Giêrusalem – Đường Tình Yêu Thập Giá

Thứ CN,
02/04/2023
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó

Giêrusalem – Đường Tình Yêu Thập Giá


Giữa dòng đời tấp nập ngược xuôi, có những bước chân đang vội vã trở về nhà sau một ngày dài làm việc. Có những bước chân vui tươi, hân hoan vì đang đến điểm hẹn. Rồi đâu đó, là tiếng bước chân nặng trĩu, phiền muộn của những con người đang phải lo toan, mưu sinh kiếm sống giữa chợ đời. Thêm vào đó, là tiếng bước chân đang hối hả chạy đua trên thương trường, trong vòng quay của danh lợi. Cũng lẫn đâu đó, là tiếng bước chân chậm dãi, điềm tĩnh và khoan thai. Cuộc đời mà, sẽ không ít lần chúng ta bắt gặp lại những bước chân ấy. Hôm nay, chúng ta hãy vứt lại đằng sau tất cả những bước chân ấy. Hãy dừng lại một chút, thinh lặng một chút để hướng nhìn về phía Thập giá chiêm ngắm về một mầu nhiệm linh thánh, mầu nhiệm của tình yêu” nơi phát ra nguồn ơn cứu độ cho nhân loại tội lỗi, cho chúng ta được sống và sống dồi dào. 

Mầu nhiệm Thập giá, mầu nhiệm tình yêu của Chúa Giêsu bắt nguồn từ đâu? Thánh sử Gioan nói: “Thiên Chúa là nguồn gốc của tình yêu (1Ga 4,7). Bởi vì: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,16). Như vậy, mầu nhiệm được khởi đi từ Thiên Chúa. Từ cung lòng thẳm sâu của Ngài đã rung lên những giai điệu mượn mà của tình yêu. Như trong lời hát: “Như gà mẹ ủ ấp con dưới cánh, Chúa thương yêu, Chúa ủ ấp con đêm ngày”. Thiên Chúa - Ngài không chỉ ủ ấp ta mỗi đêm, mỗi ngày, nhưng ủ ấp trong suốt cả cuộc đời bụi trần của chúng ta. Tình yêu ấy được diễn tả ngọt ngào qua ngôn từ của ngôn sứ Isaia: “Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ” (Is 62,5).

Cuộc đời chúng ta đắm chìm trong tội lỗi? Vậy mà Chúa vẫn thương yêu, vẫn muốn cưới chúng ta về! Con người chúng ta thường chỉ thích, chỉ yêu những ai thương mình, tốt với mình, “hợp gu” mình, mình cho là tốt – là “perfect”. Còn Thiên Chúa, Ngài không giống chúng ta. Ngài yêu chúng ta, là Ngài yêu hết những yếu đuối, yêu hết cả sự bất toàn của chúng ta. Tình yêu đó được trao ban, dâng hiến cho chúng ta cách nhưng không và vô điều kiện. Tình yêu ấy được thánh sử Gioan diễn đạt: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời (Ga 3, 16). Ngài yêu chúng ta. Ngài say mê chúng ta đến nỗi đã trao ban Người Con Yêu Dấu “Độc nhất vô nhị” đến để làm của lễ xá tội cho chúng ta(1Ga 4,10). 

Đọc Tin Mừng Gioan, chúng ta xác tín rằng: Thiên Chúa là “người tình vĩ đại”, Ngài yêu chúng ta bằng một tình yêu vĩ đại T.rên thế giới có biết bao những người vô thần, không tin có Chúa, không tin có thiên đàng, đời sau.. Nhiều khi còn xúc phạm, nhạo báng, chê cười Chúa. Nhưng Chúa lại yêu thương những con người bội tín, vô tín, bất trung, bất tín ấy. Ngài yêu cái bất trung, yêu cái bội phản, yêu cái tội lỗi, cái đổ vỡ của con người chúng ta. "Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương" (Gr 31,3). Ngài tuôn đổ suối nguồn yêu thương từ cung lòng của Ngài, cho chúng ta ngang qua cuộc đời của Chúa Giêsu.

Vì một chữ “Yêu”, Chúa Giêsu chấp nhận bỏ trời cao để đi vào trong cuộc đời dương thế, mặc lấy thân phận phàm hèn để ở với chúng ta, để đồng hành với chúng ta. Và trong cuộc đời trần thế, Ngài hát lên bản tình ca của trời cao “Thầy yêu chúng con lời ai nói cho cùng, Thầy yêu chúng con, Thầy sinh xuống gian trần”.  

