Thứ Th 2,
12/08/2024
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó
Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XIX Thường Niên Năm B
Phúc Âm: Mt 17:22-27
Tin Mừng hôm nay tường thuật một sự kiện có tính lịch sử và dân sự liên quan đến vấn đề nộp thuế đền thờ. Chúng ta tìm hiểu đôi nét về luật thuế đền thờ của người Do Thái. Theo luật Do Thái giáo thời đó, mỗi nam nhân Do Thái từ mười tám tuổi trở lên, hằng năm phải đóng thuế tôn giáo là hai đồng quan drachma hay tương ứng là một đồng shekel. Drachma và shekel là hai đơn vị tiền tệ của người Do Thái lúc bấy giờ. Một đồng quan shekel của người Do Thái bằng hai đồng drachma của người Hy Lạp. Cũng trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu chương 20, dụ ngôn về thợ vườn nho, tiền lương gia chủ trả cho những người làm thuê là một đồng denarius của người Rôma, tương đương là một đồng drachma của người Hy Lạp.
Để nộp thuế cho đền thờ, Chúa Giêsu truyền cho Phêrô câu cá lên, mở miệng nó ra, lấy được một đồng bốn quan drachma, tương ứng với nộp thuế phần của Chúa Giêsu và phần của ông Phêrô.
Tuy nhiên, chúng ta nhận thấy phản ứng của Chúa Giêsu về việc đóng thuế đền thờ. Ngài không muốn thực thi nghĩa vụ đóng thuế đền thờ, hay nói cách khác là bất tuân phục truyền thống Do Thái. Vấn đề không phải là chuyện tiền thuế. Vấn đề ở chỗ là Chúa Giêsu đang khẳng định lại đặc quyền của Ngài, thậm chí là của dân Do Thái trong mối tương quan với Thiên Chúa. Con cái thì không cần có nghĩa vụ đóng thuế như một hình thức của xã hội loài người. Thế mà, hình thức ấy lại được áp dụng trong cộng đoàn con cái Thiên Chúa.
Khẳng định lại đặc quyền của mình là được miễn thuế, đồng nghĩa với việc Chúa Giêsu tuyên xưng Ngài là Con Thiên Chúa. Và đặc quyền đó được mở rộng cho tất cả những người theo Ngài, những người cũng được gọi là con cái Thiên Chúa. Vấn đề là trách nhiệm với nhà Chúa nên được thực thi với tinh thần tự nguyện chứ không phải sự bắt buộc. Việc đóng góp hay ủng hộ cho công trình nhà Chúa cần được khơi gợi bằng sự tự nguyện và ý thức về tương quan cha con giữa chúng ta với Chúa.
Nếu chúng ta thật sự xem Thiên Chúa là Cha, thì trách nhiệm và bổn phận của chúng ta sẽ cảm thấy khác. Chúng ta thi hành trách nhiệm mà không cảm thấy áp lực, mà hoàn toàn xuất phát từ tấm lòng của những người con thảo dành cho cha mình. Nếu không như thế thì chắc chắn chúng ta sẽ xem đó là một sự bất công và chẳng mấy hài lòng.
Xin Chúa cho chúng ta sống tương quan cha con với Thiên Chúa mỗi ngày mỗi mật thiết hơn, để chúng ta đến với Chúa và thể hiện trách nhiệm của mình trong tư cách là một người thật tự do, tự nguyện. Amen.
Lm. Giuse Trần Vũ Thiên Long