Hội Thảo Chuyên Đề
Thánh Phaolô Thánh Giá – Đấng Sáng Lập Dòng Thương Khó Chúa Giêsu
Tháng 10 hàng năm là dịp các Tu Sĩ Dòng Thương Khó vui mừng cử hành chuỗi sự kiện mừng kính Đấng Sáng lập Dòng gồm: Hội thảo chuyên đề, Hội thao và các cử hành phụng vụ.
Vào lúc 14h30 thứ Sáu ngày 11 tháng 10 năm 2024, tại hội trường Tu viện Thánh Phaolô Thánh Giá Sài Gòn, quý thầy dòng Thương Khó, quý sơ dòng Nữ tu Thánh Giá Thương Khó cùng quý anh chị em Huynh đoàn Thương Khó đã cùng quy tụ để lắng nghe phần thuyết trình của thầy Phó tế Gioakim Phạm Quang Vinh, C.P., qua đề tài: “Đau Khổ Và Hy Vọng Nơi Biến Cố Cuộc Thương Khó Của Chúa Giêsu Trong Dòng Tư Tưởng Của Thánh Phaolô Thánh Giá”.
Nội dung chính của buổi hội thảo là khởi đi từ đau khổ và hy vọng trong kinh nghiệm phổ quát của con người. Con người đau khổ khi trải qua những trải nghiệm tiêu cực như: mất đi người thân, đói nghèo, bệnh tật… Con người luôn cố gắng đi tìm lời giải đáp cho đau khổ nhưng dường như không có câu trả lời. Vì thế, hy vọng đến với những người đau khổ như là ánh sáng chiếu soi vào đêm tối để giúp những người đau khổ vượt qua khó khăn và đối diện với những mất mát trong cuộc đời.
Tiếp đến, thầy trình bày về đau khổ và hy vọng Kitô giáo. Người Kitô hữu nhìn đau khổ như cách thế để kết hợp với cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu. Cụ thể, trong thông điệp Spe Salvi của Đức Cố Giáo Hoàng Biển Đức XVI về niềm hy vọng Kitô giáo, ngài đưa ra hai lý do để cho thấy đau khổ hiện hữu như là một phần của con người. Một mặt, đau khổ xuất hiện như “sự tích lũy hay lưu truyền của tội trong quá trình lịch sử”. Mặt khác, “đau khổ xuất hiện như là sự hữu hạn của con người” mà không ai trong chúng ta có thể tránh khỏi. [1]
Chúng ta được mời gọi để chấp nhận đau khổ, trưởng thành và tìm thấy ý nghĩa của đau khổ qua việc kết hợp với Chúa Giêsu trên Thập giá – Đấng chịu đau khổ với tình yêu nhưng không (Spe Salvi, Số 37). Như hạt lúa mì gieo vào lòng đất chết đi để sinh ra những bông hạt khác. Vì thế, đau khổ như là một tiến trình giúp chúng ta trưởng thành hơn. Những ai chấp nhận đau khổ là một phần trong sự hiện hữu của con người thì dễ dàng hiểu người khác và trở nên là chính mình hơn. Hơn nữa, niềm hy vọng giúp chúng ta đón nhận đau khổ ngay cả khi không còn hy vọng bởi niềm hy vọng được đặt để nơi Thiên Chúa (Spes Salvi, số 39).
Như vậy, đau khổ là một phần không thể tránh trong cuộc sống con người. Tuy nhiên, đối với niềm tin Kitô giáo thì đau khổ có thể trở thành một cơ hội để trưởng thành và nên thánh. Người Kitô hữu đón nhận đau khổ, trưởng thành và tìm thấy ý nghĩa của đau khổ qua việc kết hợp với Chúa Giêsu trên Thập giá. Chúng ta đón nhận đau khổ như là một phần của cuộc sống để luôn hy vọng, cậy trông và phó thác vào Thiên Chúa.
