Suy Niệm Tin Mừng Thứ Năm Tuần VI Thường Niên Năm C

Thứ Th 4,
19/02/2025
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó

Suy Niệm Tin Mừng Thứ Năm Tuần VI Thường Niên Năm C
St 9, 1-13. Mc 8, 27-33
Rao Truyền Rõ Ràng, Không Úp Mở

Sự việc xảy ra khi có các câu chuyện tế nhị nhưng lại được chia sẻ ra rõ ràng trong các cuộc trò chuyện. Thế là người trong cuộc chỉ biết cảm thán rằng: “biết vậy mà còn nói cho to lên nữa.” Kết quả, ai cũng phá lên cười vì thật ra chuyện tế nhị nhưng trong tình thân thì ai cũng biết rồi nên nói ra cũng không sao. Trong tình thân là thế, còn thực tế thì không được như vậy, vì có những chuyện sẽ gây tổn thương cho nhiều người nếu sự việc được công bố rộng rãi. Vậy còn sự việc của Chúa Giêsu thì sao, phải chăng Người cấm ngặt các môn đệ rồi lại công khai lời loan báo về sự Thương Khó của mình?
  
Lược lại trình thuật trong sách Sáng Thế, sau khi Đức Chúa quyết định sáng tạo lại qua biến cố đại hồng thuỷ, Người đã xoá bỏ gần như tất cả. Nhưng trước đó, Đức Chúa đã mở ra một cánh cửa mới cho con người và muôn loài, qua việc chọn ông Nô-ê cùng với gia đình và các loài thú vật. Sau đó, khi cơn hồng thuỷ qua đi, muôn loài kể cả con người được Chúa chúc lành, để được tái sinh như một cuộc sáng tạo mới. Thế mới biết, Đức Chúa không phải là một Thiên Chúa hay giáng phạt hay phán xét, nhưng Người luôn mở ra và chúc lành cho con người. Để rồi, con người luôn có khởi đầu rồi lại bắt đầu trong một vòng lặp. Vòng lặp này kết thúc khi giao ước được thực hiện nơi chính Chúa Giêsu Kitô.

Quả là thế, Chúa không tự nhận mình là Đấng Kitô,  Đấng được xức dầu tấn phong để thi hành giao ước của Chúa Cha. Chính ông Phê-rô, người đại diện cho các môn đệ, cũng là người luôn theo sát thầy mình đã thốt lên: “Thầy là Đấng Kitô.” Nhưng rồi, Chúa Giêsu lại cấm ngặt các ông. Có lẽ, vì Chúa đến không phải vì vinh quang của người đời ban tặng, nhưng đến là để thi hành sứ mạng của mình. Chúa không thừa nhận cũng chẳng chối từ, nhưng cuộc đời hoạt động của Người là một minh chứng rõ ràng nhất về Người là ai.

Rồi sau đó, trong nơi thanh vắng, nơi tình thân được gắn kết, nơi chỉ có Chúa và các môn đệ, Người  loan báo về sự Thương Khó của mình. Chúa biết Con Người sẽ đón nhận nhiều điều. Nào là chịu đau khổ, chịu loại bỏ, và chịu cả cái chết. Đây chính là thực tế mà Chúa Giêsu biết trước và vui lòng đón nhận. Vì Chúa cũng biết rằng, sau ba ngày Con Người sẽ sống lại. Đây là điều mà theo trình thuật Tin Mừng Mác-cô, Chúa sẵn sàng rao truyền rõ ràng, không úp mở, cả đau khổ lẫn vinh quang của Con Người.

Thế mà, người môn đệ trưởng, người công khai tuyên bố thầy mình là ai thì lúc này lại người đầu tiên kéo riêng Người ra. Từ chốn rõ ràng đến chổ ẩn dấu, ông Phê-rô bắt đầu trách Người. Đây có lẽ cũng là thái độ của nhiều người chúng ta, khi theo Chúa trong vinh quang thì chúng ta hân hoan vui mừng, loan báo cho tất cả mọi người. Rồi khi chúng ta gặp đau khổ, chịu sự bách hại và nguy hại đến tính mạng thì lại ẩn dấu. Chúng ta ẩn dấu không phải vì để giữ lấy mạng sống để tiếp tục việc rao truyền Tin Mừng, nhưng chúng ta chạy theo tư tưởng của loài người mà sợ mất đi vinh quang hư ảo. Chúng ta quên mất, mình đang đi theo Chúa, theo tư tưởng của Người chứ không phải theo thế gian.

Nguyện ước sao, chúng ta mãi biết âm thầm lặng lẽ thi hành sứ mạng mà Thiên Chúa đã trao phó cho mình theo những cách thế khác nhau. Để rồi, khi cần thiết, chúng ta sẵn sàng rao truyền rõ ràng, không úp mở, để tư tưởng của Thiên Chúa được thể hiện. Và nguyện ước sao, chúng ta sẽ mãi vững lòng trông cậy mà đón nhận mọi sự xảy đến cho mình như chính Chúa Giêsu đã làm như vậy. Amen.

Tslm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, C.P.


 

popup

Số lượng:

Tổng tiền: