Thứ Th 2,
21/08/2023
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó
Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XX Thường Niên Năm A
Tin Mừng: Mt 19,16-22
“Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ có được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” (c.21)
Cách hỏi của chàng thanh niên với Chúa Giêsu theo cách dịch Việt ngữ khá nhẹ nhàng: “làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời”. Trong bản Hy Lạp, động từ “hưởng” ở đây là “có”, “giữ”, “sở hữu”. Đối với chàng thanh niên, sự sống đời đời là thứ còn sót lại anh ta chưa thể “có”, “giữ” và “sở hữu”. Sự sống đời đời là một “vật sở hữu”. Nên sẽ thật dễ hiểu thái độ của anh ta khi nghe Chúa Giêsu nói: “hãy đi”, “bán tài sản” , “cho người nghèo”, “đến theo tôi”. Tất cả những đòi hỏi đó là “cho đi”, không “sở hữu”. Còn điều anh ấy muốn là “sở hữu”. Như thế, ở đây đã có một sự đánh đổi tương xứng: “sở hữu” (còn thiếu sự sống đời đời) và “không sở hữu” (sẽ được sự sống đời đời).
Chúng ta sẽ hiểu hơn trình tự của sự buông bỏ, “không sở hữu” này theo lời của Chúa Giêsu: “đi” – “bán” – “cho” – “theo”. Như thế, để thật sự có được sự sống đời đời sẽ cần một chuỗi hành động như lời Chúa Giêsu nói.
Thường công thức của việc bác ái là “dư” – “gom” – “cho”. Chúa Giêsu không nói chàng thanh niên giàu có rằng “đem phần dư”, hay là “cho người nghèo”, mà việc đầu tiên Chúa Giêsu muốn anh làm là “đi và bán tài sản của anh”. Chính anh ta sẽ phải làm việc ấy chứ không phải là một ai khác. Chính anh sẽ dấn thân để có điều anh muốn là sự sống đời đời. Như thế, khái niệm “tài sản” trong đoạn Tin Mừng này không chỉ theo nghĩa “vật chất” mà theo nghĩa “những gì tồn tại từ trước đó của anh”. Tức là phải cả con người của anh dấn thân vào tất cả những điều Chúa Giêsu đã chỉ dẫn thì mới có được sự sống đời đời. Như thế, dù là “cho người nghèo” thì cũng chính anh là người cho chứ không phải chỉ là đem của đi cho.
Đây là công thức rất quan trọng đối với việc bác ái. Bác ái suy cho cùng không phải là cho của, mà là dấn thân để sống việc “cho đi”. Chúng ta bị cám dỗ chỉ dừng lại ở việc “cho người nghèo”, nhưng chưa dừng lại sau đó: còn cần “theo” Chúa. Mà muốn “theo” thì cần “từ bỏ chính mình, vác thập giá mình” mà theo.
Tất cả những động từ “đi” – “bán” – “cho” – “theo” đều là mệnh lệnh. Chúng không phải là sáng kiến của con người, chúng là mệnh lệnh của Thiên Chúa. Thế nên, muốn “sự sống đời đời” thì phải làm theo mệnh lệnh mà thôi.
Lạy Chúa, xin cho con biết sống quảng đại, quên đi chính bản thân để lại mưu ích cho bản thân. Amen.
Lm. Giuse Trần Vũ Thiên Long.