Thứ Th 3,
04/03/2025
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó
Suy Niệm Tin Mừng Thứ Tư Lễ Tro
Ge 2,12-18; 2Cr 5,20-6,2; Mt 6,1-6,16-18
Hy Vọng Với Tâm Tình Sám Hối

Trong tâm tình Năm Thánh, nhiều người nhận định rằng, đi đâu cũng nghe Năm Thánh, làm gì cũng nói về hy vọng. Vâng, một tâm tình chủ đề thì thường được nhắc đến liên tục, cũng như tâm tình mùa Chay được khởi đi từ Thứ Tư Lễ Tro vậy. Một tâm tình sám hối qua việc lành phúc đức, ăn chay và cầu nguyện. Ba việc làm cụ thể này như một chiếc kiềng ba chân, để vẫn luôn giữ một tâm tình trở về với Chúa, không phải để thất vọng nhưng vẫn luôn hy vọng. Vậy thì hy vọng với tâm tình sám hối như thế nào trong Năm Thánh đặc biệt này?
Thiết nghĩ, tâm tình sám hối không chỉ dừng lại ở bề ngoài với bộ mặt ăn chay, khóc lóc hay thống thiết than van, nhưng đi sâu vào việc xé lòng. Tâm tình này đi sâu vào trong tâm hồn của mỗi người để hết lòng, hết sức, hết trí khôn mà trở về cùng Chúa, một Thiên Chúa của hy vọng. Quả thế, mỗi người được mời gọi trở về không phải với một vị Thiên Chúa giận dữ hay phán xét, mà trở về với một Thiên Chúa đầy lòng từ bi và nhân hậu, Người chậm giận lại giàu tình thương. Đây là một vị Thiên Chúa luôn ban những người con của Người sống trong hy vọng, sống trong sự hiện diện của Người. Chính trong sự có mặt của Chúa mà người theo Chúa tìm thấy được sự cậy trông mãi.
Thế nhưng, khi đối diện với những biến cố trong cuộc đời, nhiều người theo Chúa không khỏi thốt lên: “Thiên Chúa của tôi ở đâu rồi?” Tại sao mọi chuyện lại xảy đến cho tôi mà không phải người khác? Có lẽ câu trả lời có thể là một câu trả lời khác, “Sao lại không phải là tôi? Sao cứ phải là người khác?” Vâng, Thiên Chúa là hy vọng của mọi người và cũng dành riêng cho mỗi người. Một Thiên Chúa thấu tỏ tâm can của mỗi người và từng người một. Người là Đấng thấu suốt những gì kín đáo và luôn dành riêng cho từng người những gì người đó cần.
Có lẽ cũng vì thế, niềm hy vọng được Thiên Chúa trao gởi dành cho bối cảnh riêng của từng người. Khi con người biết yêu thương anh chị em chung quanh thì cũng nhận ra Chúa đang yêu thương mình. Khi người tín hữu biết đến với Chúa và dâng tất cả cho Người thì cũng là lúc nhận được an ủi từ Chúa. Và khi con người nhận ra thân phận yếu đuối, mỏng giòn của mình thì cũng là lúc mở mình ra cho Chúa bước vào trong cuộc đời mình. Vậy thì sao mà con người cứ mãi khoa trương, mãi biểu diễn để mong được người ta khen? Sao cứ mãi thích thể hiện, thích slay, hay flex, thích phông bạt để người ta thấy? Rồi lại cứ mãi u sầu, thiểu não để tìm kiếm sự xót thương? Có lẽ cũng vì sống trong một xã hội tạm bợ, một lối sống ảo, mà thiếu đi niềm hy vọng thật sự.
Cũng vì thế mà thánh Phaolô thay mặt Chúa Giêsu Kitô, cũng như chính Thiên Chúa, mà nài xin anh chị em chúng ta. Ngài xin chúng ta hãy biết sám hối mà làm hoà với Thiên Chúa. Một Thiên Chúa đã làm người, đã không ngại mặc lấy thân phận tội lỗi của con người. Thế nhưng, Người đã không đắm chìm vào trong tội lỗi, trong sự thất vọng hay thậm chí tuyệt vọng của con người. Ngược lại, người đưa con người ra khỏi tình trạng tội lỗi, cho con người mặc lấy sự công chính trong Người. Đó là niềm hy vọng mà con người nhận được từ ân huệ của Thiên Chúa. Thế nên, thánh Phaolô nài xin chúng ta đừng thất vọng, đừng để ân sủng của Chúa trở nên vô hiệu.
Cách đặc biệt trong thời Thiên Chúa thi ân, trong ngày Người cứu độ, trong Năm Thánh hy vọng này. Người tín hữu được mời gọi hãy biết hy vọng với tâm tình sám hối với 40 ngày chay thánh. Chúng ta hãy cùng nhau bước đi trong hy vọng trong mùa hồng phúc đặc biệt này.
Vậy, chúng ta hãy cùng nài xin Chúa như chính Chúa cũng đang nài xin chúng ta, hãy trở về với Chúa, hãy biết ăn chay, cầu nguyện và yêu thương anh chị em chung quanh, nhất là những ai đang thất vọng. Để rồi, hành trình chay thánh 40 ngày cũng là một chuyến hành hương thật sự trong tâm hồn cũng như ngoài thể xác. Nguyện ước cho mỗi người chúng ta sẽ đến gần với Chúa như Người luôn ở bên cạnh mình, thấu xót mọi tâm can của mình. Amen.
Tslm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, C.P.