Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần VI Phục Sinh Năm B

Thứ Th 4,
08/05/2024
Đăng bởi Trọng Cầu

Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần VI Phục Sinh Năm B
Tin Mừng: Ga 16:12-15

Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. (c.12)

“Nhiều điều phải nói” của Chúa Giêsu sẽ được nói qua sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. “Nhiều điều phải nói” này chúng ta gọi là những mạc khải làm sáng tỏ những gì mà Chúa Giêsu đã nói khi Ngài còn ở với các môn đệ.

Quả thật, ngoài những gì Chúa Giêsu đã nói, đã làm thì không còn điều gì cần phải nói thêm với con người. Tuy nhiên, chỉ sau sự kiện Phục Sinh thì con người chúng ta mới bắt đầu hiểu dần dần về tất cả những gì Chúa Giêsu đã nói và đã làm. Sự hiểu biết này cần được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần khi mà Chúa Giêsu không còn hiện diện với con người bằng thể xác.

Bởi thế, “nhiều điều phải nói” ẩn sau tất cả những gì Chúa Giêsu đã giảng dạy, đã làm, và đã nghe từ Chúa Cha, sẽ được giải nghĩa bởi Chúa Thánh Thần. Chúng ta không loại bỏ cả những bài học giáo lý thời sơ khai của các Tông đồ, những thị chứng nhân trực tiếp sống với Chúa Giêsu – những bài học mà Thiên Chúa đã dạy Hội Thánh qua mọi thời đại.

Hơn nữa, Thánh Kinh, Thánh Truyền là hai kho tàng quý giá chúng ta cần nghe và tin. Không có gì là mới mẻ đối với Thiên Chúa. “Những điều phải nói” mà Chúa Giêsu ám chỉ sẽ là những gì mà con người sẽ được khai mở cho hiểu nhờ vào sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần qua Hội Thánh.

Tuy nhiên, ai cho rằng mình nhận được mạc khải của Chúa mà cho rằng nó ngang bằng Kinh Thánh và phủ nhận quyền giáo huấn của Hội Thánh, người đó bị lạc giáo. Vì thế, một sứ điệp mà không phù hợp với Kinh Thánh và không được Hội Thánh công nhận thì không thể được xem là mạc khải của Chúa để giải nghĩa những gì đã có trong Kinh Thánh và Thánh Truyền.

Mầu nhiệm về lòng thương xót không có gì là mới mẻ với Thiên Chúa. Vì ngay từ Cựu Ước, các thánh vịnh đã ca ngợi Chúa là Đấng “muôn ngàn đời vẫn trọn tình thương”, hay được gọi là Đấng “từ bi nhân hậu, chậm giận, giàu tình yêu và thành tín” (Xh 34:6). Hơn nữa, trong các Tin Mừng, cũng đã xuất hiện khái niệm “lòng thương xót”. Thế nên, đây là một phẩm tính quen thuộc đối với Thiên Chúa. Tuy nhiên, mãi về sau, khi đến thời đến buổi, Thiên Chúa nhắc nhớ chúng ta về phẩm tính “giàu lòng thương xót” của Ngài khi chúng ta có nguy cơ lãng quên và để chúng ta được chữa lành nhờ nhớ đến Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương. Bởi thế, cuộc mạc khải tư của Thiên Chúa dành cho thánh nữ Faustina đã được Hội Thánh nhìn nhận và công nhận để các tín hữu nhớ và sống cậy nhờ vào lòng thương xót của Chúa. Đó là sự giải nghĩa đúng đắn.

Xin Chúa Thánh Thần ngự đến và hướng dẫn chúng con. Amen.

Lm. Giuse Trần Vũ Thiên Long

popup

Số lượng:

Tổng tiền: