Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần V Thường Niên B

Thứ Th 7,
10/02/2024
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó

Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần V Thường Niên B
PHÚC ÂM: Mc 7, 31-37
“Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được”.
EPHATHA – HÃY MỞ RA


Mỗi lần chúng ta tiếp xúc với những người bị câm điếc thật khó cho ta trong việc giao tiếp vì họ không nghe cũng như không nói được. Ta chỉ có thể hiểu được họ qua cách họ diễn dạt bằng hành động mà thôi. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi ta có một sự nhạy bén trong cách nhìn và hiểu họ.
Hôm nay, trong bài Tin Mừng ở đấy có một người vừa ngọng vừa điếc. Anh đã được Chúa Giêsu chữa lành. Người đã thấy hiểu nổi khổ nhọc của anh biết chừng nào trong cách anh muốn nói cho người khác hiểu về mình cũng như anh có thể nghe người khác nói một cách rõ rang hơn. Anh thật sung sướng biết dường bao khi được Chúa chữa lành cho anh về khiếm khuyết thể lý của anh mang bấy lâu nay. Chúa Giêsu đã chạm đến sợi dây thắt của con người anh nay anh có thể nói được tự nhiên và nghe rõ ràng. 

Quả thật, việc nói rõ ràng và truyền tải thông điệp cho người khác hiểu về những gì mình muốn nói là điều ước mơ của hết thảy mọi người trong cuộc sống này. Tuy nhiên, có những lúc dường như làm cho ta bị “nghẹn” mà trở nên ngọng hay bị câm. Bởi lẽ, ta từng có kinh nghiệm của đau thương, bị khinh miệt, chê bai hay khước từ…Từ những kinh nghiệm đau thương đó khiến cho lòng ta trở nên không còn muốn mở lòng mình ra với thế giới quan và ta bắt đầu sống trong sự khép kín – thất vọng. Hơn nữa, có biết bao nhiêu những nỗi ám ảnh, đe dọa hay sợ sự thật đã làm cho ta câm nín. Éphatha – xin hãy mở ra; mở miệng con để con có thể cao rao lời chúc tụng Chúa và mở lòng con để con có thể đón nhận và cảm thông cho thế giới, bởi đâu đó ngoài kia vẫn còn nhiều sự bất công, đau khổ nhờ đó con lại được sự yêu thương, hy vọng và tình yêu nâng đỡ từ mọi người.

Bên cạnh đó, nếu như bệnh ngọng làm cho người khác khó hiểu ta thì bệnh điếc lại làm cho ta khó hiểu được người khác. Điều này ví như khi chúng ta đi xem kịch câm, chúng ta chỉ nhìn thấy hình ảnh mà không cảm nhận được rõ ý nghĩa của câu chuyện. Quả thật, lúc đó sẽ làm cho ta thật khó chịu làm sao! Bởi chẳng ai muốn như vậy vì xem kịch thì cần hiểu ý nghĩa của kịch, lúc đó mới hay và thấm thía hơn. Từ đó, ta thấy chẳng có ai muốn mình bị lãng tai hay bị điếc. Thế nhưng, trong thực tế lắm lúc ta vẫn có thể mắc bệnh này, nghĩa là ta mất khả năng lắng nghe sự chia sẻ của người khác. Tâm lý con người là thích nghe những điều mình muốn nghe hay có lúc nghe nhưng lại bỏ ngoài tai. Dẫn đến ta chưa thể thấu hiểu được nỗi lòng của người chia sẻ. Vì thế, ta nghe bằng tai chưa đủ, nhưng cần lắng nghe bằng cả con tim. Chỉ trái tim yêu thương mới thấu hiểu được nỗi lòng của người khác một cách đúng nghĩa. Éphatha -xin mở ra đôi tai của con để con có thể lắng nghe được nỗi lòng của những ai đang cần đến sự thấu hiểu của con. Xin giúp con thoát khỏi cái tôi cứng cỏi, những thành kiến, cố chấp hay những suy nghĩ lệch lạc để lắng nghe được nỗi lòng của những người xung quanh con.

Mẹ Thánh Têresa Calcutta có lần nói rằng: “Thế giới hôm nay đang đói về tinh thần hơn là đói về vật chất.” Éphatha – xin mở tâm hồn con, để con có thể đối thoại, cảm thông, chia sẻ vì có nhiều người còn “đói” về mặt tinh thần. Bệnh này đang dần trở nên xu hướng của thời đại 4.0 và làm người ta thành những hòn đảo độc lập, chẳng có gì để chia sẻ, chẳng có gì để cho, cũng như chẳng có gì để hiểu. Dần dần làm cho thế giới chết dần trong sự nghèo nàn của mình. Xin cho con đừng câm điếc trước Thiên Chúa và anh chị em con, cũng như giúp cho mọi người thoát ra khỏi sự câm điếc của họ. Amen.

Lm. Phanxicô Xaviê Hồ Ngọc Tuấn, C.P.

popup

Số lượng:

Tổng tiền: