Thứ CN,
19/03/2023
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó
Lễ Trọng Kính Thánh Giuse: Bạn Trăm Năm Đức Trinh Nữ Maria
Tin Mừng: Mt 1,28-24
“Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. (c.19)
Luật Do Thái, cụ thể là sách Đệ nhị luật, trong chương 22, câu 23 và 24, có viết: “Khi một người con gái còn trinh đã đính hôn với một người đàn ông, mà một người đàn ông khác gặp cô trong thành và nằm với cô, thì anh em sẽ lôi cả hai ra cử thành ấy và ném đá, và chúng sẽ phải chết,…”.
Thánh Giuse và Mẹ Maria lúc này đang trong tình trạng đính hôn. Tuy nhiên, theo phong tục người Do Thái, đôi nam nữ đã đính hôn, thì xác định tiến tới thành hôn, nghĩa là thành vợ chồng của nhau.
Trong khi đó, trước khi thành hôn, Mẹ Maria là trinh nữ nhưng lại mang thai không phải với thánh Giuse. Rõ ràng, theo luật đã nói trên Mẹ Maria sẽ bị ném đá đến chết, một khi thánh Giuse biết và xác nhận ngài không phải cha của thai nhi. Vậy một người công chính như thánh Giuse sẽ hành động như thế nào? Theo luật hay theo tình?
Ở đây, Kinh Thánh nói về thánh Giuse là “người công chính và không muốn tố giác bà”, nghĩa là, ngài vừa muốn theo luật lại vừa không muốn để nhiều người biết chuyện của Mẹ Maria. Thế nên, ngài đã có ý nghĩ: định tâm bỏ bà cách kín đáo. Bằng cách này, thánh Giuse vừa tôn trọng lề luật vì từ nay Maria sẽ không còn là vợ tương lai của ngài, vừa đảm bảo cho Maria khỏi bị án ném đá. Ở đây, thánh Giuse chưa hành động, ngài chỉ mới “định tâm”. Chính lúc hình thành ý nghĩ trong thâm tâm như thế, Thiên Chúa đã can thiệp.
Cuộc sống hôm nay rất khó để chúng ta lặp lại tình huống như thánh Giuse. Chúng ta không thể nhẫn nhịn để ‘định tâm từ bỏ cách kín đáo’. Chúng ta muốn phơi này sự thật xấu xa của người khác, nhưng lại ‘từ bỏ kín đáo’ những khiếm khuyết nơi bản thân mình.
Chúng ta thiếu kiên nhẫn để chờ đợi một lời giải thích. Chúng ta rất vội vàng kết luận bằng luật, nhưng lại thiếu lắng nghe cái ‘tình’, hoặc lại có khi bao che cho cái ‘luật’ mà lại quá dấn sâu vào cái ‘tình’ đến mê muội.
Chỉ khi Thiên Chúa xuất hiện, ngài đã hoá giải mọi nghi ngờ, căng thẳng và âu lo, cũng như sự mù mờ của thánh Giuse về những mầu nhiệm mà chỉ có Thiên Chúa biết. Nếu mọi sự Thiên Chúa, tại sao chúng ta lại không trông chờ một sự soi sáng của Ngài dành cho ta? Tại sao chúng ta lại lắng nghe người khác nhưng không phải làm tốt cho đối phương, mà nghe người khác để xử tội đối phương? Có phải sự công bằng của chúng ta mà nói là phải có trừng phạt? Và nếu như thế, việc đền tội rõ ràng là một chuẩn mực công bằng của trừng phạt, vậy tại sao chúng ta không đón nhận? Cuối cùng thì chúng ta đang muốn cái gì? Công bằng, tình cảm, quyền lợi hay trừng phạt?
Như thế chúng ta đang bị bất ổn bởi những thử thách, chúng ta có thể đang thiếu sự tĩnh lặng cần thiết để tâm hồn đủ bình an nghĩ đến người khác và chọn lựa cách giải quyết kín đáo. Rất có thể, người khác đang bỏ qua ‘một cách kín đáo’ những lỗi lầm của chúng ta, nhưng chúng ta lại ồn ào bằng những cuộc cãi vã, làm cho ra lẽ và cuối cùng hả dạ như một cách bù đắp tổn thương cho chính mình bằng những hành động cũng rất tổn thương mà không hề có tính chữa lành.
Xin Chúa cho chúng ta ơn biết bình tĩnh, để chúng ta đủ sự nhẫn nhịn tránh làm tổn thương những người xung quanh chúng ta, dù chỉ là một lời nói. Amen.
Lm. Giuse Trần Vũ Thiên Long