Thứ Th 4,
16/10/2024
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó
Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXVIII Thường Niên Năm B
Tin Mừng: Lc 11:47-54

Khốn khổ hay khốn nạn?
Chuyện về một thầy dòng đi giới thiệu ơn gọi về nhà dòng của mình. Vì nhà dòng mới thành lập ở Việt Nam nên chưa có tên gọi chính thức. Như ở Nhật, anh em gọi là dòng Chịu Nạn, còn ở Hàn thì lấy tên là dòng Khổ Nạn. Có lẽ vì thế, thầy đã giới thiệu mình thuộc dòng Khổ Nạn Chúa Giêsu thay vì phiên âm Pat-si-ô-nit, hay Dòng Thương Khó sau này. Chuyện cũng chỉ là cái tên cho tới khi có một em giúp lễ về thưa với cha mẹ rằng, xứ ta hôm nay có thầy nhìn rất chi là khốn khổ mà thầy lại đi dòng khốn nạn nữa. Nói ra thì có chút vui kèm với sự khó thương nhưng cũng gợi cho chúng ta hiểu hơn về bài Tin Mừng hôm nay. Bởi lẽ, không rõ Chúa Giêsu diễn tả sự khốn khổ hay là buông lời như có thể hiểu là khốn nạn nữa?
Tác giả Tin Mừng sử dụng từ οὐαί – ouai trong tiếng Hy Lạp để diễn tả lời Chúa Giêsu. Từ này thường được thốt ra để diễn tả sự đau buồn hay sự tố cáo. Có thể nói, Mát thêu đã diễn tả lại lời than khóc để cảnh báo dành cho các thành lớn ở vùng Giuđêa khi thốt lên lời khốn khổ cho họ. Còn đối với các nhà thông luật, Luca thuật lại lời dành cho họ có lẽ là sự tố cáo. Bởi vì, họ vừa chứng thực vừa đồng tình với những việc sai trái của cha ông. Cụ thể là việc bách hại các ngôn sứ, những người của Thiên Chúa. Hơn thế nữa, họ còn cản bước những ai muốn đến với Chúa. Vì những người thông luật chính là những người thông thạo về sách luật. Nói cách khác, họ nắm rõ về Kinh Thánh thời trước Chúa Giêsu.
Khốn khổ cho họ lắm thay, vì biết rõ Kinh Thánh như là nắm giữ chìa khóa của sự hiểu biết, của sự cảm nhận sâu sắc về Thiên Chúa. Thế nhưng, họ đã không biết tận dụng cơ hội mà mở cửa tiến gần đến Chúa hơn. Tệ hơn nữa, họ cũng không mở cửa cho những người khao khát Chúa được tiến vào. Có thể nói, họ thật đáng thương hơn là đáng trách, thật là khốn khổ hơn là khốn nạn. Vì bị giới hạn nơi sự hiểu biết của con người mà chưa biết mở ra cho Chúa và cho mọi người. Ngược lại, họ còn liên kết với những thế lực khác như các kinh sư và nhóm biệt phái để tìm cách gài bẫy và bắt Chúa Giêsu.
Thế còn mỗi người anh chị em chúng ta thì sao? Chúng ta có để cho Chúa thốt lên lời ‘khốn’ cho chúng ta không? Có lẽ cũng đã có lúc chúng ta nghe lời ‘khốn cho con’ chạm đến mình. Bởi lẽ, chúng ta được diễm phúc tiếp cận với những phương tiện truyền thông, được lắng nghe, học hỏi và chia sẻ Lời Chúa mỗi ngày hoặc bất cứ khi nào chúng ta muốn. Có thể nói, chúng ta cũng phần nào nắm giữ được chìa khoá của sự hiểu biết về Thiên Chúa cũng như cảm nhận về Người mỗi ngày một hơn. Thế mà, lắm lúc chúng ta chưa biết mở ra cánh cửa tâm hồn để có thể đến gần Chúa và để những anh chị em chung quanh cũng đến với Chúa. Và sẽ thật khốn cho chúng ta, nếu chúng ta cố tình liên kết bè phái để rồi ngăn cản công việc của Chúa trong công cuộc rao giảng Tin Mừng.
Vâng, Tin Mừng đôi lúc cũng kèm theo những tiếng chói tai, những lời khó nghe. Cũng có lúc như một thầy khốn khổ đi dòng khốn nạn, hay một thầy thương khó cảm thấy thật khó thương vậy. Biết thương là khó đó nhưng con đường theo Chúa cần học biết cách đón nhận tất cả mọi sự đến với mình. Vì nghe qua rồi bỏ thì đôi lúc thật là dễ, còn biết lắng nghe, cảm nhận rồi đón nhận mà vẫn bình an thư thái thì mới thật được tôi luyện mỗi ngày. Ước mong sao, mỗi người chúng ta được Chúa thương xót như chúng ta hằng thương mến nhau vậy. Amen!
Tslm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, C.P.