Thứ Th 4,
27/03/2024
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó
Con đường Thánh Giá
Lời Chúa Giêsu mời gọi, “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” (Mc 8,34), không chỉ dành cho các môn đệ mà dành cho muôn người, còn vang vọng mãi. Lời mời gọi không chỉ được tìm thấy trong Tin Mừng đầu tiên theo thánh Máccô (Mc 8,34-38) mà còn được trình thuật trong Tin Mừng Mátthêu (Mt 16,24-27) và Luca (Lc 9,23-26). Đây cũng là một trong những lời mời như là một trong những điều kiện tiên quyết để theo Chúa Giêsu. Đó là tự nguyện đón nhận từ bỏ chính mình và sẵn sàng trả giá máu vì Chúa Giêsu Kitô và muôn người.
Thử đặt trong bối cảnh Tin Mừng Máccô, Chúa Giêsu đã mời gọi đám đông và tất cả các môn đệ lại. Điều này cho thấy lời Chúa Giêsu khởi đi từ đám đông để rồi nhấn mạnh đến những ai bước theo Người. Còn theo Tin Mừng Mátthêu, lời mời gọi như lời dạy bảo này dường như chỉ dành riêng cho các môn đệ khi Người chỉ nói riêng với các ông. Ngược lại, đây là lời mời gọi cho tất cả mọi người theo Tin Mừng Luca khi Chúa Giêsu nói với tất cả mọi người. Hơn thế nữa, lời mời gọi này không chỉ một lần là đủ mà là nhiều lần, là hằng ngày trong đời. Như thế, những bối cảnh Tin Mừng khác nhau đã phần nào giúp chúng ta hiểu, Lời Chúa mời gọi xuất phát từ dân chúng rồi dành riêng những ai theo Người và cái kết lại phổ biến cho tất cả mọi người. Điều này cũng phản ánh ơn gọi Thương Khó khi lời mời gọi tưởng nhớ và rao truyền cuộc Thương Khó xuất phát từ cộng đoàn, để rồi dành phần đặc biệt cho các tu sĩ và kết quả lại dành cho tất cả.
Quả là thế, con đường Thương Khó mà đỉnh cao thập giá đã là một bản án tử hình xuất phát từ một thực tế xã hội thời Chúa Giêsu. Đây là con đường không ai muốn đi cả vì cái kết của nó là giá máu, là cái chết. Nhưng rồi, chính Chúa Giêsu đã bước đi trên con đường hẹp này. Một con đường đầy rẫy những thăng trầm, những núi cao lẫn vực thẳm, những hạnh phúc lẫn bất hạnh. Chính Chúa Giêsu với cái chết và phục sinh của Người đã minh chứng cuối con đường này không phải là cái chết mà là sự sống. Con đường đó như một đường hầm u tối mà cuối đường là ánh sáng tỏa lan. Có thể nói, con đường thập giá được đổi tên thành con đường Thánh Giá, và Thương Khó không quá khó thương.
Và như thế, con đường Thánh Giá được hiểu theo nghĩa thuộc về Chúa, có Chúa Giêsu hiện diện và đồng hành. Vì sự thật, đã có nhiều người vác thập giá ra pháp trường, lên đồi sọ như hai người bên hữu và bên tả Chúa; thế mà, chỉ có thập giá Chúa Giêsu vác mới bắt đầu được xem là Thánh Giá. Để rồi, người theo Chúa nhận ra rằng, con đường theo Chúa không tránh khỏi những khó khăn, những thử thách, những đau khổ, những tổn thương. Nhưng vượt trên tất cả, con đường đó luôn có Chúa đi cùng, luôn có Chúa vác cùng.
Nhân vì chút suy niệm quen thuộc này, xin mời anh chị em chúng ta cùng nhìn lại, chúng ta đã muốn theo Chúa, đã vác thánh giá cùng Chúa mỗi ngày, hay chúng ta cứ mãi nghĩ đến thập giá như những án phạt, những cực hình mà chúng ta phải chấp nhận? Chúng ta thật tâm hân hoan đón nhận hay vẫn còn thái độ u sầu không thể từ chối?
Tslm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, C.P.