Thứ Th 4,
18/09/2024
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó
Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXIV Thường Niên Năm B
Tin Mừng: Lc 7:36-50
Yêu được tha, hay tha thứ rồi mới yêu?
Có bao giờ chúng ta đặt vấn đề là, chúng ta đã yêu Chúa quá nhiều nên chúng ta được tha thứ; hay bởi vì chúng ta được tha thứ rồi nên chúng ta mới yêu không? Vậy thì yêu thương và tha thứ thì cái nào có trước? Vấn đề này tương tự như câu hỏi, quả trứng và con gà thì trứng có trước hay con gà có trước?
Đây có lẽ là vấn đề triết học nên nó có vẻ khá xa vời và xem ra không quan trọng cho đời sống của chúng ta cho lắm. Hay đúng hơn, yêu thương và tha thứ cái nào có trước không quan trọng vì Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương và tha thứ chúng ta. Cho dù chúng ta có yêu Chúa hay không thì Người vẫn tỏ lòng thương xót cho chúng ta.
Thế nhưng vấn đề xảy ra khi mỗi người chúng ta đặt nó vào trong thái độ sống của mình. Đặc biệt là khi chúng ta yêu cầu Chúa phải tha thứ cho chúng ta vì chúng ta đã yêu Chúa trước. Chúng ta nghĩ rằng, mình xứng đáng lãnh nhận ơn tha thứ vì những gì mình đã thực hiện, đã yêu. Vậy thì phải chăng, chúng ta không yêu Chúa nữa nếu chúng ta không đón nhận được tha thứ?
Đến đây, có lẽ ai trong chúng ta cũng đang phân vân, cái gì mà trước trước sau sau, điều chi là xứng đáng với không xứng đáng? Tìm hiểu tổng quát về Tin Mừng Luca, chúng ta nhận ra một trong những điểm chính nếu không muốn nói là trung tâm điểm chính lòng hiếu khách – hospitality. Thế nên, Tin Mừng Luca được ví như là Tin Mừng của lòng hiếu khách và sự chào đón. Chính lòng hiếu khách hay sự chào đón cũng là một quy chuẩn để duyệt xét hay dán nhãn mỗi người là tốt hay xấu.
Ví như trong Tin Mừng hôm nay, người phụ nữ được dán nhãn là người có tiếng xấu trong thành một phần có lẽ vì đời sống của chị hay xem ra chị chưa thể hiện lòng hiếu khách hay sự chào đón. Trong khi đó, người biệt phát tên là Simon lại mang tiếng tốt vì đã mời cơm Chúa Giêsu. Chuyện dán nhãn xem ra bình thường cho đến khi người phụ nữ nghe biết về Chúa Giêsu. Dù mang tiếng xấu nhưng cô lại tỏ rõ sự hiếu khách và chào đón của mình một cách sâu sắc. Cô đứng đằng sau, rửa chân Chúa bằng nước mắt của mình, lấy tóc mình mà lau, và còn hôn chân Người không ngừng. Hơn nữa, chị không chỉ xức mà đổ dầu thơm lên chân Chúa.
Trong khi đó, ông biệt phái Simôn chẳng thể hiện một điều gì cụ thể để chào đón Chúa, mà ngược lại còn thầm nghĩ bụng mà phán xét Chúa. Lúc này, Chúa Giêsu đã dùng một câu chuyện đầy ý nghĩa về hai người mắc nợ và được tha để chỉnh đốn thái độ của Simon. Bởi lẽ, ông mang tiếng là người tốt, không vướng tội lỗi mà lại thiếu lòng hiếu khách hay sự chào đón. Rồi một cách gián tiếp, Chúa Giêsu đã tha thứ tội lỗi cho người phụ nữ và chúc chị đi bình an vì đức tin của chị. Còn ông biệt phái Simôn đã không được tha thứ mà cách nào đó còn bất an nữa.
Vậy còn mỗi người anh chị em chúng ta thì sao? Có lẽ ai trong chúng ta cũng luôn tỏ rõ lòng hiếu khách và sự chào đón của mình. Bởi vì, chúng ta đã được yêu bằng một tình yêu nhưng không. Thế nhưng, lắm lúc chúng ta lại chẳng khác gì người biệt phái Simôn. Chúng ta tưởng rằng mình là đạo gốc, đạo dòng mà quên mất tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta. Tệ hơn nữa, chúng ta còn thầm trách Chúa vì những gì Chúa đã thương ban cho muôn người hay những gì đang diễn ra trái ý chúng ta. Lắm lúc, thái độ sống của chúng ta còn không bằng những anh chị em tân tòng hay vừa mới được lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy.
Có lẽ tốt hơn, chúng ta hãy nhận ra sự yếu đuối nhận ra ‘tiếng xấu’ của mình như người phụ nữ kia. Chúng ta luôn đến với Chúa và thể hiện tình yêu của mình qua chính những người anh chị em chung quanh chúng ta, kể cả những người xem chúng ta là người xấu.
Nguyện ước sao chúng ta luôn cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa qua sự tha thứ của Người và luôn biết thể sự sự hiếu khách và chào đón của mình, kể cả những người mang tiếng xấu. Amen!
Tslm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, C.P.