Thứ Th 2,
17/07/2023
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó
Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XV Thường Niên
PHÚC ÂM: Mt 10,34 - 11,1
“Anh em đừng tưởng Thầy đến để đem bình an cho trái đất, Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo.” (c.34)
Lời này của Chúa Giêsu chắc chắn sẽ gây ra hiểu lầm cho những ai không hiểu ý Ngài muốn nói, bởi vì nói như thế rất mâu thuẫn. Thậm chí, nếu không được giải thích, sẽ có người không còn muốn theo Chúa Giêsu nữa vì Chúa Giêsu không thể đem lại bình an.
Ở đây, Chúa Giêsu không phải là một nhà quân sự, nên chúng ta không hiểu “gươm giáo” mà Chúa Giêsu muốn nói theo nghĩa nó là vũ khí quân sự. Đây là cách nói ẩn dụ, dùng “gươm giáo” để nói về một ý niệm ẩn phía sau, mà ý niệm đó là sự mâu thuẫn, hay là khác biệt, mà cũng có thể hiểu là phân rẽ.
Như thế, Chúa Giêsu trước hết không gây ra chiến tranh. Nhưng tại sao lại gây ra mâu thuẫn hay phân rẽ?
Vấn đề ở đây không bắt nguồn từ Chúa Giêsu. Vấn đề bắt nguồn từ các đối tượng mà Chúa Giêsu liệt kê sau đó: cha-con, mẹ-con, mẹ chồng-nàng dâu. Những lời này được Chúa Giêsu trích lại từ sách Mi-kha, chương 7 câu 6 và cuối cùng được kết bằng lời: “những kẻ thù của con người, là người nhà của người ấy” (c.36).
Như vậy, Chúa Giêsu không phải là nguồn gốc của mâu thuẫn hay phân rẽ. Mà là do những người sống cùng với nhau gây ra vì mâu thuẫn, khác biệt và phân rẽ về tư tưởng, lối sống trước những lời Chúa Giêsu rao giảng.
Bởi thế, để có được bình an thì con người cần có chung tư tưởng, chung lối sống với lời của Chúa Giêsu. Và đó là một bầu khí bình an. Và nó sẽ tạo ra bầu khí hòa bình giữa người với người.
Việc liên hệ hình ảnh của những người trong gia đình với nhau không chỉ nói quy mô về gia đình, nhưng một cộng đoàn của những người có liên hệ với nhau về huyết thống, về tinh thần, mà chúng ta có thể hiểu là gia đình của Chúa.
Một tập thể nội bộ mà có mâu thuẫn, phân rẽ thì một cộng đoàn lớn hơn cũng khó tránh khỏi những mâu thuẫn, phân rẽ trong tư tưởng, lối sống với lời của Chúa.
Hiểu như thế, chúng ta sẽ thấy rằng đối thoại là một cách thức cần thiết cần có trong một cộng đoàn. Có khi chúng ta không hiểu, có khi chúng ta hiểu lầm, có khi chúng ta hiểu sai mà chúng ta lại đưa ra nhận định, đánh giá và bảo thủ trong lời nói của chúng ta thì làm sao có thể xây dựng bầu khí bình an trong cộng đoàn. Cụ thể trong gia đình, cha mẹ nghĩ một đằng, nhưng con cái lại nghĩ một nẻo và vì không tìm được tiếng nói chung, bầu khí bình an chắc chắn sẽ bị phá vỡ.
Như thế, người gây ra chia rẽ không phải Chúa Giêsu, nhưng là chính chúng ta. Khi Chúa Giêsu ngự ở giữa gia đình để ban bình an, thì chính chúng ta lại đẩy Chúa ra khỏi gia đình mình để bắt đầu áp đặt ý kiến của mình lên nhau.
Chúng ta hãy xin Chúa cho mỗi người chúng ta có khả năng biết lắng nghe và khiêm nhường đón nhận. Nhờ đó mà chúng ta sẽ kiến tạo bầu khí bình an như lời Chúa Giêsu chúc phúc: “Phúc thay ai kiến tạo hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9). Amen.
Lm. Giuse Trần Vũ Thiên Long.