Trong hành trình rao giảng, Chúa Giêsu đã diễn tả Đường Tình Yêu của Người qua các dụ ngôn. Như dụ ngôn “người Samari tốt lành” Ngài cho chúng ta biết ai là người đi Đường Tình Yêu. Ai là người đi “đường duy truyền thống”, “đường duy tập quán”, “đường lãnh đạm” (Lc 10, 29-37). Điều đó cho chúng ta biết rằng: “Đi Đường Tình Yêu không dựa vào tước hiệu, tên gọi hay bất cứ hình thức văn hóa, truyền thống, xã hội nào. Điều quan trọng đối với người đi Đường Tình Yêu là “men”, là “nồng độ” của tình yêu được diễn tả qua các mối tương quan trong cuộc sống hằng ngày.

Để tham dự vào thân phận con người, Chúa Giêsu đã chấp nhận trở nên yếu đuối, đơn hèn đến nỗi ai cũng có thể từ chối Người, ai cũng có thể nhạo báng, nhục mạ Người. Ngày cả các môn đệ cũng: Kẻ thì từ chối Người, kẻ thì bán Người, kẻ khác thì bỏ chạy khi Người lâm nguy. 

Nhưng Đường Tình Yêu ấy được diễn tả cách sung mãn và trọn vẹn nhất trong Biến Cố Vượt Qua – Khi Ngài ở trên Thập Giá: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Nhìn lên Thập Giá ấy, nhìn lên Chúa Giêsu đang “Quoằn quoại” đau đớn trên Thánh Giá ấy, chúng ta thấy gì? Thưa: Chúng ta thấy một con người bị tổn thương trong một thế giới bị tổn thương. Và “Một tình yêu” yêu đến tận cùng của hơi thở, yêu cho đến mức Nước – Máu tuôn trào. Tình yêu ấy được bẻ ra và trao cho mỗi người chúng ta, dù đôi bàn tay chúng ta có dơ bẩn, có sai phạm thì Ngài vẫn trao thân mình cho chúng ta. Như lời Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định trong Tông huấn Đời Sống Thánh Hiến rằng: “Thánh Giá là sự sung mãn tình yêu tuôn trào trên thế giới”. Nhờ Đường tình yêu đó, bản tính yếu đuối của con người được biến đổi, tội lỗi của con người được xóa bỏ, sự chết của con người bị tiêu diệt, con người được thánh hóa và trở nên “Nghĩa Tử” – Con Thiên Chúa.

“Nào chúng ta lên Giêrusalem” (Mt 20,18). Người môn đệ của Chúa Giêsu được mời gọi sẵn sàng từ bỏ mình, vác Thập giá mà đi theo Chúa ( Mt 16,24).  Đỉnh cao của Mùa Chay là hành trình lên Giêrusalem, một thành phố “hoa lệ” nhưng đầy những mâu thuẫn trái ngược: Là nơi có đền thờ thánh thiêng để tôn kính Thiên Chúa, đồng thời cũng lại là nơi sùng bái những ngẫu tượng, là kinh thành biểu thị niềm tin tôn giáo, nhưng cũng là nơi đầy gương mù khủng khiếp, là kinh thành của ánh sáng, nhưng cũng là một thế giới ngập tràn bóng tối. Dân Do thái từ chỗ đặt niềm tin trọn vẹn vào Chúa Giêsu, tung hô, trải áo đón Chúa vào thành nhưng sau đó lòng họ chất đầy phẫn nộ và sự căm thù.

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đi Đường Tình Yêu của Người. Ngài mời gọi chúng ta lên đường đi Giêrusalem với Ngài. Người mời gọi chúng ta “bẻ” cuộc đời mình ra cho anh chị em của mình, mở lòng mình ra với anh chị em mình. Chúng ta được nương náu trong trái tim của Chúa, tìm được ánh sáng của niềm hi vọng ngay cả khi chúng ta bế tắc nhất, ngay cả khi chúng ta tù tội. Vậy chúng ta cũng mở rộng vòng tay, trái tim cho anh chị em mình nương tựa, trở thành những người mang ánh sáng của niềm hi vọng cho anh em mình. Các thánh là những người đã cảm được tình yêu, nên đã đi bước trước chúng ta theo Chúa lên Giêrusalem.

