Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần Bát Nhật Phục Sinh
Tin Mừng: Mt 28,8-15
Khi ấy, các người phụ nữ vội vã rời khỏi mồ. (c.8)
Đoạn Tin Mừng này của thánh Mát-thêu có hai cảnh tương đồng nhưng lại đối lập về mục đích.
Thứ nhất, sự xuất hiện của “các bà”. Thật ra thì đoạn Tin Mừng trước đó cho biết chỉ có hai bà là bà Ma-ri-a Mác- đa-la và một bà khác cũng tên là Ma-ri-a (c.1). Sự xuất hiện của hai bà Ma-ri-a là điều hợp luật của người Do Thái. Đệ nhị luật 19,15 yêu cầu ít nhất hai nhân chứng trong một thủ tục tố tụng và theo thông lệ của người Do Thái chỉ thừa nhận đàn ông làm chứng.
Chúa Giêsu đã phá vỡ truyền thống của người Do Thái. Trong khi Nhóm Mười Một đều là đàn ông thì lại không có một người nào trong nhóm đó làm chứng về sự phục sinh của Ngài, mà lại là hai người phụ nữ. Dù là phụ nữ nhưng khi có hai nhân chứng trở lên thì chứng về biến cố Chúa Giêsu phục sinh là thật. Hơn nữa, Tin Mừng đã kể đích danh hai người phụ nữ này. Trong đi đó, thánh Mát-thêu chỉ cho biết là “có mấy người trong đội lính canh mồ”. Chúng ta chỉ biết là có mấy người lính canh mồ mà không biết chính xác là ai.
Thứ hai, đội lính canh này là phần đối lập với các người phụ nữ. Họ là đàn ông và cũng làm chứng về một sự kiện: Chúa Giêsu phục sinh. Tuy nhiên, sự thật đã bị bóp méo. Và chứng về vụ cướp xác với người Do Thái là chứng thật. Trong khi, lời chứng đó lại là chứng gian.
Cũng là làm chứng nhưng hai khung cảnh hoàn toàn trái ngược nhau. Cuối cùng thì kẻ cứng đầu lại càng cứng đầu, kẻ suy phục lại càng thêm suy phục.
Thế nên, loan báo về việc Chúa phục sinh là một thách đố khi có những lý lẽ khác đang phản bác sự thật này. Chúng ta chọn đứng về phía của nhóm nào để làm chứng: nhóm các người phụ nữ hay nhóm những người lính canh mồ? Cũng chỉ có hai nhóm để chúng ta có thể chọn lựa.
Xin Chúa Phục Sinh cho chúng ta có lòng can đảm để làm chứng cho Ngài. Amen.
Lm. Giuse Trần Vũ Thiên Long