Thứ Th 2,
14/10/2024
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó
Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXVIII Thường Niên Năm B
Tin Mừng: Lc 11:29-32
Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. (c.29)
Chúa Giêsu lại nói với đám đông: thế hệ này, thế hệ gian ác. Tại sao Ngài lại nói họ như vậy? Chúng ta không biết động cơ đám đông bao quanh Chúa Giêsu là gì, vì đoạn văn không nói. Chúng ta cũng không biết tại sao Chúa Giêsu lại nói đám đông là “thế hệ gian ác”. Chúng ta chỉ biết, sau đó, Chúa Giêsu nói: “chúng xin dấu lạ”. Như vậy, việc Chúa Giêsu nói đám đông là “thế hệ gian ác” liên quan đến việc “xin dấu lạ”.
“Xin dấu lạ” là cách nói kiêng nể, đúng hơn “thế hệ gian ác” “đòi [hay ‘tìm’] dấu lạ”. Họ không tìm Chúa. Họ tìm dấu lạ. Như thế, Chúa Giêsu đang mắc nợ họ những dấu lạ. Nói như thế, Chúa Giêsu phải làm nhiều dấu lạ hơn nữa nếu muốn họ tin. Trong khi đó, Chúa Giêsu đã làm rất nhiều dấu lạ. Vấn đề ở đây là họ không quan tâm đến dấu lạ Chúa Giêsu làm theo ý của Ngài. Họ quan tâm đến dấu lạ Chúa Giêsu phải làm theo ý của họ. Họ đánh giá cao dấu lạ trong việc thay đổi lòng tin của những kẻ cứng đầu, hoài nghi.
Chúa Giêsu không khuyến khích đức tin dựa trên những điều huyền bí. Ngài cũng không khuyến khích đức tin dựa vào kinh nghiệm thấy được những dấu lạ. Chúa Giêsu củng cố đức tin dựa trên việc tin vào những lời Chúa đã phán, đã hứa và sẽ thực hiện. Bởi thế, “thế hệ này” bị gọi là gian ác vì họ đang cưỡng bức Chúa Giêsu như một ngôn sứ phục vụ dấu lạ cho trí tò mò và đức tin chai lì của họ. Họ đang cưỡng bức một “người” về mặt niềm tin. Còn trong đức tin, họ là thế hệ có khuynh hướng ngoan cố trong việc tìm kiếm các dấu lạ. Đó cũng là lịch sử của Ít-ra-en. Thiên Chúa cho dấu lạ, họ sám hối. Sau đó, họ trở lại con đường tội lỗi.
Bởi thế, người đặt đức tin của mình trên các phép lạ có nguy cơ tìm kiếm phép lạ chứ không tin Chúa. Thậm chí, có thể trở thành những người thách thức Chúa làm phép lạ. Đó gọi là cưỡng bức Thiên Chúa cho đức tin của mình bằng việc đòi hỏi phép lạ.
Chúng ta xin Chúa củng cố đức tin của chúng ta vào lời của Chúa – tất cả những lời tốt đẹp Chúa đã nói trong Kinh Thánh. Amen.
Lm. Giuse Trần Vũ Thiên Long