Thứ Th 3,
21/11/2023
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó
Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXXIII Thường Niên Năm A
Luca 19,11-28
LÒNG NHÂN HẬU ĐỐI VỚI NGƯỜI ĐAU KHỔ
Xã hội ngày càng phát triển, đời sống con người vì thế cũng ngày được nâng cao. Thế nhưng, thực tế cuộc sống lại vạch ra trước mắt chúng ta một thế giới bị tổn thương. Đâu đó quanh ta vẫn còn rất nhiều người phải chống chọi với những nghịch cảnh của cuộc sống. Họ xứng đáng được sống một cuộc đời trọn vẹn thay vì sống leo lắt trong góc tối cuối đường. Họ xứng đáng có một cuộc đời no đủ thay vì bị bỏ đói ngoài vỉa hè. Họ xứng đáng có được một cuộc sống yên bình thay vì bị bạo hành và đánh đập trong gia đình. Họ xứng đáng có một ngôi nhà để ở thay vì phải lang thang đầu đường cuối phố. Họ xứng đáng được sống an bình trong thôn xóm, trong cộng đoàn đức tin và trong lòng xã hội thay vì bị bỏ rơi, bị loại trừ, và bị gạt ra bên lề xã hội. Qua các phương tiện truyền thông, chúng ta biết được rằng hàng ngàn người đã và đang trở thành nạn nhân của chiến tranh ở Ukraine và dải Gaza. Hàng ngàn người phải rời bỏ gia đình, rời bỏ những người thân thuộc, rời bỏ nền văn hóa mà họ lớn lên để di cư đến một miền đất lạ lẫm. Thực tế đó đòi chúng ta phải có trách nhiệm đối với những anh em chị em đau khổ của mình.
Chúng ta được nghe trong bài Tin Mừng Luca ngày hôm nay dụ ngôn ‘Mười Nén Bạc’. Chúa Nhật vừa rồi chúng ta cũng được nghe trong Tin Mừng Mátthêu dụ ngôn này. Mátthêu đã thuật lại dụ ngôn này với chiều kích cánh chung–nhấn mạnh đến việc Đức Giêsu sẽ trở lại lần thứ hai trong vinh quang (Mt 25,14-30). Điều này có nghĩa ‘Mười Nén Bạc’ biểu thị những khả năng mà mỗi chúng ta được Thiên Chúa ban cho nhằm phụ vụ thế giới và con người. Như thế, trong ngày tận thế, chúng ta sẽ bị phán xét dựa trên việc chúng ta đã sử dụng khả năng của mình ra sao để phục vụ thế giới này.
Tuy nhiên bản văn Tin Mừng Luca mà chúng ta nghe hôm nay lại mang chiều kích Kitô học–nhấn mạnh đến vai trò là Vua của Đức Giêsu. Thánh Luca cho chúng ta biết rằng, Đức Giêsu kể dụ ngôn này cho đám đông dân chúng, trên đường lên Giêrusalem, vì họ nghĩ triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Quả thế, Triều đại Thiên Chúa đã đến gần, nhưng không theo cách họ nghĩ. Họ nghĩ rằng Đức Giêsu sẽ lấy lại vương quyền từ tay người Rôma và lập lại hòa bình trên Israel, nhưng Đức Giêsu lại tuyến bố “Nước tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18,36). Họ nghĩ rằng Đức Giêsu sẽ ngự trên ngai vàng mà cai trị dân chúng như Vua Đavít, nhưng Đức Giêsu lại chọn thập giá để làm long ỷ (=ghế vua) của mình. Vì thế, dụ ngôn ‘Mười Nén Bạc’ là một lời giải bày cho dân chúng và cho tất cả chúng ta.
Đức Giêsu tiến về Giêrusalem để lãnh lấy vường quyền của Ngài, đó là đón nhận Cuộc Thương Khó. Các Tông Đồ là những người đã trung tín với Ngài thì Ngài chia sẻ vương quyền với họ. Ngài cũng hứa ban Nước Trời cho người trộm lành. Tuy nhiên, các nhà chức trách tôn giáo là những kẻ đã dè bỉu Đức Vua. Họ đã buộc tội Ngài, đã nhục mạ, hắt hủi, và đóng đinh vị Vua công chính, thì Ngài sẽ loại họ ra ngoài và không cho hưởng hạnh phúc Nước Trời.
Ngày hôm nay, chính Đức Giêsu cũng chịu đau khổ nơi những người đau khổ. Ngài cũng chịu đói khát và bị bỏ rơi; Ngài phải lang thang đầu đường cuối phố; Ngài cũng bị bạo hành và đánh đập; Ngài bị hãm hiếp và bị ngục tù; nơi gối đầu của Ngài là góc tối cuối đường; và Ngài cũng phải di cư để tìm kiếm một cơ hội để sống.
Trong lá thư gửi cho Bề trên Tổng quyền Dòng Thương Khó Chúa Giêsu vào ngày 15 tháng 10 năm 2020, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói rằng, Đức Giêsu đã sống lại và không còn chết trong thân xác Ngài nữa, nhưng chính Ngài đã nhập thể nơi những đau khổ của con người. Chính Ngài vẫn tiếp tục chịu thương khó và chịu chết với nỗi đau của con người. Đức Giáo Hoàng mời gọi các tu sĩ Dòng Thương Khó đừng cảm thấy mệt mỏi với những đau khổ của con người, nhưng hãy bước đi, đồng hành và chia sẻ nỗi thống khổ với họ.
Đây cũng là thông điệp của bài Tin Mừng ngày hôm nay. Chúng ta có trung thành với những vị vua nhỏ bé của chúng ta; có viếng thăm những người bị cầm tù và những người đang cô đơn; chúng ta có cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống; chúng ta có cho kẻ trần truồng ăn mặc; chúng ta có yêu thương nâng đỡ tha nhân hay đã loại trừ, khinh chê và ruồng bỏ họ? Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói trong tông thư Misericordia et misera (Lòng Thương Xót Và Nỗi Khốn Khổ) rằng chính chúng ta sẽ bị phán xử dựa trên tình yêu mà ta dành cho những người người anh chị em đau khổ của mình (Misericordia et misera, n. 2).
Nguyện ước cho mỗi chúng ta được Vua Giêsu phán như thế này, “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han” (Mt 25,34-36).
Xin Chúa thương soi sáng và hướng dẫn cuộc đời chúng ta, để chúng ta luôn ý thức được sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời. Đặc biệt chính Chúa cũng đang chịu thương khó ngay nơi những người đau khổ của chúng ta. Xin Chúa cho chúng ta biết yêu thương và nâng đỡ anh em chị em mình, là những con người vẫn đang chịu nhiều đau khổ trong cuộc sống. Amen.
Phanxicô Xaviê Cao Văn Trí, C.P.