Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XVI Thường Niên
Phúc Âm: Mt 12,38-42
“Chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ." (c.38)
Câu nói của người Pha-si-sêu được diễn tả cách sát nghĩa hơn: “Chúng tôi muốn từ Thầy một dấu lạ để nhận thức”. Như vậy, vấn đề của người Pha-ri-sêu là “nhận thức” không phải là “tin”. Sau phép lạ không phải là đức tin mà là “thấy để hiểu”. Lời đề nghị này xảy ra sau khi Chúa Giêsu chữa một người bị quỷ ám vừa mù vừa câm.
Như thế, dấu lạ với người Pha-ri-sêu không phải để tin, mà mang tính kiểm chứng. Chúa Giêsu không dùng phép lạ như một phương tiện để thoả mãn sự nhận thức của con người. Phép lạ là một dấu chỉ của đức tin. Phép lạ chỉ xảy ra khi con người tin hoặc để sau đó dẫn đến đức tin, không phải để “muốn” và để “hiểu”. Không vô cớ Chúa Giêsu nói: “Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ngôn sứ Giô-na”.
Vậy thì sẽ còn dấu lạ nào cho người Pha-ri-sêu để họ đi đến thái độ tin vào Chúa Giêsu? Có lẽ không có dấu lạ nào có thể làm cho họ tin vào Chúa Giêsu, bởi vì họ xin một dấu lạ nhưng trước đó họ lại từ chối tất cả các dấu lạ khác.
Ki-tô hữu chúng ta trông chờ vào phép lạ nào để thay đổi cuộc đời mình? Chúng ta muốn gì ở Thiên Chúa? Chúng ta có tìm kiếm phép lạ hay nghĩ rằng “có phép lạ thì càng tốt để củng cố đức tin hơn”? Và nếu không có phép lạ chúng ta có là Ki-tô hữu không? Vậy cuối cùng, chúng ta đòi phép lạ hay chúng ta sống với Chúa như một dấu lạ cho cuộc đời này? Chúng ta cần những cái đặt tay, những lời cầu nguyện hiệu nghiệm hay chúng ta đang đi tìm những lời tiên đoán về cuộc đời mình từ những con người mà không phải là Thiên Chúa?
Nếu cho tới nay, tất cả những gì Chúa đang làm cho cuộc đời chúng ta không đủ để chúng ta tin Chúa, thì có lẽ không cần một phép lạ hay dấu lạ nào nữa vì rất có thể chúng ta đang thách thức Thiên Chúa: “Chúng tôi muốn từ Thầy một dấu lạ để hiểu”.
Lạy Chúa, xin củng cố đức tin cho chúng con. Amen.
Lm. Giuse Trần Vũ Thiên Long.