Thứ Th 2,
03/07/2023
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó
Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XIII Thường Niên - Thánh Tôma, Tông Đồ
Tin Mừng: Ga 20,24-29
“Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” (c.25)
Chúng ta thường gán cho Tôma là kẻ cứng lòng khi không tin lời những người anh em của mình. Tuy nhiên, chúng ta xem lại lịch sử của biến cố Phục Sinh: các môn đệ không tin lời các phụ nữ báo tin Chúa sống lại; hai môn đệ trên đường Emmau cũng không tin lời họ. Tất cả chỉ tin lời của nhau cho đến khi Chúa hiện ra với họ.
Như thế, không chỉ có Tôma mà các môn đệ cũng là những kẻ cứng lòng. Thế nhưng, tại sao Tôma lại có một câu chuyện riêng trong Kinh Thánh, cụ thể là trong Tin Mừng Gioan với Chúa Giêsu Phục Sinh?
Chúng ta cùng nhớ lại lịch sử niềm tin của Tôma. Trong lần đến nhà Ladarô để Chúa Giêsu cứu sống anh, thánh sử Gioan đã thuật lại lời của Tôma nói với các anh em môn đệ khác: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cùng đi để cùng chết với Thầy!” (Ga 11,16). Tôma rất sốt sắng và hết mình với Chúa Giêsu, thầy của ông. Tôma đã tin Chúa Giêsu, nhưng niềm tin đó của ông đã bị phản bội: Chúa Giêsu chịu chết. Ông không thể mường tượng được khung cảnh của hiện tại: Chúa Giêsu chết và ông đang mang nỗi sợ hãi cùng với những người anh em môn đệ của mình.
Cái chết của Chúa Giêsu là một đau lớn và là nỗi thất vọng vượt quá sức chịu đựng của Tôma. Vì ông đã quá xác tín vào Chúa Giêsu và những lời của Ngài về một vương quốc mới nên để ông tin lại một lần nữa Ngài sống lại thì quả thật là một thử thách. Chúa Giêsu chết là hết. Bởi thế, Tôma đã chậm tin dù rằng chính các anh em đồng môn của ông là những người đã trực tiếp nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa”. Tôma đang đòi dấu lạ.
Sự tổn thương trong niềm tin của Tôma đã chạm đến lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu Phục Sinh. Thế nên, Ngài đã ưu ái dành cho Tôma một cuộc gặp gỡ thật đặc biệt: “Đặt ngón tay vào đây và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. Chỉ có Tôma mới được ưu ái đụng chạm một cách trực tiếp vào thân thể của Đấng Phục Sinh như vậy. Đó là cú đụng chạm của lòng chạnh thương. Nhờ cú đụng chạm này mà kẻ đa nghi nhất lại trở thành kẻ tin tưởng nhất, kẻ cứng đầu nhất lại trở thành kẻ ngoan nguỳ nhất để rồi thốt lên: “Lạy Chúa, con tín thác vào Chúa”.
Lòng tín thác ấy không phải là một loại tình cảm cuồng nhiệt đến mức không còn phân biệt phải trái. Chúng ta chỉ có thể đụng chạm đến lòng chạnh thương của Chúa khi đã trải qua cuộc tôi luyện về lòng tin. Sẽ có lúc hoài nghi sự hiện diện của Chúa. Sẽ có lúc cảm thấy nguội lạnh với Chúa. Sẽ có lúc cảm thấy thờ ơ với những sự thuộc về Chúa. Sẽ có lúc chán nản, thất vọng vì phải đối diện với một cuộc sống không có hạnh phúc. Sẽ có lúc chúng ta cảm thấy như trở thành người Công giáo là một sự phản bội với lòng tin của mình vì không như mình nghĩ và ước mơ: người Công giáo vẫn nghèo khổ, vẫn bất hạnh, vẫn tội lỗi kẻ ngoại đạo, không thiếu thứ gì. Vấn đề của chúng ta là đòi hỏi những dấu lạ để thay đổi cuộc sống mình thì mình mới tin. Còn vấn đề của Chúa là đụng chạm đến những vết thương của cuộc tử nạn mà trước đó các môn đệ sợ hãi và lẩn trốn.
Chạm đến lòng chạnh thương là chạm đến nỗi đau của những vết thương, của những thương tổn. Ở nơi đó, chúng ta gặp Chúa chạnh thương và đó mới là Chúa của lòng thương xót.
Nhờ cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô, xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới. Amen.
Lm. Giuse Trần Vũ Thiên Long