Thêm vào đó, thầy kết nối đau khổ và hy vọng trong Kinh Thánh nơi cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu qua cái nhìn lịch sử và thần học nơi biến cố vườn cây dầu và nơi thập giá. Để rồi, thầy trình bày về cha thánh Phaolô nơi kinh nghiệm của ngài về đau khổ và hy vọng. Cha thánh Phaolô không nói trực tiếp nhưng qua các thư, cuộc đời, và cách thế sống của ngài đã diễn tả cho chúng ta thấy được ý nghĩa của đau khổ và hy vọng đặt để nơi cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu. Bởi vì, Chúa Giêsu đã có thể chọn cách thế khác để cứu độ con người nhưng Ngài đã chọn Thập Giá và biến đổi nó thành một giá trị mới của hy vọng. Thánh Phaolô Thánh Giá trong những bài giảng và những lá thư mục vụ của ngài chứa đựng niềm hy vọng nơi đau khổ mà con người nếm trải. Cha thánh đặt để tất cả những đau khổ nơi tình yêu Thập giá mà Chúa Giêsu đã mang vác. Niềm hy vọng được nhấn mạnh nơi những lá thư mục vụ của thánh Phaolô Thánh Giá với những chủ đề như sau: (1) niềm hy vọng nơi lòng thương xót của Thiên Chúa – tội lỗi chúng ta Thiên Chúa tha thứ và dẫn đưa chúng ta về với Ngài. (2) Niềm hy vọng cho ơn cứu độ - nỗi cá nhân đều có món quà của ơn cứu độ khi chúng ta đặt sự dữ ra ngoài bản thân và tuyên xưng về những lỗi lầm mình đã phạm. (3) Niềm hy vọng trong lúc đau khổ - cha thánh tin rằng đau khổ của con người khi đặt để nơi đau khổ của Đức Kitô thì đau khổ không biến mất nhưng những đau khổ này là cách thế cho ơn cứu độ. (4) Chúng ta có thể thay thế và biến đổi cuộc sống qua việc đặt nền trên tình yêu và lòng thương xót hướng về người khác bởi chúng ta tin vào tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. [2]
Đau khổ và hy vọng nơi cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, chúng ta được thanh luyện để rồi đau khổ trở thành hoa trái ngọt ngào từ Thập giá. Đau khổ về thể xác không thể tách rời chúng ta ra khỏi tình yêu của Chúa Giêsu vì Người đã yêu, đã chịu đau khổ, đã chết và đã sống lại cho chúng ta trước. Vậy, mỗi khi tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu là chúng ta biến những đau khổ trong đời sống thành hy tế dâng lên Thiên Chúa, để một khi chúng ta cùng chết với Chúa Giêsu thì chúng ta cùng sống lại với Người mãi mãi. Các tu sĩ Dòng Thương Khó làm cho Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô thành trung tâm của đời mình. Chúng ta loan truyền sự Thương Khó và cái chết của Chúa Giêsu với lòng tin và lòng mến. Sự Thương Khó không những là biến cố lịch sử mà còn là thực tại đang xảy ra trong thế giới hôm nay, những người đau khổ vì bất công, bạo lực, chiến tranh. Ơn gọi của tu sĩ Dòng Thương Khó thúc đẩy mỗi người am hiểu tường tận về cuộc Thương Khó của Đức Kitô cả trong lịch sử và cuộc sống ngày hôm nay. Sự Thương Khó và đau khổ nơi Thân Thể Mầu Nhiệm của Ngài hình thành nên một mầu nhiệm cứu độ duy nhất. [3]
Rao giảng về cuộc Thương Khó có thể được xem như một “đặc sủng” đối với cá nhân là một Tu Sĩ Dòng Thương Khó. Đau khổ là một điều không thể tránh khỏi trong kiếp nhân sinh nhưng bước theo Chúa Giêsu là chấp nhận Thập giá với niềm vui và hy vọng. Ngắm nhìn Thập giá là lúc dừng lại để đọc ra Thánh Ý Chúa qua những biến cố trong cuộc đời. Là một tu sĩ, những cảm nghiệm về Thập giá của bản thân là lúc cảm nghiệm được tình yêu, bình an và sự quan phòng của Thiên Chúa. Tuy nhiên, Thập giá đôi khi trở nên nặng nề khi phải đối diện với những đau khổ của anh chị em trong những mối tương quan, mục vụ và những sự bất lực của bản thân. Nơi Thập giá là câu trả lời cho những đau khổ của con người, để rồi từ đó đặt trọn niềm tin và tín thác vào tình yêu của Thiên Chúa. Tình yêu thật sự là tình yêu dám hy sinh mạng sống của mình cho những người mình yêu. Chúa Giêsu không những cảm nhận được đau khổ nơi Thập giá mà còn là vị ngọt của một tình yêu trao ban khi thốt lên “Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19:30).
Sau khi lắng nghe thầy Phó tế Gioakim thuyết trình, mọi người thảo luận theo từng nhóm và trình bày ý kiến của mình để cùng nhau chia sẻ những hiểu biết, suy tư và tâm tình về cuộc đời và gương sáng của thánh Tổ phụ, cũng như nói lên những thao thức và mơ ước cho sứ vụ tương lai để làm sống động lại cuộc Thương Khó trong thế giới đầy biến động ngày hôm nay. Sau đó, đại diện của từng nhóm nói lên những tâm tư của nhóm xoay quanh chủ đề “đau khổ và hy vọng nơi cuộc Thương Khó Của Chúa Giêsu”.
Buổi hội thảo khép lại trong bầu khí vui tươi của tình huynh đệ. Chắc hẳn mỗi người đều thu lượm được những kho tàng tri thức và trải nghiệm quý giá để sống linh đạo Dòng Thương Khó cách sung mãn hơn.
Truyền thông Dòng Thương Khó
[1] Ramage, Matthew J. 2021. "Ratzinger on Evolution and Evil: A Christological and Mariological Answer to the Problem of Suffering and Death in Creation" Religions 12, no. 8: 583. https://doi.org/10.3390/rel12080583
[2] Paul of Laurence Finn and Donald Webber. The Letters of Saint Paul of the Cross, (Hyde Park NY Chicago IL: New City Press, 2000), distributed by Congregation of the Passion.
[3] Passionists, Constitutions: Congregation of the Passion of Jesus Christ, 140-141.