Một triết gia người Pháp đã từng nói: “không ai là người lữ hành cô đơn trên con đường về quê hương vĩnh cửu vì có Chúa Giêsu cùng đi với họ”. Vậy, chúng ta hãy xác tín có Chúa Giêsu ở cùng, chúng ta không còn sợ gì đau khổ, xác tín có Chúa đi cùng, sẽ không có một thế lực thù địch nào ở trần gian này có thể dập tắt được niềm tin của chúng ta. Thánh Phaolô quả quyết: "Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, để sự sống của Chúa Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi” (2 Cr 4,10).  

Chúng ta tôn kính, ôm lấy Thánh giá Đức Kitô trong cầu nguyện để khuôn mặt Đấng chịu đóng đinh tỏ lộ ra, khuôn mặt ấy hấp dẫn thu hút ta say mê yêu mến Ngài, xem đau khổ đó là một hồng phúc vì được chia sẻ với Đức Kitô: “Con muốn xin Chúa cho con được đau khổ vì Chúa, bị khinh chê và bị người ta coi không ra gì”( Thánh Gioan thánh giá). Thánh Têrêxa với con đường tình yêu “Làm mọi việc bằng tình yêu”. Với Thánh Phaolô Thánh Giá, Ngài thường nói với các tập sinh rằng: “Thật là việc tốt lành và thánh thiện khi suy tưởng và suy ngắm về cuộc Khổ Nạn của Chúa, vì nhờ con đường nầy mà người ta đạt tới sự kết hiệp thánh thiện với Thiên Chúa. “Tình yêu là một năng lực hiệp nhất, nó biến những khổ hình thành tình yêu với Đấng Thiện Hảo yêu mến của mình. Ngọn lửa tình yêu lan tới tận tâm can, biến người yêu thành kẻ được yêu thương, và một cách sâu hơn, tình yêu nhập vào trong khổ đau và đau khổ nhập vào tình yêu; cả hai hòa nhập keo sơn đến nỗi không thể phân biệt tình yêu với đau khổ. Bởi vậy tâm hồn yêu mến reo vui trong chính nỗi khổ sầu, và nhảy mừng hoan lạc trong chính tình yêu bi thương của mình”.

Để đi trên Đường Tình Yêu, chúng ta hãy thành tâm học hỏi, suy niệm giáo huấn Đức Giê-su. Đón nhận và bước đi trong Lời Chúa, để cho Lời của Đức Giêsu soi sáng và hoạt động nơi chúng ta. Như Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Đón nhận sự thật, làm chứng cho sự thật”. Để làm chứng cho sự thật, chúng ta cần phải được bồi dưỡng bằng sinh lực đến từ Thiên Chúa.Sức mạnh ấy, chúng ta hãy uống, hãy múc lấy từ Thiên Chúa – Là Nước từ cạnh Nương Long Chúa chảy ra”. Nước đó ban cho chúng ta một sự sống mới, một sức sống đích thực, để chúng ta có thể đến được Giêrusalem trên trời. Lời của Chúa, sức mạnh của Chúa được ban cho chúng ta qua các Bí Tích, đặc biệt là bí tích giao hòa và Bí Tích Thánh Thể. Chúng ta đừng cậy dựa vào sức của mình, cũng đừng cậy dựa vào sức của thế gian vì như vậy chúng ta sẽ đi không nổi.

Vậy, nếu chúng ta gặp thử thách, đau khổ trên bước đường theo Chúa, chúng ta hãy xác tín rằng: chúng ta đang có cơ hội để nên giống Chúa Giêsu. Như lời thánh Phaolô đã nói: “Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào Thập giá” (Gl 2, 19), được tháp nhập vào Chúa Kitô, trở nên “đồng hình đồng dạng” với Người – Đấng đã mời gọi tôi bước theo Người ( Rm 8, 29). Bước vào tuần thánh chúng ta được mời gọi đi sâu vào tâm tình của sự thinh lặng, để học được bài học của sự khiêm nhường và vâng phục, đồng hành với Đức Giêsu trên đường dài của đau khổ, để hiến thân mình cách trọn vẹn cho Thiên Chúa. Vì thế, là tín hữu hay là tu sĩ chúng ta đều được mời gọi: " vác Tthhập giá mình hằng ngày mà theo Chúa” lên Giêrusalem. 

St. NhungDo
 

popup

Số lượng:

Tổng tiền: