Thứ Th 2,
17/04/2023
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó
Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần II Mùa Phục Sinh
Tin Mừng: Ga 3,1-8
Không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên. (c.3)
Cách nói của Chúa Giêsu: “được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên” khiến người nghe có thể hiểu lầm như cách hiểu của Nicôđêmô: “Người đó có thể trở vào lòng mẹ để sinh ra lần thứ hai sao?”. Thật ra, cách nói “sinh ra” của Chúa Giêsu phải được hiểu là có mối tương quan cha-con với nhau. Đây là cách nói quen thuộc trong gia phả của Chúa Giêsu theo thánh sử Mátthêu: Ápraham sinh Isaac, Isaac sinh Giacóp,…. Người đàn ông không sinh con như người phụ nữ, mà là có tương quan cha-con với nhau.
Như thế, cách nói “sinh ra một lần nữa” muốn nói đến việc Thiên Chúa và con người xây dựng tương quan cha-con với nhau, mà phải là tương quan ruột thịt, nghĩa là tương quan rất gắn bó, không chỉ theo nghĩa là kết nghĩa hay là con tinh thần mà phải là hai cha con ruột thịt với nhau về mặt huyết thống.
Tuy nhiên, việc thiết lập tương quan này không chỉ để làm cha và làm con mà vì mục đích: “thấy Nước Thiên Chúa”. Như thế, muốn thấy được Nước Thiên Chúa càng rõ ràng, tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa càng phải gần và khăng khít.
Chúng ta rất khó để hiểu được rằng Thiên Chúa là Cha chúng ta. Thậm chí tương quan cha con ruột thịt trong gia đình, chúng ta còn thờ ơ thì huống chi một tương quan thiêng liêng hơn làm sao chúng ta có thể cảm nhận? Chúng ta chỉ đang đơn giản gọi Thiên Chúa là Cha vì được dạy như thế. Còn tại sao gọi, gọi để làm gì, và tương quan giữa chúng ta và Thiên Chúa như thế nào, ra sao lại là một cảm nhận khác.
Chúng ta có thể cảm thấy đau xót khi mất cha mẹ. Nhưng chúng ta không thể cảm nhận nỗi chua xót khi bỏ rơi Thiên Chúa. Bởi thế, để sống với Chúa cho đúng nghĩa không phải chỉ có đọc “lạy Cha chúng con ở trên trời” hay tập trung để đọc kinh, viếng Chúa. Có bao giờ chúng ta thỏ thẻ với Chúa mọi lúc khi gặp phải biến cố gì trong cuộc sống mà không phải ở trong nhà thờ hay lúc đọc kinh hay không?
Thiên Chúa là Cha không phải là danh hiệu. Thiên Chúa là Cha là mối tương quan, nghĩa là sống với nhau.
Cha yêu mến của con, con là đứa con bất hiếu với Cha vì con đã sống thờ ơ và vô ơn với Cha. Con chỉ ước mong sao mỗi ngày con có thể yêu Cha hơn, có thể nói với Cha nhiều hơn, có thể gắn bó với Cha nhiều hơn tất cả những mối tương quan khác của con. Và con khao khát một ngày con sẽ được thấy mặt Cha trên thiên đàng. Amen.
Lm. Giuse Trần Vũ Thiên Long