Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần I Mùa Chay

Thứ Th 2,
27/02/2023
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó

Lời Chúa: Mt 6, 7 -15

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin. “Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này: ‘Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày; xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con; xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.’ “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.”


Suy Niệm

Một trong những món quà tuyệt với nhất mà Chúa Giêsu đã trao tặng cho chúng ta là lời cầu nguyện. Người không chỉ cầu nguyện cho chúng ta mà còn dạy chúng ta cầu nguyện. Là tạo vật của Thiên Chúa, chúng ta tìm về Đấng Tạo Dựng. “Tâm hồn chúng con sẽ không nghỉ yên tới khi nào được an nghỉ trong Chúa”. Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu giúp chúng ta tìm kiếm qua chính lời cầu nguyện của Người.

Chúng ta hãy cầu nguyện như Chúa cầu nguyện. Chúng ta tiến gần đến Đấng mà Chúa Giêsu ngầm hiểu là Cha của Người. Với đích điểm là Nước Trời, chúng ta cầu nguyện cho Nước Cha ngự đến. Với lời mời gọi hiệp nhất với Chúa, chúng ta xin ý Cha thể hiện, dưới đất cũng như trên trời.

Kinh Lạy Cha là lời kinh căn bản của Kitô giáo vốn được học thuộc lòng. Lời kinh này xuất hiện mọi nơi trong đời sống Giáo hội: trong phụng vụ và trong các bí tích, nơi công cộng cũng như riêng tư. Chúng ta trân quý lời kinh này.

Mặc dù chúng ta ghi nhớ Kinh Lạy Cha như lời nguyện mẫu mực nhưng không thể lặp đi lặp lại như một cái máy mà không chút tâm tình. Điều đó giúp chúng ta thức tỉnh đức tin và đưa dẫn vào huyền nhiệm của Thiên Chúa.

Khi Môsê diện kiến Thiên Chúa trên Núi Sinai, ông đã nghe rằng: “Đừng đến gần, hãy cỡi dép ra vì nơi ngươi đang đứng là nơi thánh.” Chúa Giêsu mời gọi chúng ta diện kiến Thiên Chúa không phải với tâm tình sợ hãi như người xa lạ nhưng là tâm tình người con gần gũi trong ân sủng.

Thánh Phaolô Thánh Giá nhìn nhận giá trị của lời kinh này là con đường dẫn đưa vào nội tâm với Chúa. Lời kinh không chỉ đơn thuần là chữ viết. Lời kinh dẫn đưa vào hiện diện mà ngôn từ không thể diễn tả.

Cầu Nguyện Cùng Thánh Phaolô Thánh Giá

“Cầu nguyện trở nên hoàn hảo khi thấm nhập vào nội tâm, khi linh hồn nguyện cầu trong Thánh Thần. Cha biết đây là những lời sâu sắc nhưng Thiên Chúa có thể biến những viên đá như cha thốt nên lời nếu Người muốn. Hãy để Đấng Toàn Thiện ngự trị trong tâm hồn con. Thiên Chúa ở trong con và con ở trong Thiên Chúa. Một công trình siêu nhiên. Cha không biết phải diễn đạt như thế nào, nhưng Thiên Chúa sẽ nuôi dưỡng tinh thần con và con góp phần sống động vào Thánh Thần. Nguồn sống của cha là Đức Kitô và cha cũng là nguồn lực của Ngài. (Thư 752, ngày 25 tháng Năm, 1751)

Lời Nguyện

“Lạy Chúa, xin dạy chúng con cầu nguyện.” Xin ban cho những người con cha đây những lời nguyện, xin cho chúng con biết ý nghĩa và xin dẫn đưa chúng con về với Chúa. Xin dẫn đưa chúng con vào Hiện Thực nơi ngôn từ câm nín, là nơi chúng con nghỉ yên trong Chúa. Amen

Chuyển dịch từ cuốn sách: “A Lenten Journey with Jesus Christ and St. Paul of the Cross” của cha Victor Hoagland, C.P.

popup

Số lượng:

Tổng tiền: