Đức Mẹ Dưới Chân Thập Giá

Thứ Th 6,
07/04/2023
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó

Đức Mẹ Dưới Chân Thập Giá 


Từ xưa, lòng đạo đức bình dân dành cho Đức Mẹ trong biến cố Đức Mẹ dưới chân Thập Giá với tước hiệu đầu tiên là “Bảy Sự Thương Khó của Đức Mẹ” đã được các tín hữu sùng kính một cách đặc biệt. 

“Bảy Sự Thương Khó của Đức Mẹ” mở đầu đó là lời tiên tri của cụ Simêôn tiên báo một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn của Đức Maria (Lc 2:33-35). Tiếp đến, việc Đức Mẹ ẵm Chúa Hài Đồng cùng với Thánh Giuse chạy chốn sang Ai Cập (Mt 2:13-21). Tiếp nữa, Đức Mẹ ba ngày lạc mất Chúa Giêsu (Lc 41:50). Sau đó, Đức Mẹ gặp gỡ Chúa Giêsu trên đường khổ giá (Ga 19:17). Rồi việc Đức Mẹ chứng kiến Chúa Giêsu bị đóng đinh vào Thập Giá (Ga 19:18-30). Đức Mẹ chứng kiến hạ xác Chúa Giêsu xuống khỏi Thập Giá (Ga 19:39-40). Cuối cùng Đức Mẹ cùng với ông Giôxép an táng Chúa Giêsu (Ga 19:40-42). 

Dòng chảy phát triển của thần học và phụng vụ đã làm nên những thay đổi về tước hiệu “Bảy Sự Thương Khó của Đức Mẹ”. Năm 1913 Đức Giáo Hoàng Piô X niêm yết trong lịch phụng vụ Rôma vào ngày 15 tháng 9 với tước hiệu Đức Mẹ Sầu Bi thay vì tước hiệu “Bảy Sự Thương Khó của Đức Mẹ”. Tước hiệu này được dùng cho đến ngày nay để diễn tả những sự đau thương, sầu khổ của Đức Mẹ xung quanh cuộc Thương Khó và cái chết của Đức Kitô. 

Vậy tước hiệu “Đức Mẹ Sầu Bi” có ý nghĩa gì? Tước hiệu này diễn tả hình ảnh trên đồi Gôngôtha Mẹ dâng mình chấp nhận đau khổ vì mất đi người Con yêu dấu. Hình ảnh Đức Maria đứng dưới chân Thập Giá và Mẹ đã không thốt nên lời. Mẹ có thể thét lên trong giận dữ đối với những đau thương mà Mẹ phải gánh chịu nhưng Mẹ đã chọn im lặng. Sự im lặng không phải là tuyệt vọng nhưng là tín thác hoàn toàn cho Chúa. Mẹ suy đi nghĩ lại trong lòng những biến cố đã xảy ra với Mẹ. Niềm tin vào Thiên Chúa và sự quan phòng của Ngài trong từng hoàn cảnh của cuộc sống. Mẹ Maria hiệp thông nơi biến cố cứu độ của Chúa Giêsu bằng cách kết hợp với Ngài vào giờ lâm tử. Mẹ Maria được tuyên xưng là “Eva mới”, thực hiện lời hứa của “người phụ nữ” trong sách Sáng Thế (3:15), người cuối cùng sẽ đạp đầu con rắn nhờ sự kết hợp của Mẹ với hành động cứu độ của Chúa Giêsu.

Mẹ đã không trốn tránh trước cái chết của Người Con một nhưng luôn dõi theo và đón nhận thánh ý Chúa. Đức Maria, Mẹ Sầu Bi, đã đứng dưới chân Thập Giá. Mẹ đã không chạy trốn đau buồn hay cố gắng tự cứu mình. Với nỗi đau xót và khuôn mặt đầm đìa nước mắt và với đức tin nơi Con của Mẹ, Mẹ Maria đã được Thiên Chúa biến đổi đau thương. Mẹ luôn gắn kết với mầu nhiệm của Đức Kitô trong công trình của Đấng Cứu Độ. Mẹ là mẫu gương và là thầy dạy về đời sống thiêng liêng cho tất cả các Kitô hữu.

Mỗi người Kitô hữu được mời gọi noi gương Mẹ nơi cuộc lữ hành trần thế với tất cả sự tín trung và “xin vâng”. Hơn thế nữa, tu sĩ Dòng Thương Khó được mời gọi một cách đặc biệt nơi Mẹ. Chúng ta đặt để đời mình trong bàn tay yêu thương của Thiên Chúa như Đức Mẹ khi xưa trên hành trình dương thế. Mẹ đã đứng dưới chân Thập Giá chiêm ngắm Chúa Giêsu chịu đóng đinh – một tình yêu bất tận để giao hòa và để con người được Ơn Cứu Độ. Để rồi từ dưới chân Thập Giá, chúng ta tìm được sự ủi an và đặc biệt các tu sĩ Dòng Thương Khó Chúa Giêsu có thể sống tròn đầy đặc sủng, linh đạo qua việc chiêm ngắm Chúa Giêsu trên Thập Giá. Qua đó, mỗi tu sĩ Dòng Thương Khó Chúa Giêsu luôn sẵn sàng để dấn thân phục vụ những người bên lề của xã hội, người bị bách hại và đau khổ.

Gioakim Phạm Quang Vinh, C.P.


 

popup

Số lượng:

Tổng tiền: