. Amen.
Lm. Giuse Trần Vũ Thiên Long